Ở bệnh viện yên tâm như ở nhà

Thứ Bảy, 24/11/2018, 19:08 [GMT+7]
In bài này
.

● Bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bệnh nhân

Ngày bão, ai cũng muốn tìm về nơi trú ngụ an toàn nhất. Nhưng với những bệnh nhân đang được điều trị đặc biệt tại các bệnh viện, trung tâm y tế, sự chu đáo và cẩn trọng của lãnh đạo cùng đội ngũ y bác sĩ trong các phương án ứng phó với bão, bảo vệ an toàn cho bệnh nhân ngay tại các phòng điều trị đã giúp họ yên tâm tiếp tục liệu trình chữa trị trong những ngày cận bão.

Bác sĩ của Bệnh viện Lê Lợi thăm khám cho bệnh nhân sáng 24-11.
Bác sĩ của Bệnh viện Lê Lợi thăm khám cho bệnh nhân sáng 24-11.

Ngày bão, ai cũng muốn tìm về nơi trú ngụ an toàn nhất. Nhưng với những bệnh nhân đang được điều trị đặc biệt tại các bệnh viện, trung tâm y tế, sự chu đáo và cẩn trọng của lãnh đạo cùng đội ngũ y bác sĩ trong các phương án ứng phó với bão, bảo vệ an toàn cho bệnh nhân ngay tại các phòng điều trị đã giúp họ yên tâm tiếp tục liệu trình chữa trị trong ngày bão.

Bà Bùi Thị Lý (76 tuổi, ngụ tại 13/4, Hoàng Việt, TP.Vũng Tàu) vào Bệnh viện Lê Lợi từ ngày 12-11. Bà Lý bị viêm phổi, suy tim, thận yếu nên được chỉ định điều trị nội trú dài ngày. Chị Trần Thị Oanh, con gái bà Lý cho biết, mẹ chị phải chuyền kháng sinh, chuyền dịch, thở khí dung thường xuyên nên không thể điều trị ngoại trú. “Mẹ tôi đã được chuyển từ phòng số 9 của Khoa Tim mạch - Lão học đến khu cấp cứu của khoa cùng với nhiều bệnh nhân khác. Mẹ tôi thường xuyên được bác sĩ thăm hỏi nên tôi rất an tâm dù ngoài kia gió bão không dứt”, chị Oanh nói.

Bác sĩ Nguyễn Thế Bảo (bìa trái), Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Điền kiểm tra số lượng thuốc tại kho dược.
Bác sĩ Nguyễn Thế Bảo (bìa trái), Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Điền kiểm tra số lượng thuốc tại kho dược.

Tương tự, bà Phạm Thị Mùa, 78 tuổi, ở thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) vào điều trị bệnh đau cột sống tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền cách đây 5 tuần. Bà Mùa cho biết: “Bão về, tôi rất lo. Bệnh tình của tôi chưa khỏi hẳn, con cái lại đi làm xa, nếu về nhà tôi cũng chỉ có một mình. Trung tâm Y tế huyện có phòng lưu bệnh an toàn, được các y, bác sĩ động viên, hỗ trợ nên tôi yên tâm ở lại đây điều trị”.

Nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của bệnh nhân, thân nhân người bệnh, Bệnh viện Lê Lợi đã chủ động nhiều biện pháp để đối phó với bão. Đối với những bệnh nhân không thể về nhà điều trị ngoại trú, bệnh viện đã bố trí, sắp xếp cho họ ở các khu vực an toàn. Ngoài ra, Bệnh viện Lê Lợi còn chuẩn bị sẵn máy phát điện; xăng, xe, tài xế để sẵn sàng cấp cứu và chuyển viện; chuẩn bị đầy đủ thuốc men… nhằm phục vụ kịp thời công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh cho người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Bệnh viện Lê Lợi cho biết, trong ngày bão số 9 đổ bộ, có khoảng 250 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Bên cạnh việc bảo vệ tính mạng cho người bệnh và thân nhân người bệnh, bệnh viện còn che chắn, bảo vệ máy móc, thiết bị y tế, cơ sở vật chất… của đơn vị”.

Ngoài thực hiện những giải pháp tương tự như Bệnh viện Lê Lợi, Bệnh viện Bà Rịa cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng khoa, phòng, bộ phận trực thuộc bệnh viện chủ động ứng phó với bão. Chẳng hạn như Kho Dược và Phòng Vật tư - trang thiết bị y tế phải dự trữ cơ số thuốc, bảo quản thuốc, hóa chất, vật tư y tế; chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, y dụng cụ, bông băng, gạc cầm máu, nẹp cố định cung ứng cho các khoa phòng và các khu vực trọng điểm tại bệnh viện để triển khai cấp cứu; chuẩn bị phương tiện như xe đẩy, cáng cứu thương, bình oxy cần thiết tại các khu vực quy định.

Nhân viên y tế của Bệnh viện Bà Rịa chuẩn bị giường nằm cho bệnh nhân.
Nhân viên y tế của Bệnh viện Bà Rịa chuẩn bị giường nằm cho bệnh nhân.

Khoa Dinh dưỡng bảo đảm nguồn lương thực và chế biến thức ăn, nước uống cung cấp đầy đủ cho người bệnh; phân công từng nhân viên trực tiếp phục vụ cung cấp thức ăn và nước uống đến từng khu vực. Mặt khác, Bệnh viện Bà Rịa cũng hình thành 3 khu cấp cứu để ứng phó với số lượng bệnh đông, đồng thời thành lập 2 tổ cấp cứu cơ động ngoại viện, trực 24/24…

Không chỉ các bệnh viện tuyến tỉnh, các cơ sở y tế tuyến huyện cũng đã nhanh chóng triển khai các phương án đối phó với bão. Bác sĩ Nguyễn Thế Bảo, Phó Giám đốc TTYT huyện Long Điền cho biết,  trung tâm có 2 tổ cấp cứu, gồm 8 thành viên là các y, bác sĩ, điều dưỡng, lái xe sẵn sàng ứng cứu bệnh nhân. TTYT huyện cũng phân công các bác sĩ, nhân viên y tế trực tại 7 Trạm y tế  và Phòng khám khu vực trên địa bàn huyện (2 người trực chính/điểm). 

Đánh giá về công tác đối phó với bão số 9 của các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh, bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho biết, các đơn vị y tế đã khẩn trương, chủ động và tận tâm phòng chống bão. Đơn vị nào cũng chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, thuốc, trang thiết bị, dụng cụ y tế, cơ sở vật chất… để đối phó trong mọi tình huống.

Ngoài ra, Sở Y tế đã phân công 7 nhóm nhân sự phụ trách từng địa bàn và phải đến trực tại các cơ sở y tế cụ thể. Các nhóm này có mặt tại nơi trực trước 16 giờ ngày 24-11. Nếu có bão xảy ra, tất cả các nạn nhân của bão đều được chữa trị miễn phí tại các cơ sở y tế công lập.

Nhân viên Khoa Dược của Bệnh viện Bà Rịa kiểm tra, rà soát lại danh mục các loại thuốc chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 9.
Nhân viên Khoa Dược của Bệnh viện Bà Rịa kiểm tra, rà soát lại danh mục các loại thuốc chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 9.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM, BÙI HƯƠNG

;
.