Cơ hội mới cho Cái Mép - Thị Vải

Thứ Tư, 28/10/2020, 20:29 [GMT+7]
In bài này
.

Bằng sự kiện tàu Margrethe Maersk, trọng tải 214.121 DWT cập cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) ngày 26/10, Cái Mép - Thị Vải đã ghi tên mình vào bản đồ vận tải siêu trọng của hàng hải thế giới. Đây cũng là một bước phát triển lớn của ngành hàng hải để chuẩn bị nguồn lực phục vụ cho tiềm năng tăng trưởng của ngoại thương Việt Nam.

Tàu Margrethe Maersk chuyên vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tuyến dịch vụ kết nối Việt Nam với bờ Tây nước Mỹ, do liên minh 2M khai thác thuộc loại tàu biển lớn nhất thế giới. Đây là lần thứ 2 tàu này cập cảng CMIT sau chuyến đầu tiên vào tháng 2/2017 thử nghiệm không tải. Lần này, Margrethe Maersk bốc xếp khoảng 6.500 container và tiếp tục hải trình đi Hồng Kông. Là một trong những cảng lớn nhất trong khu cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, kể từ khi đi vào vận hành khai thác, CMIT luôn là cảng tiên phong tiếp nhận các tàu trọng tải lớn. Kinh nghiệm từ những chuyến thử nghiệm thành công tại CMIT là cơ sở quan trọng để Bộ GT-VT và Cục Hàng Hải Việt Nam cấp phép cho tàu trọng tải lớn cập các cảng khác trong khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã đón nhiều tàu container siêu lớn vào làm hàng, tuy nhiên sự hiện diện của tàu Margrethe Maersk khẳng định vị trí và tầm quan trọng của cụm cảng này trên trường quốc tế, chứng minh cho định hướng đúng đắn mà Chính phủ đã xác định đây là cảng cửa ngõ loại 1A trung chuyển quốc tế.

Chuyến tàu này còn là minh chứng cụ thể nhất cho quyết tâm đưa Cái Mép – Thị Vải phát triển xứng tầm khu vực và thế giới. Thứ nhất là chứng minh được năng lực cảng, năng lực luồng lạch, năng lực phối hợp của các cơ quan chức năng, đánh dấu quyết tâm của hãng tàu. Nhưng quan trọng hơn, đây còn là lực đẩy quan trọng để tiến gần hơn mục tiêu đưa kinh tế cảng biển là một trong 4 mũi nhọn đủ sức và đủ tầm tạo đột phá thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho tỉnh BR-VT nói riêng và toàn vùng kinh tế trọng điểm nói chung trong giai đoạn tới. Dĩ nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để chuẩn bị nguồn hàng, kho bãi, dịch vụ cho con tàu này và những cơ hội tương tự.

Hiện nay, Cái Mép - Thị Vải có khoảng 30 tuyến tàu, trong đó có 23 tuyến quốc tế, 7 tuyến nội địa. Sản lượng hàng hóa tại cảng CMIT cho đến ngày 26/10 đã đạt và vượt công suất thiết kế (6,8 triệu TEUs/năm); dự kiến hết năm nay sẽ đạt khoảng 7,2 triệu TEUs, trong đó có 4 triệu TEUs hàng hóa xuất khẩu và 3,2 triệu TEUs trung chuyển nội địa.

Những con số thể hiện sự tăng trưởng trên còn có thể cao hơn nữa nếu có các yếu tố đồng bộ đi kèm. Những nút thắt về hạ tầng logistics trước và sau cảng đang là bài toán đặt ra đòi hỏi ngành hàng hải phải từng bước tháo gỡ. Đặc biệt, để Cái Mép - Thị Vải đóng tròn vai trong thúc đẩy phát triển kinh tế, phải nhanh chóng triển khai và hoàn thành các dự án giao thông kết nối, mà cụ thể đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An; nạo vét luồng lạch đạt chuẩn; hình thành trung tâm kiểm hóa hiện đại...
 

NGÔ GIA

 
;
.