Khẩn trương trước diễn biến của bão số 9

Thứ Bảy, 24/11/2018, 12:15 [GMT+7]
In bài này
.

Trước những diễn biến khó lường của bão số 9 (bão Usagi) khi vào bờ, lực lượng chức năng và các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó. Lưu ý đặc biệt vào lúc này vẫn là bảo đảm an toàn cho dân và các phương tiện hành nghề trên biển.

Từ chiều nay (24-11), BR-VT gió mạnh, giật cấp 10

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ ngày 24-11, vị trí tâm bão số 9 cách đảo Phú Quý khoảng 100km, cách Phan Thiết khoảng 190km, cách Vũng Tàu khoảng 240km, cách Bến Tre 300km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km.

Dự báo đường đi của bão số 9.
Dự báo đường đi của bão số 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 19 giờ ngày 24-11, vị trí tâm bão ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ ngày 25-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên đất liền ven biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão số 9, ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng biển từ Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu bao gồm cả huyện đảo Phú Quý có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh.

Từ chiều nay 24-11, trên đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.

Tuyệt đối không cho người dân ở lại tàu cá

Sáng 24-11, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thị Yến đã đi kiểm tra công tác phòng, tránh bão số 9 tại huyện Đất Đỏ. Trên địa bàn huyện Đất Đỏ, trong số 11.080 căn nhà có khả năng tốc mái trước gió bão, 10.284 căn đã hoàn thành việc chằng, chống. Số nhà dân còn lại đang tiếp tục được thực hiện. Huyện Đất Đỏ cũng đã chỉ đạo các địa phương sơ tán 873 hộ dân đến các điểm an toàn.

Kiểm tra công tác phòng chống bão tại Đất Đỏ, đồng chí Nguyễn Thị Yến lưu ý kiên quyết không để người dân ở lại tàu thuyền trước diễn biến khó lường của bão.
Kiểm tra công tác phòng chống bão tại Đất Đỏ, đồng chí Nguyễn Thị Yến lưu ý kiên quyết không để người dân ở lại tàu thuyền trước diễn biến khó lường của bão. Ảnh: THÙY LINH

Kiểm tra thực tế tại Cảng cá Lộc An, đồng chí Nguyễn Thị Yến nhắc nhở các địa phương theo dõi chặt chẽ tàu cá về bến, lưu ý việc sắp xếp bến đậu trật tự an toàn, nhằm hạn chế va đập; kiểm tra chặt chẽ, không cho tàu thuyền xuất bến; kiên quyết không cho người ở lại tàu thuyền.

Không để tàu ở vị trí mất an toàn trên luồng hàng hải

6 giờ sáng 24-11, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đã trực tiếp thị sát và cử các đoàn đoàn kiểm tra công tác phòng chống bão tại các khu vực: cảng, luồng hàng hải sông Dinh, vịnh Gành Rái, cảng, luồng hàng hải Cái Mép - Thị Vải, sông Gò Gia.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang (bìa phải) thị sát công tác phòng chống bão số 9 trên các tuyến luồng sông Dinh, Gò Gia, Cái Mép - Thị Vải.
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang (bìa phải) thị sát công tác phòng chống bão số 9 trên các tuyến luồng sông Dinh, Gò Gia, Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: MẠNH THẮNG

 

Các tàu neo đậu an toàn trên sông Gò Gia.
Các tàu neo đậu an toàn trên sông Gò Gia. Ảnh: THÀNH HUY

 4.702 tàu cá đã vào bờ tránh trú

Theo tin từ BĐBP tỉnh, tính đến sáng 24-11, tổng số tàu cá của tỉnh đã vào bờ tránh trú bão là 4.702 tàu, với 23.665 ngư dân (4.577 tàu neo ở nội tỉnh, còn lại neo tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bến Tre). Đến lúc này, vẫn còn 1.175 tàu cá với 8.913 ngư dân đang hoạt động trên biển, chủ yếu tại vùng biển Cà Mau, Kiên Giang. Các tàu trong vùng không an toàn đang được liên lạc, hỗ trợ tìm nơi tránh trú an toàn.

Người dân chằng buộc lại tàu khi neo đậu tại khu vực Sao Mai – Bến Đình (TP. Vũng Tàu).
Người dân chằng buộc lại tàu khi neo đậu tại khu vực Sao Mai – Bến Đình (TP. Vũng Tàu).  Ảnh: THÀNH HUY

 Ở các địa bàn trọng điểm như Côn Đảo, xã Long Sơn và khu vực Bãi Trước (TP. Vũng Tàu), lực lượng Biên phòng đã chủ động phối hợp với địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão. Cụ thể, tại huyện Côn Đảo, lực lượng chức năng đã kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp cho 125 phương tiện, với 451 ngư dân trong tỉnh và 22 phương tiện với 165 ngư dân ngoài tỉnh vào khu vực cảng Bến Đầm, vịnh Côn Sơn tránh trú.

