Cầm chắc "tấm vé" vắc xin vẫn cần phải thực hiện 5K

Thứ Hai, 28/06/2021, 20:40 [GMT+7]
In bài này
.
Cuối tuần qua, những trường hợp cuối cùng của danh sách đợt 3 tại BR-VT đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Với 22.656 trường hợp được tiêm của đợt này đã nâng tổng số người được tiêm vắc xin của toàn tỉnh lên 33.355.
Trong suốt đợt, dù rất đông người được tiêm, nhưng tất cả đều được nhân viên y tế ở các bộ phận của chuỗi tiêm chủng nhắc đi nhắc lại nhiều lần về việc tuy được tiêm vắc xin, nhưng buộc vẫn phải thực hiện 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Ngay trên mục 1 của phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng cũng ghi rõ điều này để nhấn mạnh ý thức phòng dịch cho chính bản thân mình và cộng đồng kể cả sau khi đã được tiêm chủng. Bởi vắc xin ngừa COVID-19 không phải là “tấm vé” an toàn để người được tiêm không còn bị lây nhiễm loại vi rút này.
Thậm chí, theo cảnh báo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thì vắc xin phòng COVID-19 mang lại hy vọng nhưng không phải là “viên đạn bạc”. Có sự ví von khá hình tượng này, bởi trên thực tế, ở nhiều quốc gia, việc tiêm vắc xin COVID-19 dù đã được triển khai trên diện rộng, vậy nhưng số ca mắc vẫn không có dấu hiệu chững lại, hoặc tiếp tục tái bùng phát. Ở nước ta, trong đợt dịch lần thứ 4 này, hơn 50 nhân viên y tế tại Bệnh viện Nhiệt Đới TP.Hồ Chí Minh dương tính với SARS-CoV-2 dù trước đó đã được tiêm ngừa vắc xin cũng là một minh chứng khá rõ ràng. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là người đã được tiêm vắc xin, khi nhiễm vi rút sẽ có triệu chứng nhẹ hơn hoặc không có triệu chứng mắc bệnh, nhưng do có thể mang mầm bệnh nên vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác. Vì vậy, theo quy định vẫn phải tuân thủ 5K của Bộ Y tế.
Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, việc tiêm phòng vắc xin này, hay bất cứ vắc xin nào thì tỉ lệ bảo vệ cũng không thể đạt 100%. Đặc biệt, điều này liên quan tới vấn đề phòng nhiễm bệnh. Thực tế tiêm chủng nhiều năm qua ở Việt Nam cũng như thế giới, đã cho thấy rất nhiều trường hợp được ghi nhận bị nhiễm vi rút sau khi tiêm vắc xin, nhất là khi mới chỉ tiêm 1 mũi vắc xin. Do không thể bảo đảm phòng nhiễm vi rút 100%, người được tiêm vẫn có thể nhiễm và là nguồn lây cho những người khác. Bởi vậy, sau khi tiêm vắc xin, kể cả mũi 1 lẫn đủ 2 mũi, người được tiêm vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.
Nước ta đã trải qua 4 đợt dịch và hiện vẫn được đánh giá là một trong những quốc gia thực hiện tốt nhất các biện pháp phòng, chống dịch. Có được kết quả đó một phần nhờ vào sự linh hoạt áp dụng các biện pháp hiệu quả nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn sự lây lan của vi rút. Đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách khi tiếp xúc để ngăn chặn sự lây truyền và cứu sống sinh mạng. Đặc biệt là, các biện pháp xã hội có chủ đích như lệnh phong tỏa hay ở nhà, đã đem đến hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây truyền và nhất là khi có sự ủng hộ của cộng đồng, mặc dù các giải pháp này có nhiều tác động lớn về kinh tế, xã hội.
Riêng với BR-VT, suốt 4 đợt bùng phát dịch COVID-19, tỉnh vẫn chưa để xảy ra ca nhiễm trong cộng đồng, cho dù là địa phương có nhiều yếu tố nguy cơ. Cùng với cả nước, BR-VT cũng đang nỗ lực để triển khai tiêm vắc xin cho toàn dân càng sớm, càng tốt. Song song đó, tỉnh vẫn chủ trương mọi biện pháp phòng, chống dịch kể cả sau khi đã tiêm vắc xin đại trà vẫn sẽ phải được duy trì để COVID-19 không có cơ hội bùng phát. Đó cũng chính là khuyến cáo từ WHO: “Cho dù số người được tiêm phòng COVID-19 tăng lên chúng ta cũng không được lơ là, mất cảnh giác. Chúng ta đều biết là mọi người, mọi nơi đã rất mệt mỏi với đại dịch nhưng không quốc gia nào an toàn cho tới khi mọi quốc gia được an toàn. Cho tới khi phần lớn dân số của mọi quốc gia được tiêm chủng thì chúng ta vẫn phải áp dụng hoặc sẵn sàng áp dụng các biện pháp hiệu quả  nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19”.
Và như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh gần đây: “Dù đã triển khai tiêm vắc xin và nghiên cứu sản xuất vắc xin, chúng ta vẫn cần hiểu rõ vắc xin không thể phòng ngừa 100% mà cơ bản vẫn phải dựa trên ý thức phòng bệnh của mỗi người dân và sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị chứ không riêng ngành nào, cấp nào”.
Cho dù bạn đã có “tấm vé” vắc xin, hãy vẫn cứ tuân thủ 5K vì chính bạn và cộng đồng!
THẢO TRẦN
 
;
.