Dạy nghề cho lao động nông thôn

Thứ Sáu, 09/04/2021, 19:14 [GMT+7]
In bài này
.

Dù đã trải qua hàng chục năm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bố trí lại thị trường lao động, nhưng đến nay nước ta vẫn dư thừa số lượng lớn lao động ở khu vực nông thôn và mỗi năm lại tăng thêm 1,65%, tương ứng với 1 triệu lao động đến tuổi, nhưng chưa có việc làm. Tỷ lệ lao động nông thôn qua học nghề, nhất là nghề nông còn thấp, dẫn đến chất lượng lao động nông nghiệp không cao. Nguyên nhân chính khiến việc dạy nghề nông cho lao động nông thôn không đạt chỉ tiêu số lượng là do công tác điều tra, dự báo và tư vấn nhu cầu học nghề còn nhiều bất cập, trong đó có vai trò của chính quyền các cấp chưa kịp thời.

Qua mười năm thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg, đã thu được nhiều kết quả tích cực, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động nông thôn. Theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, giai đoạn 2010-2020, cả nước có hơn 9,4 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó có khoảng 2,3 triệu lao động được đào tạo làm nông, chiếm khoảng 30% lượt lao động nông thôn được đào tạo nghề nông. Các địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp cho lao động nông thôn. Nhận thức của các cấp chính quyền và người dân với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Nhiều địa phương đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác đào tạo nghề. Tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ các học viên sau học nghề có việc làm ổn định; thực hiện và tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hiệu quả. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được phân cấp trực tiếp về các huyện, thị xã, thành phố đã tạo điều kiện cho các địa phương trong việc lựa chọn ngành nghề đào tạo, chủ động phát triển ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng. Đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, góp phần tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhìn chung chưa được coi trọng đúng mức, còn rất nhiều khó khăn và hạn chế. Nhiều địa phương coi đào tạo nghề chỉ là cứu cánh, mang tính thời điểm hoặc phân bổ đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều. Công tác dự báo nhu cầu đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân chưa đồng bộ, thiếu sự liên kết và hiệu quả chưa cao. Hầu hết các cơ sở đào tạo nghề chỉ tập trung đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy nghề phi nông nghiệp, trong khi các nhóm nghề nông nghiệp chiếm từ 50-55% số lao động đã được đào tạo ít được quan tâm. Không những vậy, đội ngũ giáo viên dạy nghề làm nông đa phần là ít kinh nghiệm và ít am hiểu kiến thức thực tế, thiếu hẳn những giáo viên đã trải nghiệm từ cơ sở.

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn và thực hiện quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, cần có sự đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, cần ưu tiên và chú trọng công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân. Bao gồm: Đào tạo nghề phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nghề thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, nghề chế biến và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; nghề chứng nhận an toàn nông sản... Đồng thời, chú trọng công tác dạy nghề về quản trị trang trại, quản trị doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Cần có cơ chế khuyến khích sự tham gia dạy nghề của các nghệ nhân, các cán bộ quản lý hợp tác xã giỏi và những nông dân tiêu biểu. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng đã xác định rõ: “Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Phát triển mạnh doanh nghiệp nông nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp”.

HOÀNG LÊ

 
;
.