.

HỒI ỨC CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH B2

Cập nhật: 09:39, 30/04/2004 (GMT+7)

Thế hệ tương lai  của đất nước.
Ảnh:
Huỳnh Liên

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, "đi B" là lên đường làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Theo quy ước nào tôi không rõ, có các biệt danh B5, B4, B3, B2… B5 là "B ngắn"; B3, B4 gọi là "B sâu", còn B2 được gọi là "B dài". Chiến trường B2 bao gồm các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Đi B dài nếu xuôi chèo mát mái không gặp địch phục kích, không bị cản trở do thiên tai bão lũ thì chặng đường hành quân từ Bắc vào Nam cũng mất khoảng 6 tháng đi bộ.

Tháng 10-1972, cả đoàn tân binh Hưng Yên (đã qua huấn luyện 6 tháng) lên đường đi chiến trường B. "Không nhanh chân Mỹ nó về nước hết, chỉ vào nhặt ống bơ rỉ"! Chúng tôi nói với nhau như vậy. Sau hơn 6 tháng hành quân, qua rừng đại ngàn Trường Sơn, theo đường dây 559, chúng tôi lần lượt vượt qua vùng núi non trùng điệp hạ Lào, các tỉnh phía đông của Campuchia để vào miền Nam, vào B2. Tháng 1-1973, dừng chân ăn tết ở Trạm 9 quân giải phóng trên đất bạn Campuchia – gần ngã ba Đông Dương, chúng tôi được tin Hiệp định Paris đã được ký kết vào ngày 27-1. Đang háo hức trên đường đi đánh Mỹ, có cậu thất vọng: Thế là vào nhặt ống bơ thật rồi!

* **

Không như chúng tôi dự đoán, sau ngày 27-1, cuộc chiến vẫn tiếp tục diễn ra và bùng nổ ác liệt đánh trả ngụy quyền Sài Gòn phá hoại hiệp định Pari. Đơn vị chúng tôi – Trung đoàn 33 anh hùng hành quân về huyện Châu Đức (Bà Rịa) để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho chiến dịch mới. Trên địa bàn huyện Châu Đức, đơn vị tôi đã đánh những trận ác liệt tiêu diệt địch ở Kim Long, Ngã ba Dầu Giây, trên lộ 2… Con số thương vong của ta cũng không nhỏ: Diệt được địch ở Kim Long, tiểu đoàn 18 bị hy sinh quá nửa, còn tiểu đoàn tôi – tiểu đoàn 8, đơn vị chủ công của chiến dịch có 3 đại đội thì 2 đại đội chốt chặn trên đường 2 quân số cũng bị hao hụt mất gần 2/3.

Không chỉ gian khổ, hy sinh trong chiến đấu, chúng tôi còn phải chịu cảnh đói gạo, thiếu muối. Sau đơn vị chuyển về Bà Rịa có đỡ hơn. Mỗi tháng khoảng hai lần ta móc nối với cơ sở, cứ đêm xuống là vào ấp nhận gạo, thực phẩm của dân. Mỗi lần vào ấp như vậy đại đội 21 trinh sát, cùng ban chỉ huy trung đoàn tổ chức điều nghiên, ém lực lượng tại các điểm giao lộ để sẵn sàng xử trí tình huống nếu gặp địch bất ngờ. Trong một lần đi vận chuyển lương thực, thực phẩm cho đơn vị, tôi đã làm quen được với Hai Miên – cô giao liên đồng thời là y tá. Lần ấy, sau khi đã lấy xong gạo ra khỏi ấp, đang vượt đường 20 để trở về cứ thì bất ngờ chúng tôi chạm trán với địch. Hai xe GMC chở đầy lính ngụy bất ngờ phát hiện quân ta đang vượt qua lộ, chúng nổ súng xối xả. Trong làn mưa đạn của kẻ thù, Hai Miên với khẩu AR15 đã chiến đấu bên cạnh tôi, cùng chúng tôi thu hút địch, bảo vệ cho bộ phận tải gạo rút lui an toàn.

* **

Sau trận đánh ấy, tôi và Hai Miên còn có đôi ba lần gặp nhau ở Xuyên Mộc. Rồi hai lần Miên chủ động đến thăm tôi ở cứ. Giữa tôi và cô gái Nam bộ này đã có một sợi dây vô hình nào đó ràng buộc. Mỗi lần bóng áo hồng của cô thấp thoáng ở cứ, tôi có cảm giác cả khu rừng như sáng bừng lên. Miên xinh xắn và e lệ. Nét cười của cô duyên dáng, đến người khó tính nhất của đơn vị là ông Thịch cấp dưỡng cũng phải chịu: "Mày tốt số thật đấy em ạ". Mùa khô năm 1974, một lần trên đường công tác tôi ghé qua xã Bàu Lâm thăm gia đình Hai Miên. Chú Ba Thành, bố Miên, quê gốc ở Quảng Bình. Má của Miên là một phụ nữ Nam bộ chất phác, không rào trước đón sau, bả nói tuột với tôi:

- Hai nhỏ thương nhau hả? Bộ tụi bây có làm đám cưới tao nhờ cán bộ xã nó giúp. Chờ hòa bình biết thế nào. Nhỏ Miên năm nay mười chín rồi đó!

Tôi lúng túng:

- Dạ, chúng cháu… chúng con hông… à chưa có chi cà, thím à.

Thím ba lắc đầu:

- Thì thím mới tính vậy. Có sao nói sớm có thì giờ rảnh còn liệu.

Miên ý tứ liếc về phía ba cô. Ông chậm rãi cuốn điếu thuốc rê đưa lên môi bật lửa nhả khói, giọng thong thả:

- Được!

* **

Đầu năm 1975, chiến sự diễn ra ngày càng khẩn trương. Tháng ba năm ấy ta mở chiến dịch tấn công vào Tây Nguyên. Buôn Ma Thuột, rồi Huế, Nha Trang lần lượt được giải phóng, chúng tôi bị hút vào cuộc chiến đấu, không còn thì giờ đâu để nghĩ đến chuyện riêng tư. Tham gia chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, đơn vị tôi phối thuộc chiến đấu với các đơn vị của Quân đoàn 1 giải phóng thị xã Xuân Lộc tỉnh Long Khánh – cửa ngõ phía đông Sài Gòn, đánh Tổng kho Long Bình… góp sức cùng quân dân cả nước làm nên ngày đại thắng 30-4-1975.

Chúng tôi về Hố Nai (Biên Hòa), rồi chuyển về đóng tại Núi Nhỏ – nhìn ra bãi biển Thùy Vân của thành phố Vũng Tàu. Tại đây tôi còn được gặp Miên một lần nữa rồi bất ngờ chia xa. Nhận lệnh hôm trước, hôm sau tôi phải chia tay đồng đội lên đường ra Bắc không kịp một lời nhắn gửi đến người thương...

Đến nay, gần 30 năm đã trôi qua, có một nỗi băn khoăn vẫn nằm trong sâu thẳm lòng tôi: - Miên, em có trách tôi là người vô tình? Còn tôi, mỗi lần nghe bài hát "Tình đất đỏ miền Đông" lại nhớ đến một thời gian lao mà anh dũng, lại nhớ về một người con gái miền Nam đôn hậu và dũng cảm, lại nhớ về những kỷ niệm sâu sắc một thời của lính B2.

Tháng 4-2004
Phạm Tú

.
.
.
Các tin khác