Nan giải rác thải sinh hoạt nông thôn

Thứ Năm, 08/10/2020, 21:14 [GMT+7]
In bài này
.

Rác thải sinh hoạt nông thôn (RTSHNT) là vấn đề được đặt ra từ lâu, song đến nay hiệu quả đạt được chưa cao và vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế. Tình trạng RTSHNT ùn ứ tại các điểm tập kết, tại các ao hồ, kênh mương và trong các khu dân cư đang ngày càng trở nên bức xúc, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân.

Lâu nay, các làng quê ở vùng nông thôn vẫn được coi là khu vực có môi trường sống trong lành, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhiều làng quê nông thôn đã và đang nảy sinh các vấn đề về RTSH, tác động xấu tới đất canh tác, nước tưới tiêu, môi trường không khí và sức khỏe của người dân. Trong đó, RTSHNT là bài toán đau đầu với các cấp chính quyền và các công ty vệ sinh môi trường. Theo quy định của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mỗi xã phải có một bãi rác, nhưng đến nay, số xã có bãi rác chưa nhiều. Hầu hết các xã dù đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng cũng chỉ có các bãi chứa rác tạm thời hoặc các bãi rác trung chuyển và luôn ở trong tình trạng quá tải. Bởi lẽ, các biện pháp thu gom rác còn ở quy mô nhỏ, phần lớn do các HTX tự tổ chức thu gom, với phương tiện xe thô sơ, không đúng quy cách và thời gian thu gom cũng không thống nhất. Tại nhiều địa phương, việc thu gom rác chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, chưa đáp ứng được yêu cầu thu gom rác toàn khu vực. Dẫn tới tình trạng rác thải sinh hoạt ứ đọng thường xuyên, tràn ra lòng đường với đủ loại từ xương động vật, đến túi nilon, rác thải hữu cơ, chất thải từ các làng nghề…

Số liệu thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, mỗi ngày trên địa bàn cả nước có khoảng 78.000 tấn RTSHNT phát sinh, nhưng tỷ lệ thu gom mới chỉ đạt khoảng 50-60%, có nơi chỉ đạt 30%; phần lớn rác thải tồn đọng được chôn lấp thủ công sơ sài, xử lý không hợp vệ sinh. Bên cạnh số đông người dân có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường chung, thì có không ít hộ dân chỉ quan tâm làm sạch gia đình mình, mà chưa quan tâm đến môi trường sống của cộng đồng, vứt bừa bãi RTSH ra ngoài khu vực gia đình mình sinh sống, ra bờ mương, ra đường làng, khiến tình trạng ô nhiễm trầm trọng thêm. Tại một số xã sau khi hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đã đẩy mạnh việc thành lập đơn vị thu gom RTSH. Hiện đã có hơn 40% tổng số thôn, xã hình thành các tổ thu gom rác tự quản, thực hiện thu gom rác trong cộng đồng dân cư, vận chuyển đến địa điểm tập kết, sau đó DN thu gom vận chuyển về khu xử lý rác tập trung của huyện (hoặc tỉnh). Tuy nhiên, do chưa có chính sách hỗ trợ cho các hoạt động quản lý RTSHNT, nên các hoạt động thu gom rác vẫn còn nhiều bất cập. Ở khu vực đô thị, các công ty dịch vụ môi trường là các DN công ích, 80% kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước, 20% do người dân đóng góp. Trong khi đó ở nông thôn, kinh phí hoạt động của các tổ thu gom rác tự quản chủ yếu từ nguồn thu phí dịch vụ môi trường do người dân đóng góp, chỉ đủ để trả thù lao cho người thu gom rác, với thu nhập chỉ bằng 30-40% so với thu nhập của người thu gom rác ở đô thị. Hầu hết các tổ chức xã hội ở nông thôn mới thực hiện được các nội dung về truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về những nguy hại của rác thải sinh hoạt, chưa có các biện pháp xử lý, dẫn đến tình trạng ứ đọng, ô nhiễm môi trường do RTSHNT ngày càng gia tăng.

Tình trạng quản lý, xử lý RTSHNT kém hiệu quả đã và đang là nỗi trăn trở trong cộng đồng dân cư, đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành tài nguyên và môi trường. Giải quyết bài toán RTSHNT không chỉ một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải có sự thay đổi từ nhiều phía, theo hướng chuyên nghiệp, bài bản trong việc thu gom, xử lý rác thải. Để hướng tới bảo vệ môi trường nông thôn bền vững, trả lại môi trường sống trong lành và bảo đảm sức khỏe cho người dân, trước hết phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để cho mọi người dân thấy được bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp ở đường làng, ngõ xóm là bảo vệ cho chính mình. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần thực hiện nghiêm các biện pháp đã quy định trong việc xử lý RTSH tại địa phương. Bãi rác thải của thôn, xã phải được đưa đi xử lý kịp thời, đúng quy trình đến các bãi rác thải tập trung, hạn chế RTSHNT ứ đọng nhiều ngày.

HOÀNG LÊ

;
.