Tại địa bàn xã Long Sơn, đơn vị đã phối hợp với địa phương sử dụng ca nô tổ chức thông báo, tuyên truyền cho tất cả 320 hộ, hợp tác xã/689 lượt người dân nuôi trồng thủy sản lồng bè và 7 nhà hàng nổi kinh doanh ăn uống trên sông chủ động phòng tránh và sẵn sàng di dời người lên bờ trước khi bão đổ bộ; không cho phép người dân xuống các nhà hàng nổi kinh doanh ăn uống từ 4 giờ chiều ngày 23-11.

Tại khu vực Bãi Trước, lực lượng Biên phòng đã sử dụng ca nô tuyên truyền cho các hộ dân hành nghề đăng đáy biết diễn biến của cơn bão và yêu cầu di dời nhân lực vào bờ trước khi bão đổ bộ.

Tàu cá neo đậu tại khu vực Sao Mai - Bến Đình (TP. Vũng Tàu).
Tàu cá neo đậu tại khu vực Sao Mai - Bến Đình (TP. Vũng Tàu).  Ảnh: THÀNH HUY

 Di dời dân ở khu vực nguy hiểm

Sáng 24-11, lực lượng quân sự huyện Xuyên Mộc tiếp tục phối hợp Bộ đội Biên phòng và đoàn thanh niên các xã, thị trấn tiếp tục chằng, chống nhà cho các hộ dân trên địa bàn. Cũng trong sáng 24-11, xã Bình Châu bắt đầu di dời các hộ dân tại những nơi nguy hiểm đến địa điểm tránh bão an toàn tại Trường mầm non Ánh Dương, UBND xã Bình Châu, Trung tâm văn hóa học tập cộng đồng xã và Giáo xứ Bình Châu.

Lực lượng bộ đội hỗ trợ chằng chống nhà cửa cho người dân tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc. Ảnh: TRÍ NHÂN
Lực lượng bộ đội hỗ trợ chằng chống nhà cửa cho người dân tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc. Ảnh: TRÍ NHÂN

 Tại xã Phước Tỉnh, 1 trong 3 khu vực xung yếu của huyện Long Điền, đến thời điểm này, địa phương đã tổ chức sơ tán 358 hộ dân trên địa bàn các ấp: Phước Lộc, Phước An, Tân Phước, Phước Thắng, Tân An, Phước Bình đến 7 trường học, 4 trụ sở tôn giáo, 3 nhà hàng và trụ sở UBND xã. Đồng thời, UBND xã đã trang bị áo phao, đèn pin, loa cầm tay, nhu yếu phẩm, nước uống tại 15 trụ sở ấp và các điểm dân tạm trú tránh bão…

Tại xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu), tính đến trưa 24-11, công tác phòng chống bão trên địa bàn đã cơ bản hoàn tất. Các địa chỉ tránh trú bão an toàn đã bỗ trí sẵn sàng cho người dân. Đối với các hộ nuôi trồng thủy sản trên lồng bè, hiện địa phương có 367 hộ làm nghề với khoảng 500 lao động thường xuyên trên bè. Sáng ngày 24-11, còn khoảng hơn 50 lao động còn ở trên các lồng bè. Địa phương đã nhắc nhở, vận động người dân lên bờ trước 11 giờ trưa cùng ngày. Tại các nhà hàng bè nổi, chính quyền địa phương đã phát thông báo nghiêm cấm tiếp đón khách.

Đoàn kiểm tra của xã Long Sơn nhắc nhở hộ kinh doanh nhà hàng bè nổi ở xã Long Sơn không tiếp nhận khách.
Đoàn kiểm tra của xã Long Sơn nhắc nhở hộ kinh doanh nhà hàng bè nổi ở xã Long Sơn không tiếp nhận khách. Ảnh: MẠNH THẮNG

Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Đất Đỏ, toàn huyện có 3.647 người đang sống trong nhà tạm, nhà không bảo đảm an toàn. Từ chiều 23-11, huyện đã cử các lực lượng xuống các địa bàn kiểm tra và hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa và tổ chức sơ tán di dời dân. Tính đến 11h30 ngày 24-11, huyện Đất Đỏ đã sơ tán, di dời được 2.255 người đến khu vực an toàn.

TX. Phú Mỹ có hơn 500 hộ sống trong nhà tạm, 101 hộ ở gần khu vực sạt lở,134 hộ ở vùng trũng, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Hòa, Châu Pha, Tân Hải và các phường Phước Hòa, Tân Phước, Mỹ Xuân, Phú Mỹ.

Từ chiều 23-11, Ban Chỉ huy Quân sự TX. Phú Mỹ đã cử một trung đội dân quân cơ động phối hợp với cán bộ, chiến sỹ Trường sỹ quan lục quân II và tiểu đoàn tên lửa 94 đứng chân trên địa bàn xuống các khu vực xung yếu, hỗ trợ các địa phương chằng chống nhà cửa. Đến thời điểm này, công tác chằng chống nhà cửa tại các xã, phường đã hoàn tất. Tính đến trưa 24-11, địa phương này đã tiến hành công tác sơ tán dân cư ở khu vực xung yếu ven sông và khu vực trũng đến nơi an toàn. Theo đó, đã sơ tán 773 người.

