Khẳng định tiềm năng và lợi thế!

Chủ Nhật, 01/11/2020, 19:43 [GMT+7]
In bài này
.

Trong quá trình xây dựng văn kiện cho Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố, một trong những nội dung được nhiều cán bộ, đảng viên quan tâm và tích cực thảo luận là xác định “trụ cột kinh tế” của địa phương nhằm khai thác và phát huy hết tiềm năng, thế mạnh kinh tế trên địa bàn, coi đây là điều kiện và mục tiêu để tạo đà tăng trưởng cho địa phương giai đoạn 2020-2025.

Chẳng hạn, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh BR-VT lần thứ VII, các đại biểu đã rất hào hứng khi thảo luận và thống nhất tiếp tục kiên định mục tiêu phát triển “bốn trụ cột” kinh tế công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo thế và lực mở ra thời cơ, vận hội mới để BR-VT bứt phá đi lên. Hoặc như nói đến Bình Thuận, tỉnh “láng giềng” của BR-VT, người ta nhớ ngay đến “ba trụ cột” kinh tế là du lịch, thanh long và điện gió, điện mặt trời.

Việc xác định trụ cột kinh tế được nhiều địa phương đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ trước, dưới tên gọi “kinh tế mũi nhọn”. Không ít tỉnh, thành đề ra chiến lược ưu tiên phát triển nhiều ngành từ may mặc, giày dép, đánh bắt xa bờ, xi măng, đường, thép cho đến du lịch, xuất khẩu lao động… Nhiều mục tiêu, dự án được vẽ lên do ý chí chủ quan, không phải từ yêu cầu thực tế khiến các chuyên gia kinh tế phải bối rối thừa nhận “Nếu phải vẽ nên hình tượng tổng thể nền kinh tế thì quả thật, không biết phải vẽ nên hình gì ?!”

Xác định hướng ưu tiên để tập trung nguồn vốn phát triển một lĩnh vực, ngành nghề nào đó là chuyện cần thiết. Song do có hàng loạt “mũi nhọn” không thực tế, hoặc thiếu khả thi nên đã dẫn đến tình trạng đầu tư tưởng là tập trung nhưng thực chất là tràn lan, thiếu hiệu quả. Hội chứng “kinh tế mũi nhọn” còn thấy rõ hơn trong lĩnh vực nông nghiệp. Đã có một thời, nhiều địa phương đã nhà nhà đổ xô quy hoạch, lấy cây tiêu làm kinh tế mũi nhọn. Rồi lần lượt chọn cây cà phê, cây điều, cây cao su, cây thanh long làm thế mạnh… để rồi sau đó do mất giá, thiếu thị trường phải… đốn bỏ. Cũng như vậy, không ít tỉnh, thành đã ồ ạt xây dựng những khách sạn, cao ốc, resort 5 sao với tham vọng lấy du lịch làm “mũi nhọn” và rồi tình trạng khủng hoảng thừa đã xảy ra. Xin được mở ngoặc là gần đây, không ít địa phương còn lập dự án, xin mở sân bay, coi đó là “mũi nhọn” vực dậy tiềm năng kinh tế, du lịch địa phương. Nếu không xác định kỹ thì e rằng đây lại là một “mũi nhọn thời thượng” có thể đem lại những kết quả lãng phí không kém những cuộc “lạm phát mũi nhọn” đã có.

Cách đây không lâu, một cán bộ của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quản lý Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư (CIEM) có  đưa ra hình tượng “quả mít” để ví với tình trạng lập kế hoạch phát triển kinh tế ở nhiều địa phương. Tức là chỗ nào cũng có “mũi nhọn” mà chưa xác định được thứ tự ưu tiên trong hệ thống kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Một đánh giá gây sốc nhưng lại rất đúng với thực tế. Đó là, khi lập kế hoạch, ngành nào cũng cho rằng mình quan trọng, địa phương nào cũng không chịu thua kém, cho nên nội dung kế hoạch mang tính hình thức, cái gì cũng muốn là “mũi nhọn”. Chính điều đó đã dẫn đến tình trạng đầu tư tràn lan, không theo quy hoạch, chạy theo phong trào, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Việc xác định “đúng” và “trúng” các trụ cột kinh tế từ đó tạo ra các đột phá chiến lược có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển đi lên của một địa phương. Đáng mừng là tư duy, cách nhìn nhận và xác định về “trụ cột kinh tế” đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Đại hội Đại biểu các tỉnh, thành nhiệm kỳ 2020-2025 đã khắc phục được tính ôm đồm, đa mục tiêu trong hoạch định chính sách, tỉnh táo xác quyết cái gì là tiềm năng, lợi thế của mình từ đó tập trung nguồn lực đầu tư phát triển, cái gì không thuộc về thế mạnh thì dứt khoát từ bỏ.

Xác định “đúng” và “trúng” các trụ cột kinh tế. Thành công ấy không “tự dưng có” mà là kết quả của cả quá trình đổi mới nhận thức và tư duy kinh tế của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở các “trụ cột kinh tế” đã được xác định, cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, BR-VT sẵn sàng cho những mục tiêu cao hơn trong giai đoạn 2020-2025.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 

;
.