Gian nan gỡ thẻ vàng thủy sản

Thứ Năm, 15/07/2021, 20:49 [GMT+7]
In bài này
.

Gần 4 năm, kể từ ngày 23/10/2017 đến nay, khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, mặc dù chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực, nhưng thẻ vàng vẫn chưa được tháo gỡ. Việc phải trải qua một thời gian khá dài gian nan với hành trình tháo gỡ thẻ vàng là một thách thức rất lớn đối với ngành thủy sản nước ta. Điều đó, không chỉ ảnh hưởng đến tín chỉ, các thủ tục hành chính trong việc kiểm soát thủy sản vào Liên minh châu Âu (EU), mà còn ảnh hưởng đến uy tín và danh tiếng của thủy sản Việt Nam tại các thị trường quốc tế khác.

Những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của các địa phương trong gần 4 năm qua nhằm tìm cách tháo gỡ thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản là điều không thể phủ nhận. Các đoàn công tác của EC khi tới nước ta để kiểm tra, đánh giá các biện pháp chống khai thác, đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đều ghi nhận, chống khai thác IUU của Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực. Tính đến ngày 30/4/2021, cả nước đã lắp đặt được 26.865 thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, đạt tỷ lệ 86,8%. Tuy nhiên, so với nội dung 4 khuyến nghị của EC, chống khai thác IUU của nước ta vẫn chưa đáp ứng đồng bộ các yêu cầu. Trong đó, tình trạng tàu cá và ngư dân nước ta vi phạm khai thác hải sản trái phép tại các vùng biển nước ngoài vẫn tiếp diễn và chưa chấm dứt triệt để (chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay vẫn còn xảy ra 32 vụ với 56 tàu và 446 người vi phạm về chống khai thác IUU). Hầu hết các hồ sơ xác nhận xuất xứ nguyên liệu thủy sản đều không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Nguồn nhân lực cho quản trị nghề các còn thiếu và yếu…

Kinh nghiệm từ những nước đã tháo gỡ được thẻ vàng cho thấy, họ đã triển khai nghiêm ngặt và có hiệu quả trong việc chống khai thác IUU. Tiêu biểu như Thái Lan, được EC tháo gỡ thẻ vàng từ đầu năm 2019 khi nước này đã có rất nhiều nỗ lực chống khai thác IUU và quản lý tàu cá. Theo đó, tất cả các tàu cá đánh bắt xa bờ của Thái Lan đều được lắp đặt hệ thống định vị giám sát VMS; thực hiện xử phạt rất nghiêm khắc tàu cá cố tình vi phạm. Đồng thời, Tổng cục thủy sản Thái Lan đã triển khai xây dựng Trung tâm Giám sát nghề cá. Từ trung tâm này, vị trí của mọi tàu cá đều được quản lý theo hệ thống, nếu có bất cứ tàu cá nào ra khỏi vùng biển Thái Lan, các nhân viên của trung tâm sẽ ngay lập tức cảnh báo và yêu cầu tàu quay trở lại.

Cảnh báo thẻ vàng của EC đối với xuất khẩu thủy sản của nước ta được tháo gỡ hay không phụ thuộc rất lớn từ ý thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương có biển và các ngư dân tham gia khai thác hải sản xa bờ. Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là cần giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá của các địa phương vi phạm khai thác IUU. Như Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Chừng nào còn tàu cá vi phạm khai thác IUU thì chừng đó EC vẫn chưa tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam. Nếu như không tháo gỡ được thẻ vàng và vẫn tiếp tục có những vi phạm về khai thác IUU, rất có khả năng EC sẽ chuyển từ cảnh báo thẻ vàng sang thẻ đỏ”.

Tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc về cảnh báo thẻ vàng xuất khẩu thủy sản là một việc làm cần thiết, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương cần phải thực sự nỗ lực, triển khai một cách đồng bộ các giải pháp chống khai thác IUU. Phải đặt lợi ích kinh tế của đất nước lên trên lợi ích của địa phương và của từng cá nhân. Trong đó, coi trọng và thực hiện tốt việc quản lý tàu cá, bảo đảm các tàu cá khi ra khơi cần tuân thủ các quy định của Luật Thủy sản. Đồng thời, các địa phương cần thực hiện nghiêm việc xử phạt các tàu cá vi phạm, tránh tình trạng có địa phương làm nghiêm với mức phạt rất nặng, có nơi lại chỉ bị nhắc nhở, rút kinh  nghiệm.

Trong bối cảnh hiện nay, thực hiện mục tiêu kép vừa chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa tích cực phát triển kinh tế với mục tiêu đến năm 2022  tháo gỡ thẻ vàng thủy sản, thì việc gấp rút triển khai các giải pháp tháo gỡ thẻ vàng cũng là động lực tích cực để 28 tỉnh, thành phố có biển thực hiện chuyển đổi nghề cá theo hướng tích cực, nhằm xây dựng một nghề cá có trách nhiệm trong việc nuôi trồng, đánh bắt hải sản và thích ứng với hội nhập quốc tế.

HOÀNG LÊ

;
.