Sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch

Thứ Năm, 06/12/2018, 16:31 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 6-12, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Du lịch, Sở Công thương, Sở NN-PTNT tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh”. Tại Hội thảo, các đại biểu, DN, nông dân trên địa bàn tỉnh cho rằng, tiềm năng của việc kết hợp sản xuất nông nghiệp và du lịch là rất lớn. Tuy nhiên, để loại hình này mang lại hiệu quả cao, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số mô hình trang trại kết hợp với phát triển du lịch. Trong ảnh: Trang trại trồng cây có múi của ông Nguyễn Kim Trinh (ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) thu hút nhiều khách du lịch tham quan, mua trái cây. Ảnh: ĐINH HÙNG
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số mô hình trang trại kết hợp với phát triển du lịch. Trong ảnh: Trang trại trồng cây có múi của ông Nguyễn Kim Trinh (ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) thu hút nhiều khách du lịch tham quan, mua trái cây. Ảnh: ĐINH HÙNG

Manh nha một số mô hình

HTX Nông nghiệp Suối Giàu (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) thành lập năm 2017, chuyên nuôi cá nước ngọt trên diện tích 20ha. Hiện nay, HTX sản xuất khoảng 10 tấn cá chình và 200 tấn cá nước ngọt các loại/năm, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Suối Giàu, nhận thấy nhu cầu du lịch, tham quan nhà vườn khá lớn. Do đó, HTX Suối Giàu đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, xây dựng trạm dừng chân Suối Giàu để đón khách. “Du khách tới đây có thể tham quan quy trình nuôi cá nước ngọt, thưởng thức món ăn được chế biến từ chính các loại cá mà HTX nuôi như cá chình, cá lóc, cá chép giòn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn đầu tư xây dựng các phòng ở tiện nghi, hòa hợp với thiên nhiên để phục vụ nhu cầu của khách. Nhờ vậy, lượng khách đến HTX tham quan tăng mạnh. Lợi nhuận của HTX đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm”, bà Hương cho biết.

Mô hình du lịch ruộng muối của ông Nguyễn Văn Gia (ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền) cũng đem lại hiệu quả bước đầu. Ông Gia cho biết: “Tôi nảy sinh ý định biến ruộng muối thành điểm du lịch khi thấy một số khách đi ngang ruộng muối dừng lại tham quan, chụp ảnh, hỏi thăm quy trình làm muối. Do đó, tháng 9-2017, tôi đầu tư 300 triệu đồng làm đường, dựng chòi, đào ao thả cá trên diện tích 2ha để biến ruộng muối của mình thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Du khách tới đây có thể tham quan hoặc trực tiếp xuống ruộng thực hiện các công đoạn làm muối. Bên cạnh đó, du khách còn có thể thưởng thức các hải sản tươi sống được đánh bắt từ các vùng Long Hải, Phước Tỉnh. Hiện mỗi ngày, điểm du lịch của tôi đón 50-70 du khách, doanh thu đạt 30-35 triệu đồng/tháng”. 

Ngoài sản xuất nông nghiệp, HTX rau sạch Sunny Farm, phường 12, TP.Vũng Tàu còn thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.  Ảnh: QUANG VINH
Ngoài sản xuất nông nghiệp, HTX rau sạch Sunny Farm, phường 12, TP.Vũng Tàu còn thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: QUANG VINH

Cần tăng cường liên kết 

Từ thực tế các mô hình nêu trên, các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, tiềm năng của việc kết hợp sản xuất nông nghiệp và du lịch là rất lớn. Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình này hiện vẫn mang tính tự phát, không có sự liên kết nên chưa lan tỏa và mang lại hiệu quả lớn. Ông Đoàn Văn Hai, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng: “Các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch vẫn chưa được xem là sản phẩm nông nghiệp trọng điểm của các địa phương. Diện tích, chủng loại các mô hình sản xuất tham gia phục vụ du lịch còn nhỏ lẻ, chưa xuyên suốt, chỉ nở nộ một số thời điểm trong năm. Phần lớn nông dân xây dựng mô hình theo kiểu tự phát, công tác quảng bá chưa rộng rãi nên các nhà vườn trên địa bàn tỉnh ít được các DN lữ hành và du khách biết tới, dẫn đến lượng khách chưa đông và chưa có khách thường xuyên”.

Theo Hội Nông dân TX.Phú Mỹ, tại địa phương hiện có các vùng nông sản nổi tiếng như 140ha bưởi da xanh (xã Sông Xoài); trồng rau công nghệ cao (xã Châu Pha); trồng nấm mèo, nấm bào ngư (xã Tóc Tiên)... nhưng đến nay vẫn chưa kết nối được nhiều tour để đưa khách tới tham quan. Do đó, để phát triển mô hình du lịch vườn, nông dân rất cần sự hướng dẫn, kết nối của nhiều cơ quan chức năng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số mô hình trang trại kết hợp với phát triển du lịch. Trong ảnh: Trang trại trồng cây có múi của ông Nguyễn Kim Trinh (ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) thu hút nhiều khách du lịch tham quan, mua trái cây. Ảnh: ĐINH HÙNG
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số mô hình trang trại kết hợp với phát triển du lịch. Trong ảnh: Trang trại trồng cây có múi của ông Nguyễn Kim Trinh (ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) thu hút nhiều khách du lịch tham quan, mua trái cây. Ảnh: ĐINH HÙNG

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, từ tiềm năng của du lịch nông nghiệp, thời gian qua, Sở đã và đang hỗ trợ bà con nông dân xây dựng các tuyến du lịch nông nghiệp và đã bước đầu mang lại tín hiệu tốt. Tuy nhiên, để loại hình này phát triển bền vững, mấu chốt vẫn là xây dựng mối liên kết giữa DN du lịch - nông dân và giữa các nông dân với nhau. Do đó, Sở đã có chương trình khảo sát các mô hình nông nghiệp có tiềm năng kết hợp với du lịch tại các địa phương. Sau đó, Sở Du lịch sẽ tổng hợp, giới thiệu những mô hình này đến với các đơn vị tổ chức tour, qua đó kết nối các điểm du lịch nông nghiệp đơn lẻ thành chuỗi.  

Hội Nông dân tỉnh đang xây dựng Dự án “Nâng cao năng lực cho nông dân phát triển du lịch sinh thái”. Mục tiêu của dự án là tuyên truyền cho hội viên cách làm nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái; hình thành các vùng chuyên canh trái cây như nhãn xuồng cơm vàng, thanh long, bưởi da xanh, chôm chôm, bơ… Dự án nhằm  tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu tour du lịch sinh thái, nông dân cần được hỗ trợ vốn vay ưu đãi để đầu tư cơ sở vật chất, phòng lưu trú, bãi đậu xe; tập huấn kỹ năng tiếp khách, thuyết trình, tổ chức tour, sản xuất nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ.

Còn theo bà Vũ Thị Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương, phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ là đưa du khách tới tham quan, mua sắm trực tiếp ở nơi sản xuất, mà còn cần chú trọng công tác quảng bá, đưa các loại đặc sản của BR-VT như nhãn xuồng cơm vàng, bưởi da xanh, bơ… vào các địa điểm du lịch, các trạm dừng chân để tiêu thụ. Do đó, Sở Công thương sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình hỗ trợ để các cấp Hội Nông dân có điều kiện tham gia các hội thảo, chương trình liên kết với các khu du lịch, khách sạn, nhà phân phối. Đây là cơ hội để nông dân tiếp cận với nguồn tiêu thụ nông sản tiềm năng, giúp họ tăng cường liên kết với các DN du lịch trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương.

QUANG VINH

;
.