Để không ai bị bỏ lại phía sau

Thứ Tư, 14/07/2021, 21:37 [GMT+7]
In bài này
.

Ngay trong ngày đầu TP. Vũng Tàu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19, nhà hàng Vạn Chài đã phục vụ 200 suất cơm trưa và chiều tại số 2 và 4 (Lê Hồng Phong, phường Thắng Tam). Chưa đầy 30 phút, 100 suất cơm trưa đã hết sạch. Thương những người nghèo đến sau không còn phần cơm, nhà hàng Vạn Chài đã quyết định tăng lên 300 suất/ngày.

Trước đó, ngày 12/7, nhà hàng Maxim’s Vũng Tàu (36, Nguyễn Thái Học, phường 7) cũng phát 400-500 suất cơm trưa miễn phí cho những người lao động tự do, bán vé số, ve chai, thợ hồ... Chi phí do tập thể Maxim’s Vũng Tàu và các nhà hảo tâm đóng góp. Dự kiến hoạt động này sẽ được duy trì đến ngày 19/7.

Trên đây là 2 trong rất nhiều DN kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề do phải tạm dừng đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua. Thế nhưng, khi chứng kiến những người lao động nghèo gặp khó khăn trong đại dịch, các DN này đã không khoanh tay đứng nhìn mà chung tay cùng cộng đồng để chia sẻ, hỗ trợ, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái. Hơn lúc nào hết, những suất cơm là thứ mà mọi người cần nhất lúc này.

Mới đây, ngày 12/7, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, với số tiền hỗ trợ dự kiến lên đến 205 tỷ đồng. Tiếp đó, ngày 13/7, UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ “lao động tự do”. Việc triển khai chính sách hỗ trợ nhằm kịp thời giúp người lao động, người sử dụng lao động giảm bớt một phần khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Đồng thời, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động.

Theo kế hoạch, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động... được hỗ trợ tối đa 3.710.000 đồng/người; người dân phải điều trị nhiễm COVID-19 (FO) hoặc cách ly y tế (F1) được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày, tối đa 45 ngày với F0 và 21 ngày với F1; người sử dụng lao động vay vốn trả lương cho người lao động ngừng việc, phục hồi sản xuất được hỗ trợ vay 3 tháng lương tối thiểu của người lao động tại DN… Những người bán vé số trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong 15 ngày khi hoạt động này tạm dừng (từ ngày 9/7 đến hết ngày 23/7) sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày/người. Nguồn hỗ trợ trên được lấy từ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Một thành viên XSKT tỉnh.

Có thể thấy, đây là nỗ lực lớn của tỉnh BR-VT trong việc chăm lo, quan tâm đến người lao động, nhất là những lao động tự do đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19. UBND tỉnh liên tục có những văn bản chỉ đạo trong đó đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo đảm sự an toàn, sức khỏe và cuộc sống người dân. Bên cạnh đó, những hành động đầy nhân văn của các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm... đã góp phần tô thắm thêm truyền thống, đạo lý quý báu “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta, để không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch. Thêm một lần nữa, nghĩa đồng bào lại được phát huy và lan tỏa. Những tấm lòng tương thân tương ái ấy sẽ trở nên một tường thành vững chắc để chiến thắng đại dịch COVID-19.

NGÔ GIA

;
.