Quyết liệt chặn ô nhiễm không khí

Chủ Nhật, 17/01/2021, 18:17 [GMT+7]
In bài này
.

Bàn cà phê sáng có 3 người. Phần lớn thời gian của họ là “tám” chuyện ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Một ông nói, bạn tôi ở Hà Nội gọi điện vào than mấy bữa nay bị khó thở vì không khí ô nhiễm nặng nề. Các tỉnh, thành phố phụ cận thủ đô nhiều hôm cũng bị bụi mịn bao trùm. Một ông kể, vừa lên TP. Hồ Chí Minh thăm con. Sáng sớm, đứng ở tầng thứ 15 của một chung cư ở quận 2 nhìn về hướng cầu Sài Gòn, ông thấy sương mù bao phủ đầy trời. Càng về trưa, lớp sương mù ấy càng mờ đục thêm. Thì ra do ô nhiễm không khí, các thông số bụi mịn, siêu mịn bị vượt chuẩn nhiều lần. Ông thứ ba vui vẻ góp chuyện: “Xem ra ở BR-VT là sướng, huyện, thị xã, thành phố nào cũng mát mẻ, trong lành, không khí chưa bị ô nhiễm”(!) 

Ô nhiễm không khí là vấn nạn của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh những năm gần đây. Có năm Hà Nội “lãnh” cả chục đợt ô nhiễm không khí, mỗi đợt kéo dài từ 5-10 ngày. Đặc biệt, những ngày cuối tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đã chạm mức “xấu”. Ở TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là khu vực nội thành, thời điểm cuối năm cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hóa gây cản tầm nhìn. Chỉ số AQI trên trang www.aqicn.org và trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, bản đồ chất lượng không khí ở 2 thành phố lớn vẫn kéo dài những đợt đỏ, tím, nâu. Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, chỉ số ô nhiễm, bụi PM 2.5 lên cao là một điều rất đáng ngại cho sức khỏe con người. Bụi này siêu nhỏ, có thể đi sâu vào trong cơ thể và gây ra nhiều bệnh tật, kể cả ung thư. Người ta gọi bụi PM 2.5 là “sát thủ vô hình” là vì vậy. 

Trên địa bàn BR-VT, chất lượng không khí tại các khu du lịch, khu đô thị hiện vẫn còn tốt. Tuy vậy, ý kiến của một số người, rằng “ở BR-VT là sướng, huyện, thị xã, thành phố nào cũng mát mẻ, trong lành, không khí chưa bị ô nhiễm” đã không còn đúng nữa. Do ảnh hưởng của quá trình sản xuất, giao thông và phát triển đô thị, nhiều năm qua, người dân BR-VT phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng. Điều này có thể thấy rất rõ ở TX. Phú Mỹ và một số nơi ở TP. Vũng Tàu. Đánh giá chất lượng không khí theo chỉ số AQI tại TX. Phú Mỹ cho thấy, khá nhiều ngày có chất lượng không khí ở mức kém. Kết quả quan trắc tại một số điểm tập trung các nhà máy thép, xi măng, gạch men… tại các KCN nồng độ bụi vượt giới hạn cho phép từ 2-4 lần. Tại các mỏ khai thác khoáng sản, các tuyến đường vận chuyển khoáng sản ô nhiễm khói bụi vượt quá giới hạn cho phép từ 1-1,5 lần. Ô nhiễm từ các khu chế biến hải sản cũng tăng từ 1,8-2,7 lần. 

BR-VT là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh và có nhiều hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, chế biến hải sản, xử lý rác tập trung. Việc đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, trong đó có ô nhiễm không khí cũng là tất yếu. Trong tương lai gần, ô nhiễm không khí ở BR-VT sẽ còn nặng hơn khi bụi, khí thải giao thông, chất thải xây dựng, công nghiệp nhiều lên, không được kiểm soát hiệu quả.

Thời gian qua, các ngành chức năng, chính quyền địa phương của BR-VT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí. Các huyện, thị xã, thành phố chú trọng cải tạo hạ tầng giao thông, trồng nhiều cây xanh, vệ sinh đường phố, khơi thông cống rãnh, nạo vét ao hồ, kênh mương, hệ thống thoát nước… Các cụm công nghiệp, khu công nghiệp được yêu cầu đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, lắp đặt, vận hành các hệ thống xử lý chất thải, khí thải, bảo đảm đạt quy chuẩn môi trường cho phép. Dầu vậy, nạn ô nhiễm không khí vẫn trong tình trạng “báo động” khi việc xả thải, khí thải của các cơ sở chăn nuôi, khai thác, chế biến khoáng sản, hải sản vẫn diễn ra, đòi hỏi các ngành chức năng có những giải pháp quyết liệt, dài hơi hơn. Chẳng hạn, kiểm tra và xử phạt thật nặng các DN gây ô nhiễm không khí, yêu cầu thực hiện nghiêm biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu phát thải bụi; Đẩy nhanh kế hoạch phát triển giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải; Thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát. 

Ô nhiễm không khí giờ đây không còn là chuyện của cá nhân nào. Mỗi DN, người dân cần phải được truyền thông để nâng cao ý thức, xem bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính mình. Khi đã hiểu ra, người dân sẽ chủ động giữ gìn vệ sinh khu dân cư, thu gom, đổ bỏ rác thải đúng nơi quy định, không chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư, không đốt rơm rạ sau thu hoạch; trồng cây xanh, cải thiện không gian sống. 

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 
;
.