Định hình lại nông sản xuất khẩu

Thứ Năm, 14/01/2021, 19:01 [GMT+7]
In bài này
.

Trong bối cảnh kinh tế bị đình trệ do đại dịch COVID-19 diễn ra trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, năm 2020, ngành nông nghiệp nước ta đã gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng toàn ngành đã nỗ lực vượt bậc, quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng và khơi thông nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Nhờ đó, ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng ở mức khá cao, hoàn thành và vượt kế hoạch 4/5 chỉ tiêu được giao; đặc biệt xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thu được kết quả ngoạn mục, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD. Ngành nông nghiệp nước ta trở thành “bệ đỡ” của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận lại thực tế tình hình sản xuất nông nghiệp trong những năm gần đây và đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu nông sản thế mạnh của nước ta, cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế về chất lượng, tính bền vững và cách thức phát triển. Trước những yêu cầu mới của thị trường, đòi hỏi ngành nông nghiệp và các vùng chuyên canh nông sản xuất khẩu cần có những bước chuyển mới, mang tính đột phá hơn. Được biết, thời gian gần đây, nhiều thị trường nhập khẩu nông sản quốc tế liên tục đưa ra những thay đổi về yêu cầu đối với hàng hóa nông sản lưu thông trên thị trường. Đơn cử, Trung Quốc đang tiếp tục đẩy mạnh hơn công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc… hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt, các mặt hàng nông sản, các loại thịt, thủy sản (đông lạnh, tươi sống và chế phẩm liên quan tại các hải cảng, cửa khẩu) nhằm ngăn ngừa và phòng chống dịch covid-19. Trong khi đó, Bộ an toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc đưa ra phương thức mới về kiểm tra hồ sơ đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào Hàn Quốc. Đây là phương thức lâm thời được thực hiện trong giai đoạn diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên thế giới. Ngoài ra, thị trường nhập khẩu của các nước EU cũng tăng cường các hoạt động kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản xuất khẩu.

Vì sự an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng và đáp ứng được các yêu cầu nhập khẩu của các thị trường quốc tế là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu của nước ta trong tình hình hiện nay. Các chuyên gia về kinh tế nông nghiệp cho rằng, thị trường nông sản xuất khẩu vẫn luôn có nhu cầu rất cao và sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, kịp thời khôi phục sức sản xuất và kinh doanh ngay khi dịch bệnh covid-19 được kiểm soát trên bình diện quốc tế, thì việc định hình lại các mô hình sản xuất nông sản xuất khẩu và duy trì sức sản xuất của các vùng chuyên canh là một yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải có sự liên kết bền vững và hiệu quả giữa các hộ sản xuất với các doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu. Tạo đột phá trong việc nhanh chóng khắc phục được vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vốn luôn là điểm yếu của nông sản Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nông sản xuất khẩu; thực hiện liên kết giữa các nhà máy chế biến với các nông hộ, trang trại và các vùng nguyên liệu; bảo đảm chất lượng hàng hóa trên cơ sở áp dụng kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, tạo sức cạnh tranh và kịp thời chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh đó, cần xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng nông sản và thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi mua sắm sản phẩm.

Định hình lại mô hình sản xuất các loại hàng hóa nông sản xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hướng tới việc thực hiện các mục tiêu năm 2021 của ngành nông nghiệp. Theo đó, GDP nông nghiệp tăng 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm , thủy sản đạt hơn 3% và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành là 44 tỷ USD. Từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông sản xuất khẩu một cách hợp lý cũng là hướng tới mục tiêu thực hiện các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với ngành nông nghiệp: “Biến nguy cơ thành thời cơ để tăng trưởng nông nghiệp; tiếp tục tìm kiếm thị trường để ổn định đầu ra; tận dụng cơ hội và tận dụng các hiệp định thương mại tư do CPTPP, EVFTA… để nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới”.

HOÀNG LÊ

 

;
.