Để hàng Việt chinh phục người Việt

Thứ Tư, 13/01/2021, 18:14 [GMT+7]
In bài này
.

Cửa hàng thời trang trên đường Bacu, TP. Vũng Tàu chiều cuối tuần khách hàng ra vào tấp nập. Đang vào thời điểm cận Tết nên cửa hàng có chương trình giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng. 

Vừa thử xong chiếc áo sơ mi được may cách điệu với nhiều họa tiết khá đẹp mắt, giá giảm từ 1 triệu đồng còn 500 ngàn đồng, chị Ngô Hải Yến, nhà ở khu chung cư Gateway, Trung tâm đô thị Chí Linh tỏ ra khá hài lòng. “Trước đây tôi là “tín đồ” của hãng thời trang Zara, H&M… Nhưng kể từ khi biết đến hãng thời trang Elise, tôi đã bị chinh phục ngay. Có thể khẳng định chất liệu, mẫu mã của thời trang trong nước không thua kém nước ngoài, nhân viên bán hàng tận tâm, giá cả phù hợp với đồng tiền bỏ ra”, chị Yến nói.

Câu chuyện của chị Yến cũng là tâm lý của nhiều người Việt hiện nay. Đặc biệt, kể từ khi Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2009 đến nay, hàng Việt Nam đã dần dần chiếm lĩnh thị trường trong nước và giữ được sức sống mạnh mẽ trong lòng người tiêu dùng Việt Nam. Người tiêu dùng đang nhận thức tốt hơn về hàng Việt, thay vì ưu tiên thiên về lý trí khi chọn lựa, nay người Việt dành tình cảm, tình yêu, niềm tự hào với mỗi mặt hàng “made in Vietnam”. Ở chiều ngược lại, các DN trong nước đã và đang khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và xuất khẩu với các sản phẩm đạt chất lượng cao, góp phần nâng cao uy tín những thương hiệu dán nhãn “Made in Vietnam”.

Tại các hệ thống siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm và các điểm bán hàng bình ổn… hiện tỷ lệ hàng trong nước đã chiếm nhiều hơn so với trước kia. Thông tin từ các siêu thị trên địa bàn tỉnh cho thấy, đã có gần 90% hàng Việt lên kệ trong thời gian qua. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chiếm khoảng 40-50%).

Như vậy, đến nay hàng Việt đã có độ phủ sóng lớn tại các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại, có sức lan tỏa mạnh mẽ nhiều khu vực và dần khẳng định được hình ảnh với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp. Đây cũng chính là động lực để các DN Việt đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, mẫu mã, nâng cao chất lượng và xây dựng một mức giá cạnh tranh, đặc biệt khi Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu và rộng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. 

Tuy nhiên, phải thừa nhận, cuộc chinh phục thị trường nội địa gần 100 triệu dân, sức ép cạnh tranh của hàng hóa đa chủng loại từ nước ngoài còn vô vàn thách thức như chính sách, môi trường kinh doanh, tư duy DN, cách thức tiếp cận thị trường... Đặc biệt, để sản phẩm “Made in Vietnam” tìm được đúng giá trị tương xứng với tâm sức đầu tư của DN và sự quan tâm, chính sách của bộ ngành, cần một nỗ lực tổng thể, làm sao để người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng và sử dụng sản phẩm làm ra tại ngay đất nước mình.

 NGÔ GIA

 
;
.