Sớm đưa các gói hỗ trợ vào đời sống

Thứ Tư, 07/07/2021, 19:49 [GMT+7]
In bài này
.

Vừa thấy tôi, chị Nhung - chủ tiệm cà phê nhỏ chỗ tôi vẫn thường ghé mua trước khi đi làm chạy lại níu tay, đưa cho số điện thoại và nói: “Em ơi, tiệm đóng nhưng chị vẫn bán online nên em mua ủng hộ chị nhé. À, giờ chị bán thêm các loại rau xanh nữa, cần cứ gọi, chị làm sạch sẽ và giao tận nhà”.

Nói là tiệm cà phê nhỏ nhưng mỗi tháng tiền thuê mặt bằng cũng đã 6 triệu đồng. Hơn 2 tháng nay tiệm phải đóng cửa do dịch COVID-19, chủ cho thuê đã giảm cho 1/3 tiền thuê, nhưng khó khăn vẫn chồng chất khi mỗi ngày chị bán chưa tới chục ly cà phê cho khách mang đi. Nếu không có dịch COVID-19, vợ chồng chị với cái tiệm nhỏ này cũng đủ chi phí nuôi 4 miệng ăn, tiền thuê nhà trọ, điện nước và tiền học của con. Đợt dịch năm ngoái, chị đã phải chi tiêu những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng. Năm nay khó lại chồng thêm khó, vợ chồng chị đã xoay sở mọi cách nhưng vẫn không đủ trang trải cho sinh hoạt thiết yếu dù đã cắt giảm tối đa.

Rất nhiều người rơi vào tình trạng như chị Nhung. Đặc biệt là những người lao động  tự do, nhân viên làm việc tại các khu du lịch, cửa hàng kinh doanh ăn uống… hàng triệu lao động vốn chưa kịp “gượng dậy” sau các đợt dịch trước, nay lại nối tiếp những khó khăn. Thông tin do Tổng cục Thống kê đưa ra trong cuộc họp báo tình hình lao động việc làm quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021 và kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 cũng cho thấy, sự bùng phát nhanh hơn, mạnh hơn, khó kiểm soát hơn của dịch COVID-19 lần thứ 4 làm cho tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm quý 2 năm nay tăng mạnh. Cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong đó, số người thất nghiệp gần 1,2 triệu người, người thiếu việc làm khoảng 1,1 triệu người. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,6%, tăng 0,38% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của người lao động trong quý 2 đạt 6,1 triệu đồng/tháng, giảm 226.000 đồng/tháng so với quý trước và tăng 547.000 đồng/tháng so với cùng kỳ năm 2020.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng được thiết kế với nhiều nỗ lực cải tiến so với trước đây, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ tiếp sức và trợ lực cho DN, người lao động vượt qua khó khăn. Gói hỗ trợ hướng vào 7 nhóm chính sách liên quan người lao động, bao gồm đối tượng làm việc tại khu vực công bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; bị chấm dứt hợp đồng lao động và người lao động theo chế độ hợp đồng bị ngừng việc. Ngoài ra, lao động yếu thế (đang mang thai, phải chăm sóc người khó khăn) và trẻ em bị ảnh hưởng dịch bệnh; lao động đặc thù như đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ, hướng dẫn viên du lịch còn được xem xét hỗ trợ một lần. Bên cạnh đó, 5 nhóm chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, bao gồm giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

So với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng trước đây bị cho là giải ngân chậm, hồ sơ lần này sẽ được tiếp nhận và giải quyết chỉ 1 - 2 ngày. “Tinh thần là phải rà soát, mạnh dạn cắt bỏ 60% thủ tục rườm rà, không cần thiết. Chấp nhận rủi ro, cứ mạnh dạn cắt giảm đi, làm sao tiền hỗ trợ nhanh nhất đến được người dân”, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Hy vọng với các thủ tục thông thoáng, nhanh gọn như lời Bộ trưởng Bộ LĐTBXH sẽ giúp người dân đang gặp khó khăn như chị Nhung và hàng triệu lao động mất việc cũng như các DN tiếp cận được gói hỗ trợ để trụ vững trong cơn bão dịch lần thứ 4 này. Bên cạnh đó, cũng rất cần có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt và chủ động của các địa phương và cơ quan chức năng trong việc đẩy nhanh gói hỗ trợ, làm sao chi đúng đối tượng, hướng đến những người đang gặp khó khăn, để họ vượt qua giai đoạn ngặt nghèo. Nhất là đừng để người dân phải ngóng trông, chờ đợi vì những thủ rục rườm rà, vướng mắc, không cần thiết.

  NGÔ GIA

;
.