Từ đại dịch trở lại vấn đề chợ cóc, chợ xổm

Thứ Hai, 05/07/2021, 21:23 [GMT+7]
In bài này
.

Từ trưa 3/7, UBND TP. Vũng Tàu đã yêu cầu tạm dừng hoạt động tất cả các chợ tự phát trên địa bàn. Vậy là, những điểm phát sinh chợ cóc, chợ tạm vốn tấp nập ở một số tuyến đường ở TP. Vũng Tàu như: Trương Công Định, Cô Giang, Trung tâm đô thị Chí Linh... trong phút chốc yên ắng lạ thường. Hoạt động trao đổi hàng hóa tương đối lộn xộn thường thấy ở những khu chợ “ngoài quy hoạch” gần như chấm dứt hoàn toàn. Tính chất nguy hiểm của dịch bệnh đã tăng thêm sức nặng cho một mệnh lệnh hành chính từ phía chính quyền. Người dân tuân thủ răm rắp, trái ngược với câu chuyện rông dài, kéo từ năm này qua năm khác, hết dẹp chỗ này đến dẹp chỗ kia, mà chúng ta vẫn thường nói đến trước đây.

Một ngày sau mệnh lệnh từ TP. Vũng Tàu, tôi có ghé qua chợ tự phát Cô Giang. Khung cảnh vắng lặng, đường phố thông thoáng. Dù vậy, một số tiểu thương vẫn có mặt ở gian hàng. “Không hàng hóa, không mua bán gì cả. Họ ở đó làm gì khi chợ không họp” - băn khoăn của tôi được giải đáp ngay khi một người chạy đến đưa ra một tấm danh thiếp, kèm theo một lời mời rất thuyết phục và tình cảm: “Bữa nay chợ đóng rồi chị ạ. Nhưng nếu có cần gì, dù một bó rau thôi, chị gọi là bọn em có thể giao đến tận nhà!”.

Những người buôn bán ở chợ tạm cũng tỏ ra rất thức thời trước khó khăn của đại dịch. 

Tôi đã theo dõi vấn đề xử lý chợ tạm nhiều năm của các địa phương và luôn trăn trở giữa 2 dòng suy tư: một là đồng tình với quyết tâm của chính quyền về những khu phố văn minh, sạch đẹp, có quy hoạch rõ ràng, chợ ra chợ, phố ra phố. Phần còn lại là sự thông cảm cho những tiểu thương buôn thúng, bán bưng, tranh thủ chỗ này chỗ nọ để tìm kiếm người mua. Đa phần họ là người nghèo, thiếu công ăn việc làm ổn định và phải lăn lộn để kiếm kế sinh nhai. Họ không đủ điều kiện vào chợ, vì có nhiều người trong số đó chỉ bán những mớ rau, con cá mà họ tự trồng, hay đánh bắt được. Mức độ trao đổi hàng hóa của họ không đủ để gánh vác chi phí phải chi trả cho các ki-ốt ở chợ (đương nhiên cũng không loại trừ những trường hợp đủ điều kiện nhưng không vào chợ để giảm chi phí). Đó là thực tế. Và vì vậy câu chuyện chợ cóc chợ tạm cứ quanh quẩn. Đã rất nhiều lần chính quyền phát động cả cao điểm dẹp chợ cóc, chợ tạm, buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Nhưng chỉ một thời gian sau, mọi thứ lại trở về như cũ.

Bây giờ thì dịch COVID-19 ập đến, khi đã có những ca bệnh trên địa bàn tỉnh. Và chợ cóc, chợ tạm không có lý do gì để tồn tại trong bối cảnh cả xã hội nghiêm chỉnh chấp hành quy định hạn chế tụ tập đông người. Một diễn biến chóng vánh của đại dịch, và những người đang buôn bán ở chợ cóc, chợ tạm đang chịu ảnh hưởng trực tiếp. Liệu điều này có thay đổi suy nghĩ của bà con tiểu thương. Rõ ràng buôn bán, làm ăn trong một không gian có quy hoạch, được quản lý thì bà con tiểu thương sẽ được bảo hộ. Không chỉ là đại dịch, trong cuộc sống sẽ có nhiều biến cố khác, khó có thể lường trước được.

Tôi muốn trở lại với hình ảnh của tiểu thương ở chợ Cô Giang chờ khách hàng của mình để gửi danh thiếp, sẵn sàng cho hình thức mua bán, giao hàng trong mùa dịch. Buôn bán online, giao dịch qua điện thoại, zalo, facebook… rõ ràng là một gợi mở cho một hướng buôn bán văn minh hơn mà ở đó, cả người buôn bán, khách hàng và chính quyền cùng được lợi. Có thể, qua mùa dịch, người ta sẽ quen dần với cách buôn bán này, cũng như cách họ đã quen với việc buôn bán ở vỉa hè, lòng đường, ở chợ cóc, chợ tạm bấy lâu nay.

THU THẢO

;
.