Đồng chí Đỗ Mười - Một tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính

Thứ Sáu, 05/10/2018, 08:42 [GMT+7]
In bài này
.

Gần 40 năm được phục vụ đồng chí Đỗ Mười, tôi đã học tập ở ông rất nhiều. Đầu tiên là đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tấm lòng trong sáng.

Ông Phan Trọng Kính bên nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười .
Ông Phan Trọng Kính bên nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười .

Trải qua năm tháng, kể từ ngày được bộ điều động lên giúp việc cho đồng chí Đỗ Mười đến nay đã gần 40 năm, tôi nhận thấy một điều là đồng chí làm hết sức mình vì Đảng, vì dân, không quản ngày đêm, giờ giấc, không bao giờ mảy may nghĩ đến cá nhân mình, dù là một việc nhỏ. Những nơi nào nóng bỏng nhất, những công việc nào khó khăn nhất là đồng chí đều có mặt.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí đã được Đảng giao nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình, phụ trách Hòa Bình, Bí thư kèm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Nam Định, Phó Bí thư Liên khu ủy III, Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III, Tư lệnh Liên khu III, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính và Chính ủy Bộ Tư lệnh Khu Tả Ngạn sông Hồng, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Hải Phòng.

Sau hòa bình lập lại, năm 1955, đồng chí được Đảng phân công phụ trách Bộ Nội thương, Ủy ban Vật giá Nhà nước, Trưởng phái đoàn Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Chi viện tiền tuyến Trung ương, Trưởng Ban chống phong tỏa cảng Hải Phòng, Phó Thủ tướng phụ trách các bộ: Xây dựng, Công nghiệp, Vật tư... Công việc nào được Đảng phân công, đồng chí đều ngày đêm đem hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Là một vị Tư lệnh và Chính ủy các quân khu vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng chí đã chỉ huy đập tan các cuộc càn quét lớn của thực dân Pháp hồi năm 1949-1950 tại các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương...; chỉ huy trận tập kích vào sân bay Cát Bi, đốt cháy hàng chục máy bay địch.

Là Phó Thủ tướng suốt 20 năm, đồng chí được giao giải quyết nhiều công việc quan trọng: chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giải tỏa cảng Hải Phòng, chi viện cho miền Nam... rồi chỉ huy chống bão lụt và thường xuyên lăn lộn trên các công trường trọng điểm của Nhà nước.

Là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí đã giải quyết nhanh chóng nạn lạm phát phi mã hồi năm 1988-1989; xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ nạn ngăn sông cấm chợ, đưa hai giá về một giá; góp phần quan trọng xây dựng Cương lĩnh năm 1991 và Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm (1991-2000). Đồng chí đã đề xuất với Bộ Chính trị và Quốc hội nhiều ý kiến quan trọng trong việc xây dựng các chính sách lớn của đất nước.

Là Thường trực Ban Bí thư, đồng chí đã nhanh chóng chỉ đạo kịp thời việc quản lý khu vực biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Tổ quốc sau ngày giải phóng đất nước năm 1975.

Khi đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư cũng là lúc Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước lúc này đầy rẫy những khó khăn. Điều đầu tiên là đồng chí đã cùng Bộ Chính trị lãnh đạo ổn định tình hình chính trị và tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kiên quyết giữ vững con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tiếp tục công cuộc đổi mới, mở rộng quan hệ với các nước, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Hoa Kỳ, chủ động gia nhập ASEAN và thu được nhiều thắng lợi trong xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh và trật tự xã hội cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.

Trong đời sống và sinh hoạt hằng ngày, đồng chí luôn thực hiện tấm gương đạo đức của Bác Hồ: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Khi đến dự các cuộc họp, thấy bày biện nước suối hoặc ăn uống giữa giờ là đồng chí góp ý phải hết sức tiết kiệm. Đồng chí nói: “Một chai nước khoáng giá thành ở thị trường bằng nửa lít xăng, ta có thể thay dùng nước khoáng bằng nước chè xanh có được không? Nước chè xanh vừa ngon, vừa rẻ, giải khát tốt mà lại bổ nữa. Còn ăn uống cũng nên hạn chế, tránh lãng phí”.

Trong sinh hoạt gia đình hàng ngày của đồng chí cũng rất giản dị. Bữa sáng có khi ăn bát cháo hoặc nắm xôi, cốc sữa. Bữa trưa, bữa tối cùng ăn cơm với gia đình. Trên mâm thường là bát canh, đĩa cá, mấy bìa đậu, một ít thịt cho các cháu, còn chủ yếu là rau luộc, muối vừng, đậu phụ. Đồ đạc trong nhà không có gì là sang trọng, ngoài những thứ cơ quan cấp như chiếc tủ, cái bàn, giường nằm và những đồ lặt vặt khác.

Nói về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thì lúc nào đồng chí cũng trăn trở. Đã hơn 30 năm kể từ ngày thống nhất đất nước đến nay, chúng ta vẫn chưa có được một ngành công nghiệp nặng tầm cỡ, trong đó bao gồm cả cơ khí nặng, cơ khí chính xác, cơ khí điện tử... Đồng chí quan niệm: Chính hệ thống công nghiệp nặng là nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nó chẳng những có khả năng đưa nông nghiệp mà còn dẫn dắt cả hệ thống các ngành công nghiệp lên trình độ tiên tiến.

Gần 40 năm được vinh dự phục vụ đồng chí Đỗ Mười, tôi đã học tập ở đồng chí rất nhiều. Điều đầu tiên là đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tấm lòng trong sáng, đầy nhiệt huyết đối với nhân dân, với đất nước ở đồng chí.

PHAN TRỌNG KÍNH -
Trợ lý Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

(Lược trích bài viết trong cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười -
Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử” – NXB Chính trị Quốc gia năm 2012)

LỄ VIẾNG, LỄ TRUY ĐIỆU VÀ LỄ AN TÁNG ĐỒNG CHÍ ĐỖ MƯỜI

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút, ngày 1-10-2018 (tức ngày 22-8 năm Mậu Tuất), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội.

Để tỏ lòng tưởng nhớ đồng chí Đỗ Mười, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Đỗ Mười với nghi thức Quốc tang.

Ban lễ tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gồm 39 người do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban.

Linh cữu đồng chí Đỗ Mười quàn tại Nhà Tang lễ quốc gia số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ viếng đồng chí Đỗ Mười bắt đầu từ 7 giờ, ngày 6-10-2018 đến 7 giờ 30 phút, ngày 7-10-2018 tại Nhà Tang lễ quốc gia số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ truy điệu đồng chí Đỗ Mười tổ chức vào 9 giờ, ngày 7-10-2018, tại Nhà Tang lễ quốc gia số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng từ 13 giờ cùng ngày tại quê nhà, Khu Ma Vang, thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh cũng tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Đỗ Mười.

 

;
.