Tại huyện Châu Đức, sáng 24-11, huyện đã di dời các hộ dân đến nơi an toàn để tránh trú bão. Trên địa bàn huyện có hơn 1.200 hộ dân (hơn 4.900 người) sống trong nhà tạm, nhà thiếu kiên cố đã được di dời đến trụ sở UBND cấp xã, trường học, nhà văn hóa dân tộc thôn và nhà dân kiên cố để tránh trú bão. Ngoài ra, đến thời điểm này, các lực lượng đã hỗ trợ chằng chống hơn 1.700 căn nhà, dự kiến việc chằng chống kết thúc trong chiều 24-11.

UBND huyện Châu Đức đã huy động hơn 4.900 người thuộc các lực lượng quân sự, dân quân tự vệ, dân quân cơ động, công an, y tế, thanh niên tình nguyện, lực lượng xung kích và các đoàn thể chính trị xã hội tham gia công tác phòng, chống bão.

Chợ tạm ngưng hoạt động

8h30 ngày 24-11, có mặt tại chợ Vũng Tàu, khu vực nhà lồng chính, các quầy sạp kinh doanh tại đây đã được tiểu thương chủ động dọn dẹp, sắp xếp hàng hóa gọn gàng và dùng bạt che chắn cẩn thận. Chị Lê Thị Sâm, tiểu thương kinh doanh tại chợ cho biết, từ 3 giờ chiều 23-11, sau khi được thông báo sẽ đóng cửa chợ từ 12 giờ ngày 24-11, chị cùng người thân đã hạ quần áo treo trên các sạp trưng bày xuống, sắp xếp gọn gàng. Đến sáng 24-11, chị và người thân tiếp tục che đậy hàng hóa bằng bạt và các tấm ni lông lớn để hàng hóa sẽ không bị tổn hại sau bão.

Tiểu thương chợ Vũng Tàu thu dọn, che chắn hàng hóa.
Tiểu thương chợ Vũng Tàu thu dọn, che chắn hàng hóa. Ảnh: VÂN ANH 

Trong khi đó, tại chợ Phước Hải (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ), ông Trần Minh Hải, Phó Ban quản lý chợ cho biết, sáng 24-11, BQL chợ liên tục thông báo, nhắc nhở bà con tiểu thương về việc chợ sẽ tạm ngưng hoạt động từ 12 giờ trưa. Đồng thời yêu cầu bà con hoàn tất việc thu dọn, di chuyển hàng hóa đến nơi an toàn trong khu nhà lồng chính trước 10h30 và đã hoàn tất việc tạm ngưng hoạt động chợ từ 11h30. BQL chợ cũng đã thực hiện các phương án ứng trực bão với phương châm 4 tại chỗ, bố trí lực lượng và phương tiện để kịp thời ứng cứu khi bão vào.

Tiểu thương chợ Phước Hải vận chuyển hàng hóa vào khu vực nhà lồng chính để bảo đảm an toàn.
Tiểu thương chợ Phước Hải vận chuyển hàng hóa vào khu vực nhà lồng chính để bảo đảm an toàn. Ảnh: VÂN ANH 

Tính đến 11h30, qua khảo sát cơ bản các chợ trên địa bàn tỉnh đã tạm ngưng họp chợ để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho tiểu thương và người dân.

Di tản nhân viên dầu khí vào bờ

Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) cho biết,  từ chiều 23-11, PVEP đã di tản 44 nhân viên ngoài khơi vào bờ bằng các chuyến bay để bảo đảm an toàn cho người lao động, đồng thời dừng tất cả các công việc ở các giếng khoan. Các dự án mỏ khai thác cũng đã triển khai chương trình ứng phó bão khẩn cấp, tổ chức chằng buộc, gia cố thiết bị cẩn thận, để đảm bảo hoạt động trở lại bình thường khi bão qua.

Gấp rút cắt tỉa cây xanh

Sáng 24-11, tại TP. Vũng Tàu, Công ty CP Phát triển Công viên cây xanh và Đô thị Vũng Tàu (UPC) tiếp tục tiến hành cắt tỉa cành nhánh, hạ độ cao cây xanh trên hầu hết các tuyến đường, chủ yếu là các cành cây cao, tán rộng nhánh cây vướng vào đường dây điện lưới… Để bảo đảm an toàn cho những cây loại 3 và cây cổ thụ, Công ty CP Phát triển công viên cây xanh và Đô thị Vũng Tàu huy động toàn bộ cán bộ, công nhân khoảng 200 người tiếp tục hạ độ cao, cắt tỉa bớt cành nhánh…

Các huyện Đất Đỏ, Long Điền, Châu Đức, Xuyên Mộc và TP. Bà Rịa cũng đang gấp rút cắt tỉa cành nhánh, hạ độ cao và chằng chống những cây yếu.

Công nhân Công ty UPC cắt tỉa cây xanh trên đường 2-9, TP. Vũng Tàu.
Công nhân Công ty UPC cắt tỉa cây xanh trên đường 2-9, TP. Vũng Tàu.

 Nhóm PV Thời sự

 

 

 

 

 

;
.