.

LĂNG XÊ MỘT CÔNG NGHỆ KHÔNG PHẢI DỄ

Cập nhật: 08:42, 15/05/2004 (GMT+7)

Với lời rao khá ấn tượng trên tờ rơi quảng cáo: một bộ phim bi hài đặc sắc – lãng mạn, phim Công nghệ lăng xê sau nhiều gian nan đã hân hoan trình làng cùng khán giả và khán giả cũng hân hoan tìm xem bộ phim với mong muốn thấy được những bi hài đặc sắc, lãng mạn…

Khi phim này mới được trình chiếu, chúng tôi đã làm một khán giả bình thường vào xem xuất 19 giờ 30 phút, xuất đông người xem nhất trong ngày và thấy được những điều khá thú vị.

Nội dung phim có vẻ mới, nói về hậu trường của sân khấu ca nhạc TP. Hồ Chí Minh: Chuyện tranh giành ngôi vị ca sĩ giữa các bầu, chuyện hát nhép và một chút trăn trở của liêm sĩ, một chút hoàn cảnh nghèo khổ của gia đình chàng ca sĩ trẻ Khổng Tước, một chút tình vu vơ… Phim cũng có khá nhiều cảnh cảm động về ca sĩ Khổng Tước: về thăm và chứng kiến cảnh cha mắng chửi mẹ, bị khán giả phát hiện hát nhép buồn bã đi lang thang trong đêm, trồng cây si trước nhà nữ nhạc công violon Quế Anh…, bỏ Sài Gòn lên Đà Lạt tìm sự yên tĩnh cho tâm hồn. Nhưng bấy nhiêu thì không thể đủ một cấu trúc cần thiết cho một sản phẩm được gọi là phim truyện, ấy là chưa xét đến tính "bi hài đặc sắc – lãng mạn" mà các nhà sản xuất đã ra sức "lăng xê".

"Bi" của phim là một vài giọt nước mắt của ca sĩ  Khổng Tước khi bị phát hiện ra hát nhép, là cuộc thăm viếng gượng gạo gia đình – gượng gạo là vì từ phân cảnh đó trong cuộc sống ca sĩ của Khổng Tước không còn tồn tại hình ảnh của người mẹ. Còn những nỗi buồn của bầu Đại (Anh Vũ), Thanh (Thân Thúy Hà), Tâm (Thế Tâm) khi Khổng Tước bị khán giả tẩy chay… thì gần với lo cho miếng cơm manh áo hơn là xót xa cho bạn mình – những vẻ buồn mà khi nhìn thấy một vài khán giả ngồi cạnh chúng tôi đã kêu lên: Giả tạo quá!

 "Hài" thì lại quá lộ liễu ở những mảng miếng gây cười của diễn viên Anh Vũ, Quốc Thuận, đến nỗi xem phim mà cứ ngỡ như đang xem một tiết mục tấu hài – cũng nhăn mặt, trợn mắt, bán nam bán nữ (?) …

Công nghệ lăng xê lại có quá nhiều cảnh thừa không cần thiết – sinh nhật Khổng Tước, khán giả xin chữ ký ca sĩ Khổng Tước đến 3 lần, họp báo 2 lần...… chỉ trong chưa đầy 75 phút phim. Và lỗi lớn nhất là phần chuyển cảnh, vừa đột ngột vừa vụng về đến mức khó hiểu, khiến Công nghệ lăng xê giống một tổ hợp lắp ghép hình ảnh hơn là một bộ phim hoàn chỉnh. Ấy là chưa kể đến những sao chép ý tưởng từ một bộ phim vừa đánh động được dư luận điện ảnh(?).

Lãng mạn mà các nhà sản xuất phim quảng cáo phải chăng là cảnh Quế Anh lên Đà Lạt tìm Khổng Tước, hai người nhận ra nhau nhờ tiếng violon do cô đứng kéo ở giữa đường? Hay việc tặng qua tặng lại móc khóa, chiếc kẹp tóc của Khổng Tước – Quế Anh? Khi xem đến cảnh này nhiều nữ khán giả đã bật cười ồ: Ai lại tặng đàn ông kẹp tóc?...

Chúng tôi ngồi xem Công nghệ lăng xê và thấy lo lắng, vì khi vẫn tồn tại cách làm phim thiếu chuyên môn như thế này thì cũng đồng nghĩa với việc chưa thể có được một phát triển tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của điện ảnh Việt Nam. Điện ảnh Việt Nam đang hướng đến tương lai làm phim theo công nghệ chuyên môn: kịch bản, phân vai, dựng cảnh, lồng âm thanh, dựng phim… Nhưng lăng xê cho thành công một công nghệ không phải chuyện dễ…

Mai Tường

.
.
.