Văn hóa kinh doanh

Thứ Sáu, 04/09/2020, 20:41 [GMT+7]
In bài này
.

Vừa chợp mắt ngủ trưa được 5 phút, chuông điện thoại của chị Hạnh reo lên. Từ số máy 096xxxx215, đầu giây bên kia một giọng nữ giới thiệu họ là nhân viên của một công ty tài chính. Cuộc gọi vào giữa trưa của nữ nhân viên này nhắc chị Hạnh còn 4 ngày nữa là đến hạn phải trả món nợ hơn 1,5 triệu mà trước đó chị Hạnh đã ký hợp đồng mua trả góp chiếc máy giặt tại một cửa hàng điện máy.

Dù biết rằng, khi mua sản phẩm, các nhà cung cấp và dịch vụ đã tạo điều kiện cho chị Hạnh thực hiện hợp đồng nhanh chóng. Tuy nhiên, gọi điện ngay giữa trưa, nhất là lúc vừa chợp mắt, khiến chị Hạnh không khỏi bực mình. Cũng vì thế mà chị Hạnh đã  phản ứng lại. Còn mấy ngày nữa mới đến hạn, sao không gọi giờ nào lại chọn vào giờ nghỉ trưa, cứ như có việc gì gấp lắm. 

Trường hợp như chị Hạnh phàn nàn không phải là hiếm. Và không chỉ gọi điện nhắc nợ vào những giờ nghỉ, các nhân viên của các công ty tài chính này còn gọi điện bất cứ giờ nào để hỏi khách hàng có vay tiền hay không, mặc dù người được gọi đã nhiều lần từ chối. Bạn tôi kể, có hôm trời mưa, đang trên đường đón con đi học về, giật mình vì cuộc gọi lúc cuối giờ chiều. Tấp xe vào lề đường để nghe máy, chị được hỏi rõ tên, địa chỉ, rồi được hỏi chị có nhu cầu vay tiền không? Quả thật là hết sức bực mình!

Người viết bài này cũng đã có lần chứng kiến một vị khách đến cửa hàng bán trả góp và to tiếng với các nhân viên ở đây. Theo vị khách này, ông đã rất nhiều lần bị làm phiền bởi các cuộc gọi của nhân viên của các công ty tài chính. “Tôi đã bảo không có nhu cầu vay tiền, tại sao các cô cứ gọi hoài, có ngày gọi 2-3 lần. Từ nay tôi yêu cầu các cô không được gọi vào số máy của tôi nữa”, ông khách gay gắt…

Vẫn biết rằng, việc nhắc nhở khách hàng thanh toán khoản tiền trả góp hằng tháng khi gần đến ngày trả nợ là việc làm thường xuyên của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nhân viên nên tránh những khung giờ “nhạy cảm” hoặc chỉ nhắn tin nhắc khách hàng là đủ. Bên cạnh đó, nên “ghi chú” các số điện thoại đã gọi điện tiếp thị vay tiền mà họ từ chối, tránh việc gọi nhiều lần làm họ bực mình, phản ứng thái quá, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp... 

Thiết nghĩ, những điều tưởng như nhỏ nhặt này nếu vô tình bị bỏ qua, sẽ không những ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Mà nó còn thể hiện sự tôn trọng khách hàng; thể hiện văn hóa trong kinh doanh.

Hẳn người tiêu dùng trong cả nước nói chung và BR-VT nói riêng cũng đã thừa nhận rằng, trong thời gian qua, nhờ sự phát triển mạnh mẽ hệ thống bán lẻ của các cửa hàng, cộng với việc liên kết hợp tác với các công ty tài chính, ngân hàng để thực hiện các chương trình hỗ trợ cho mua hàng trả góp đã phần nào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xã hội. Góp phần tháo gỡ khó khăn tài chính và giúp người dân có thể mua sắm được nhiều mặt hàng cần thiết, nâng cao chất lượng sống.

Tuy nhiên, trong quá trình liên kết, hợp tác các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ nên có quy định chặt chẽ hơn trong kinh doanh, dù đó là những việc làm nhỏ nhất, tránh làm ảnh hưởng đến khách hàng, uy tín của doanh nghiệp.

PHAN HÀ

;
.