Trao yêu thương cũng cần phải có… lý trí!

Thứ Sáu, 23/10/2020, 20:08 [GMT+7]
In bài này
.

“Sáng nay, mấy chị em phải đem hàng trăm cái bánh chưng, bánh tét ra vỉa hè để bán, sau khi đã kêu gọi người thân, bạn bè mua ủng hộ”, chị N.T.H. kể. Số tiền gom góp được tuy chỉ bằng 2/3 so với số “vốn” bỏ ra, chưa kể thời gian, công sức của mấy chục người hì hụi gói, luộc bánh… Chị H. nói, đó là bài học đáng giá cho việc làm thiện nguyện, dù xuất phát bằng cả trái tim, với mong muốn được sẻ chia với bà con vùng lũ!

Băng Nhân-nick facebook của bạn tôi, suốt 2 tuần qua, bạn “sống chung với bà con ở vùng lũ” và đã đưa ra khuyến cáo cho những người đang hướng về miền Trung rằng: Xin hãy chậm lại một chút, sự nhiệt tình của mình, trước khi trao gửi yêu thương. Bởi, những thứ các bạn chia sớt chưa hẳn đã là những thứ bà con ở vùng lũ đang cần!

Kèm theo đó, Băng Nhân chứng minh bằng những hình ảnh ở vùng lũ, sau khi nước rút, có không biết bao nhiêu bao tải quần áo, bánh chưng và nhiều vật dụng không cần thiết khác… tấp thành đống. Ở những trang mạng xã hội khác, cũng chia sẻ hình ảnh những chiếc bánh chưng bị hỏng bỏ lại trên những triền đê, ven đường. Nước đã rút từ vài ngày nay, thời điểm “nước sôi, lửa bỏng” đã qua. Cái cần nhất là làm sao giúp được bà con khắc phục hậu quả sau lũ và tiếp tục có “sức đề kháng” với những cơn bão, lũ lại có thể tiếp tục tràn về như dự báo thời tiết cho mấy ngày tới đây. 

Vâng, bánh chưng, mì gói, hộp cơm… là những phần thực phẩm cứu đói khẩn cấp cho bà con vùng lũ khi nước còn dâng cao, bà con bị chia cắt, cô lập và không có cách gì mà nấu nướng được! Vậy nhưng, nếu như “nhà nhà, người người” đều gói bánh chưng, nấu cơm, mua mì gói để hỗ trợ bà con thì xem ra là quá thừa thãi! Chưa kể, ở những tỉnh, thành rất xa xôi, cách vùng lũ hàng trăm km đường bộ mà cũng gửi bánh chưng thì e rằng quá lãng phí và chưa tính toán phù hợp. Bởi, với thời tiết như hiện tại, hạn sử dụng của bánh chưng (trong trường hợp gói, luộc chín ở điều kiện bình thường) chỉ tầm 3 đến 5 ngày. Vậy nên, khi đến được tay bà con có lẽ bánh chưng ấy đã hỏng, thiu chua và đành vứt đi trong sự tiếc nuối…

Trong những ngày qua, khí thế hướng về miền Trung được đẩy lên cao trào trên khắp cả nước. Điều đó thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của bà con mình. Tuy nhiên, như làm thế nào để có hiệu quả nhất đối với việc ủng hộ miền Trung lại rất đáng bàn, tránh tình trạng hưởng ứng theo phong trào, tự phát dẫn đến lãnh phí cả về công sức, lẫn tiền của, trong khi đó, một bộ phận cư dân miền Trung chịu ảnh hưởng của lũ lụt lại không được hưởng lợi, không được giúp đỡ đúng nghĩa. 

Lũ rút, bày ra muôn vàn thứ cần thiết của người dân vùng lũ, trước mắt và cả lâu dài. Người dân vùng lũ cần có phương tiện để tái thiết cuộc sống. Đó là những vật dụng thiết yếu mỗi ngày như xoong nồi, bếp, sửa lại mái nhà, áo quần, sách vở cho con cái đi học... Và cả về cây, con giống để sản xuất, kinh doanh trở lại như những ngày chưa bão lũ. Chưa kể, ở những vùng chịu ảnh hưởng nặng, rất cần có lực lượng để dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau khi nước rút. 

Vậy nên, nếu được, hãy ủng hộ tiền mặt, trao cho người dân vùng lũ bằng tiền mặt để họ tự mua sắm những thứ họ cần theo nhu cầu của từng người, từng gia đình. Những mặt hàng ấy, chỉ cần nước rút, các tuyến giao thông được nối lại thì chắc chắn sẽ là sẵn có ở tất cả các địa phương. 

Trong suốt những ngày qua, dư luận cho rằng, cách thức ủng hộ của người dân, cộng đồng còn mang tính tự phát, chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các lực lượng chức năng ở địa phương. Điều này bộc lộ rõ ở chỗ, những nơi bị thiệt hại nặng vẫn khó được tiếp cận nguồn cứu trợ. 

Trên thực tế, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng mới nắm rõ nhất, một cách cụ thể nhất nơi nào, ai cần cứu trợ gì. Và cũng chính quyền địa phương và lực lượng chức năng mới biết rõ địa hình, mức độ lũ lụt của từng vùng để bố trí phương tiện cứu hộ. 

“Khúc ruột” miền Trung năm nào cũng hứng chịu bão lũ vào những dịp này, việc cứu trợ bằng cả trái tim sẽ vẫn rất cần ở mọi miền của Tổ quốc. Nhưng, kể cả khi trao yêu thương cũng cần phải có lý trí, đừng để cuốn theo cảm xúc mà lãng phí. Băng Nhân, bạn tôi, đang tiếp tục kêu gọi ủng hộ bò, dê, gà, hạt giống… để bạn tiếp sức đồng bào miền Trung. 

THẢO TRẦN

 
;
.