Tiếp sức cho người dân ảnh hưởng bởi dịch

Thứ Bảy, 03/07/2021, 07:38 [GMT+7]
In bài này
.

Việc xuất hiện các ca lây nhiễm cộng đồng tại nhiều địa phương trong thời gian gần đây một lần nữa thử thách sức chống chịu của DN và người dân trước đại dịch COVID-19. Mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế càng trở nên khó khăn khi một số tỉnh thành phải ban hành quyết định tạm đóng cửa một số hoạt động và dịch vụ để phòng, chống dịch. Những ngành nghề, lĩnh vực phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của nhiều người lao động.

Trước tình hình này, vấn đề hỗ trợ người dân duy trì cuộc sống, vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay là một trong những quyết sách hàng đầu của Chính phủ. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NĐ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong đó, các nhóm chính sách cụ thể tập trung chủ yếu vào đối tượng công nhân, người lao động trực tiếp. Điển hình như gói hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động. Cùng với đó, nhóm đối tượng phải cách ly y tế, trong vùng phong toả, đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, được hỗ trợ 1 triệu đồng/lần; hỗ trợ tiền ăn 80 ngàn đồng/ ngày với người đang cách ly, điều trị COVID-19, tổng số ngày hỗ trợ không quá 45 ngày. Đối với hộ kinh doanh, dừng hoạt động 15 ngày trở lên được hỗ trợ một lần là 3 triệu đồng/ hộ. Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50 ngàn đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương...

Nghị quyết nêu rõ, nguyên tắc hỗ trợ phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ.

Có thể khẳng định, không phải thời điểm này mới có gói hỗ trợ nêu trên mà trước đó ngày 19/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NÐ-CP về việc tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Qua đó giúp DN phục hồi, có thêm nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh và tạo cơ hội phát triển.

Việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, DN trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng, góp phần hỗ trợ người dân, chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN, nhờ đó hạn chế những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra. Đồng thời bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân, tiếp tục nâng cao niềm tin trong nhân dân về các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

Cùng với công tác hỗ trợ của Nhà nước, các ban ngành đoàn thể trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò, tuyên truyền vận động, thực hiện nhiều chương trình, mô hình hay trong việc hỗ trợ người lao động và người dân vượt qua khó khăn trong mùa dịch.

 PHƯƠNG ANH

;
.