Gỡ khó cho doanh nghiệp lữ hành

Thứ Sáu, 04/09/2020, 20:27 [GMT+7]
In bài này
.

“Cú đấm bồi” của đợt bùng phát thứ hai dịch bệnh COVID -19, với tâm dịch là TP.Đà Nẵng rồi lây lan đến một số tỉnh, thành phố khác, như một đòn giáng nặng nề đối với ngành du lịch nước ta. Vừa mới nhúc nhích hoạt động trở lại sau 3 tháng “đóng băng” từ đợt dịch khởi phát đầu năm, ngành du lịch, nhất là các doanh nghiệp lữ hành (DNLH) tiếp tục lâm vào tình cảnh khó khăn chồng chất.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, tính đến hết tháng 8/2020, tỷ lệ hủy phòng tại các khách sạn vào khoảng 96 - 99% ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Tại TP.Hà Nội hủy 32.000 tour, TP.Hồ Chí Minh hủy 35.000 tour, nhiều DNLH lớn với các đoàn khách đông cũng bị hủy chuyến. Hiện tại, trung bình mỗi ngày có 10 DNLH quốc tế chấm dứt hoạt động. Số DNLH đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn là 18.596 DN; trong đó, dịch vụ việc làm, du lịch có 2.037 DN, dịch vụ lưu trú và ăn uống có 1.936 DN. Qua hai đợt dịch bệnh covid-19, hầu hết các DNLH, các khách sạn, cơ sở lưu trú phải đương đầu với những thách thức khắc nghiệt nhất trong lịch sử của ngành du lịch.

Trong bối cảnh khó khăn chung của du lịch cả nước do đại dịch COVID-19 gây ra, du lịch BR-VT cũng bị ảnh hưởng và phải chịu thiệt hại nặng nề. Theo thống kê của Sở Du lịch, tính đến hết tháng 8/2020, hầu hết các DNLH đã tạm ngưng hoạt động, chỉ một số ít còn mở cửa để xử lý công nợ với khách. Đối với hoạt động lưu trú, các đơn đặt phòng trong tháng 8 bị hủy lên đến 99%; các hợp đồng tổ chức hội nghị, tiệc cưới, họp mặt … có quy mô từ 30 người trở lên cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Thậm chí, ngay trong những ngày đầu tháng 9 này, nhiều cơ sở lưu trú cho biết, lượng khách hủy dịch vụ vào khoảng 70-80%, yêu cầu đặt các dịch vụ hoàn toàn không có.

Để vượt qua khó khăn do những tác động xấu từ dịch bệnh COVID-19, đòi hỏi từ chính bản thân các DNLH cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ và các chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của Nhà nước. Theo đó, các DNLH cần chủ động sắp xếp lại lao động, rà soát, cắt giảm tối đa các khoản chi phí để duy trì hoạt động; giải quyết cho nhân viên nghỉ phép hoặc nghỉ không lương trong một khoảng thời gian để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn đối với DN. Các DNLH cần thực hiện chuyển hướng ưu tiên, nhắm đến đối tượng khách hàng nội địa nhiều hơn trong thời điểm này, vì tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các nước trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, khả năng du khách nước ngoài nhập cảnh bị hạn chế. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp đồng bộ, vừa tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, vừa thực hiện liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành các chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho du khách Việt Nam. Đồng thời, cần đầu tư xây dựng các tuyến du lịch nội địa mới để chuẩn bị tái khởi động kinh doanh khi dịch bệnh được đẩy lùi; trong đó, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường. Tận dụng thời gian này, các DNLH cần tiến hành đào tạo lại nhân sự, thực hiện bồi dưỡng chuyên môn và nâng cấp quy trình quản lý chất lượng; tiếp tục ứng dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động của DN và chuẩn bị chu đáo mọi nguồn lực để sẵn sàng hoạt động trở lại một cách tốt nhất khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế.

Sự hỗ trợ của Chính phủ, của các địa phương đối với các ngành kinh tế nói chung và kinh doanh du lịch nói riêng trong thời gian vừa qua, bước đầu đã thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều gói hỗ trợ chưa phát huy được tác dụng đối với các DNLH, hiện ngành du lịch mới chỉ tiếp cận được chính sách ưu đãi giá điện, giảm phí, lệ phí với các hồ sơ, thủ tục; còn các chính sách hỗ trợ tín dụng, thuế, phí, bảo hiểm … đều khó tiếp cận. Để tháo gỡ khó khăn cho các DNLH, từ nay cho đến cuối năm 2020, Chính phủ cần có chính sách điều chỉnh giảm, hoặc giãn 30-50% thuế VAT, 50-70% thuế thu nhập DN; tiếp tục chính sách giảm chi phí điện, nước và giảm sâu hơn lãi suất cho vay. Ưu tiên thực hiện chính sách giãn nợ, khoanh nợ đối với các DNLH và điều chỉnh điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ. Bên cạnh đó, tác động để các đối tác hàng không, lưu trú và dịch vụ điểm đến điều chỉnh chính sách để có thể hoàn lại kinh phí (theo tỷ lệ hợp lý) hoặc gia hạn bảo lưu ít nhất một năm đối với các khoản tiền đặt cọc vé máy bay, dịch vụ cho khách du lịch.

HOÀNG LÊ

;
.