Sàn giao dịch du lịch trực tuyến

Thứ Sáu, 11/06/2021, 21:01 [GMT+7]
In bài này
.

Mới đây, Sở Du lịch đã báo cáo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan về kế hoạch tổ chức sàn giao dịch du lịch trực tuyến. Ý tưởng trên xuất phát từ mong muốn giúp các DN du lịch - dịch vụ quảng bá, mở rộng thị trường tiềm năng, gia tăng lượng khách và doanh số, phù hợp với bối cảnh hạn chế tiếp xúc trực tiếp trong điều kiện dịch bệnh. Đối tượng tham gia là các khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng, DN lữ hành, DN cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch, DN và cá nhân cần mua sản phẩm, dịch vụ… Bên cạnh hoạt động mua bán, sàn còn cung cấp những thông tin tư vấn, chỉ dẫn địa điểm ăn chơi, giải trí, ngân hàng, y tế… của BR-VT khi du khách cần tra cứu. Để tạo hiệu ứng truyền thông, sàn cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện kích cầu, khuyến mại, giảm giá dịch vụ, sản phẩm và đăng tải trên các kênh truyền thông chính thống, website chuyên ngành, facebook, zalo. Đáng chú ý, chi phí vận hành sàn từ nguồn thu xã hội. Dự kiến, sàn sẽ ra mắt trong tháng 8 với chương trình “Quảng bá xúc tiến du lịch trên không gian số và Hội chợ du lịch trực tuyến tỉnh BR-VT năm 2021”.

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh rất đồng tình ủng hộ ý tưởng trên vì phù hợp với chủ trương phát triển đô thị thông minh ứng dụng công nghệ số của tỉnh. Song ông cũng yêu cầu Sở Du lịch cần thận trọng tham khảo cách làm và hiệu quả của các sàn thương mại điện tử trên cả nước, xây dựng kế hoạch lộ trình lâu dài, chú ý nền tảng kỹ thuật, cách thức vận hành lâu dài chứ không phải ngày một ngày 2 rồi dừng lại.

Thực ra, hình thức bán-mua dịch vụ, sản phẩm trực tuyến đã phổ biến trong ngành du lịch từ lâu. Nếu là dân du lịch, chắc hẳn không ai xa lạ với các sàn đặt phòng như:  agoda.com, booking.com, chudu24.com, traveloka.com, ivivu.com… Vào các sàn trên chỉ cần 1 cú click là dễ dàng đặt được phòng, vé máy bay, dịch vụ tại điểm đến, tour trọn gói... Tuy nhiên, uy tín, chất lượng không phải lúc nào cũng như cam kết. Đã từng xảy ra nhiều vụ việc khiếu kiện giữa du khách với các sàn trên về tình trạng thổi phồng quảng cáo, hình ảnh sản phẩm đẹp lung linh nhưng thực tế khác xa; khách muốn dời, huỷ dịch vụ đã đặt là không thể trừ điều kiện bất khả kháng dịch bệnh, thiên tai; chuyển cọc xong đến ngày khởi hành điện thoại bên nhận cọc ngoài vùng phủ sóng…

Trước ma trận cạm bẫy trên, người tiêu dùng vẫn luôn tìm kiếm một kênh mua bán dịch vụ du lịch uy tín, tin cậy. Do vậy, sàn giao dịch trực tuyến về du lịch do nhà nước mà cụ thể là Sở Du lịch quản lý, vận hành là ý tưởng phù hợp trong bối cảnh du lịch BR-VT đang tăng cường xây dựng uy tín, thương hiệu an toàn, thân thiện và đẩy mạnh số hoá công tác quản lý ngành.

Thế nhưng, làm thế nào để xây dựng, vận hành trơn tru rồi tiến tới cạnh trạnh thương mại với các sàn giao dịch du lịch hiện hữu là một bài toán cần bàn kỹ. Các sàn bán phòng trực tuyến hiện này đều có bề dày kinh nghiệm quản trị, thương hiệu đã quen thuộc trong giới du lịch. Sàn của nhà nước muốn thắng thế phải có cách làm khác. Trong đó, cam kết bảo hộ uy tín, chất lượng là điều đương. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật, đường truyền mạnh, tốc độ truy cập nhanh, cơ sở dữ liệu tích hợp đủ đầy, đa dạng thông tin để khách du lịch muốn tìm gì cũng có ngay. Sản phẩm, dịch vụ cập nhật liên tục. Hiện nay, các “sàn” bán phòng đang thu phí từ 18 đến 22% trên giá bán ra, để thu hút DN ký gửi bán sản phẩm, “sàn” nhà nước cũng phải tính toán mức chiết khấu hết sức cạnh tranh. Rồi đội ngũ nhân sự quản trị, vận hành, marketing, chăm sóc khách hàng có kiến thức chuyên ngành về thương mại điện tử, phản ứng nhanh nhạy khi có tình huống, sự cố xảy ra.

Khó nhưng không có nghĩa là không làm được. Sở Du lịch đang rất thuận lợi khi có sự ủng hộ từ lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan hướng dẫn chuyên môn.  Do vậy, Sở Du lịch cần tập trung hoàn chỉnh kế hoạch, khâu chuẩn bị xây dựng sàn với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất để có thể ra mắt trở thành sự kiện quảng bá, kích cầu du lịch của BR-VT ngay khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt trong nước.

TRẦN HIỀN

 
;
.