Thiết lập thêm kênh tiêu thụ nông sản

Thứ Ba, 20/07/2021, 19:05 [GMT+7]
In bài này
.

Có một thực tế không thể phủ nhận là kênh mua sắm, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm đã bị xáo trộn trong những ngày trước và trong thời điểm toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ.

Điều này là hoàn toàn phù hợp thực tế, khi nhu cầu dự trữ thực phẩm ở từng hộ gia đình tăng. Bình thường đi chợ, người dân chỉ cần mua đủ lượng thực phẩm dùng cho gia đình trong ngày, vừa bảo đảm tươi ngon vừa không phải bỏ ra quá nhiều thời gian cho việc cất giữ, bảo quản. Nay dịch đến thì khác, ai cũng muốn giữ thực phẩm nhiều nhất có thể.

Cũng không thể trách người dân về chuyện họ mua thực phẩm nhiều hơn mức bình thường. Vì nhìn chung, muốn tuân thủ giãn cách, muốn hạn chế tiếp xúc với nhiều người, “muốn nhà cách ly với nhà” thì điều đầu tiên cần có là thực phẩm trong tủ lạnh của mỗi nhà phải đủ dùng trong vài ba ngày. Do vậy, chỉ cần mỗi một người mua rau, mua trứng ở chợ, ở siêu thị gấp 3, 4 lần so với bình thường thì sức ép gây ra cho chuỗi cung ứng đã là rất lớn, việc thiếu hàng hóa mang tính tạm thời ở những điểm mua sắm là chuyện đương nhiên. Chưa kể, ở các địa phương, nhiều chợ, nhiều điểm mua sắm còn trong diện phong tỏa.

Trong bối cảnh này, việc điều phối hàng hóa cần được tính toán sát hơn về lượng cung - cầu trong từng thời điểm, thậm chí trong từng ngày (vì có ngày người dân sẽ tập trung mua). Đây có thể coi là yếu tố rất quan trọng trong việc trấn an tinh thần nhân dân, vì hễ mỗi lần bắt gặp cảnh kệ hàng ở siêu thị, ở điểm mua sắm trống trơn thực phẩm, người dân sẽ lo lắng. Trong khi đó, nguồn cung thực phẩm ở các vùng sản xuất lại không thiếu.

Có thể thấy rằng, hiện nay sự thiếu kết nối giữa nguồn cung và cầu đang như một nghịch lý. Ở khu vực Vũng Tàu, việc người tiêu dùng có thể mua được rau, củ, cá thịt là tương đối trắc trở, trong khi những vùng trồng rau trong tỉnh như xã Tân Hải (TX. Phú Mỹ) và phường Kim Dinh (TP. Bà Rịa), nông dân lại không bán được; người trồng nấm ở Xà Bang (Châu Đức) và các vùng trồng nhãn, trồng thanh long ở trong tỉnh đều đang gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Trong bối cảnh này, nếu thiết lập được thêm các kênh tiêu thụ hàng hóa cho nông dân, kết nối với người tiêu dùng ở khu vực thành thị thì sẽ cùng lúc giải quyết được nhiều khó khăn.

Vừa qua, Bưu điện tỉnh đã cho nhân viên đến thu mua nhãn, bơ, thanh long ruột đỏ cho nông dân Đất Đỏ, Châu Đức, để bán cho người dân thông qua 53 điểm bưu cục trên địa bàn tỉnh với giá bình ổn. Việc Bưu điện tỉnh tận dụng nguồn lực sẵn có để triển khai thu mua và bán nông sản là một sự uyển chuyển trong hoạt động, vừa bảo đảm việc làm cho nhân viên vừa tạo nên một kênh mua sắm phủ khắp các địa bàn. Đây là mô hình hoàn toàn có thể nhân rộng khi cần thiết vì trong tỉnh có nhiều đơn vị có đủ tiềm lực để tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa trong bối cảnh cấp thiết (họ có phương tiện vận tải, nhân lực), trong đó có thể kể đến những doanh nghiệp vốn đã tham gia các chương trình bán hàng bình ổn giá của tỉnh từ trước đến nay.

HOÀNG PHỐ

;
.