Đi chợ ngày dịch

Thứ Hai, 21/06/2021, 20:07 [GMT+7]
In bài này
.

1. Lần đầu tiên tôi được thấy một không gian thoáng đãng, sạch gọn ở dãy sạp cá chợ Vũng Tàu. Khách mua không đông như mọi ngày và ai nấy đều có vẻ vội vàng. Chủ thớt không quá đon đả mời chào, nhưng cái sự mềm mỏng thấy rõ trong cách chị đánh vảy, rửa lại cá bằng nước muối, chuyển sang tấm thớt mới khi phi lê lấy ra miếng cá trắng phau và đặt gọn vào túi nilon sạch như lau. Một cụ già mua góc tư con cá đuối nghệ để nấu canh măng được tặng thêm bộ gan cá tươi nguyên. “Bà cứ đợi miếng gan cá chín nẫu, dằm ra dĩa nước mắm, chấm rau, ngon mà bổ. Còn tốt hơn uống viên thực phẩm chức năng. Bồi dưỡng, giữ sức khỏe ngày dịch nha bà ơi”. Hết câu nói, cô hàng cá quay sang phụ bác hàng tôm bên cạnh gỡ rổ tôm tít xếp thành khay những chiếc lưng tôm trắng nõn. Cô nói vui, “da tay em… hơi bị dày nên em lột nhanh, khó mà bị vỏ cắt tay. Phụ bác cho nhanh, bán cho mau hết hàng hai bác cháu em dọn về cùng một thể”.

2. Tuy là chợ tạm nhưng Chợ Cô Giang phường 4, TP. Vũng Tàu có lượng khách mua rất lớn. Rau củ khá nhiều món đặc sản từ Bà Rịa về, tôm cá Phước Hải qua, trái cây Xuyên Mộc đủ các loại, măng, nấm Châu Đức… Ngay từ lối vào chợ có tổ kiểm soát của phường nhắc bà con đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, giữ vệ sinh công cộng. Vậy mà cũng có một bà mẹ quên không đeo khẩu trang cho con gái 5 tuổi ngồi sau xe. Bác bán rau rút trong chiếc giỏ giấy treo đầu sạp ra hộp khẩu trang nói với người mẹ trẻ, “con lấy 1 cái đeo cho bé, trẻ con dễ bị nhiễm vi rút nhất”. Cân chỗ cà chua, mấy trái bí xanh, củ hành tây tính vừa tròn 30 ngàn đồng, bác quay sang lấy túi rau bồ ngót bỏ thêm vào cho 2 mẹ con, giọng thân thiện, “rau vườn nhà bác mới hái có mỗi mớ này, về nấu canh ăn mát. Nhưng bữa sau gửi cháu ở nhà, đừng cho trẻ ra chỗ đông người mùa dịch, không tốt đâu”.

3. Bách hoá Xanh vẫn đầy các mặt hàng. Và hầu hết đều nằm ở trong các khu dân cư. Bước ra ngõ từ sáng sớm và đến tận chiều tối vẫn thấy nhân viên không ngớt tay cân kéo, đóng gói. Một nhóm khác mặc đồng phục, xếp hàng lên giỏ sau xe gọn gàng với 1 danh sách các địa chỉ và giờ giao hàng theo khách đặt. Ban đầu chúng tôi cho là mô típ đi chợ thụ động. Vì nhân viên BHX nhắn tin cho chúng tôi, “hôm nay em có…, chị có thể nấu món…”, nghe cũng khá hấp dẫn, thế là mua. Dần dần, các bà nội trợ cầu kỳ là chúng tôi réo, “em ơi hôm nay chị muốn ăn ếch nấu lá me, con gái chị đòi cá lóc kho tộ, con trai chị hỏi có sườn non không để chị hầm khoai sọ”; “nghe nói măng mùa này ngon lắm, em chọn cho chị 2 mụt măng to chị vừa nấu gà vừa ngâm măng chua nha”… Vậy là các món xếp hàng đưa đến nhà và hầu hết đã qua sơ chế, sạch, gọn, nhìn thích mắt. Đồ khô và gia vị thì thậm chí còn được mua theo giá khuyến mãi theo từng đợt hàng. Em trai giao hàng bịt kín mặt, mướt mồ hôi lưng,  chuyển hàng hai tay cẩn thận và lễ phép nói câu cảm ơn, không quên nhắc lại câu nói quen thuộc, “mai chị lại mua hàng ủng hộ em nha, chị cứ nhắn tin bất cứ lúc nào, hàng luôn mới, chị yên tâm chị nha”. 

4. Vậy hỏi rằng, đi chợ ngày dịch có gì khác? Khác nhiều. Mọi người có phần chậm lại để nghĩ về mình, về người đứng bên cạnh mình, về cách làm hài lòng nhau, cho nhau và cho cộng đồng vì sự tốt đẹp của cuộc sống. Mua bán có thể thay đổi về phương thức. Hàng hoá cũng có có thể dùng món thay thế. Nhưng tình người là vĩnh cửu, dù chỉ là sự nhường nhịn, chia sẻ, lắng nghe nhau. Từ “chợ búa” trong từ điển tiếng Việt được giải nghĩa là “đi chợ”, là “ăn nói bỗ bã, chao chát, thiếu nhã nhặn”. Cũng có không ít người cho rằng, chợ là chốn xô bồ, thiếu kiềm chế… Còn tôi, đã thầm trách mình, mới chỉ học trong sách vở, chưa học trong cuộc đời. Có những trải nghiệm mà có thể không ai thay thế chính chúng ta, với những cảm xúc chân thật nhất đến từ những biến đổi trong cuộc sống, dù chỉ là một trải nghiệm nho nhỏ của những ngày dịch, đi chợ. 

NGỌC MINH

;
.