.

TÁI TẠO TRANG PHỤC CHÂU RO: HỒN THỔ CẨM CHƯA MẤT

Cập nhật: 09:05, 22/05/2004 (GMT+7)
Với trang phục dân tộc, thế hệ trẻ Châu Ro đang mong muốn hướng về cội nguồn.

Dân tộc Châu Ro đang đứng trước một thực tế đáng báo động: Các loại hình trang phục truyền thống dần mất mát. Chính trong thời điểm này, các nhà nghiên cứu Bà Rịa – Vũng Tàu đã "lên đường" tìm hiểu, tái tạo lại những đặc trưng truyền thống của trang phục Châu Ro, cách tân mẫu mã để thích nghi với đời sống hiện đại, mà mục tiêu trước mắt là nuôi dưỡng tâm hồn truyền thống cho các thế hệ học sinh, sinh viên dân tộc.

TRANG PHỤC CHÂU RO – CHỈ CÒN LÀ HOÀI NIỆM!

Theo những tài liệu còn để lại, y phục truyền thống của người Châu Ro gồm có váy (xiput) dành cho nữ, khố (trol) dành cho nam giới. Váy và khố được dệt từ sợi bông hoặc được làm bằng vỏ cây. Người Châu Ro chỉ mặc khố hoặc váy, để ngực trần, chỉ trừ những khi trời quá lạnh thì có thêm áo chui đầu buộc dây.

Ngoài trang phục chính, người Châu Ro còn trang sức bằng nhiều hình thức khác như vòng kiềng, vòng cườm, căng tai bằng gỗ hoặc ngà voi, dây thổ cẩm cuốn quanh trán cho các chàng trai trẻ, khăn bịt đầu cho đàn ông trưởng thành...

Trang phục của người Châu Ro bắt đầu bị mai một vào khoảng những năm 50 thế kỷ trước, trong quá trình định cư ở gần người Kinh. Phụ nữ Châu Ro không còn để ngực trần, đàn ông bỏ khố để mặc… quần đùi, áo gilet của Pháp. Cho đến năm 1960, phụ nữ Châu Ro đã quen với áo bà ba, quần đen. Trang phục truyền thống chỉ được may và mặc ở những dịp lễ hội. Rồi theo thời gian, cho đến thời điểm hiện tại, trang phục của người Châu Ro đã hoàn toàn giống với người Kinh. Chỉ còn vài gia đình  giữ được đôi ba chiếc váy truyền thống nhưng đều đã cũ, rách. Thậm chí trong các ngày lễ hội truyền thống hoặc trong các cuộc hội diễn liên hoan văn nghệ, cộng đồng cũng không còn chút vết tích gì về trang phục của dân tộc mình. Sự lo ngại về việc lãng quên một loại hình trang phục dân tộc có nguy cơ trở thành hiện thực!

KHÔI PHỤC CHO THẾ HỆ TRẺ

Trong đề tài khoa học "Nghiên cứu và phục chế trang phục truyền thống của người Châu Ro", ông Trần Tấn Vĩnh, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, một người con của dân tộc Châu Ro đã phối hợp với đồng nghiệp đưa ra một đề xuất độc đáo: phục chế trang phục Châu Ro để làm đồng phục cho các học sinh Trường Dân tộc nội trú tỉnh, giúp các em kế tục, giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc mình trong sinh hoạt hàng ngày, trong suốt cuộc đời học sinh, sinh viên.

Ông Trần Tấn Vĩnh cho biết: "Các bạn trẻ Châu Ro chưa mất đi niềm yêu thích với các trang phục truyền thống. Họ đã gặp tôi, mong có được những bộ trang phục mới để mặc trong những dịp trọng đại nhất của đời mình. Qua các ý kiến đóng góp, chúng tôi tiếp tục sửa lại vài chi tiết nhỏ để trang phục thêm hoàn chỉnh. Chúng tôi hài lòng mà khẳng định rằng, việc nghiên cứu và phục chế trang phục của người Châu Ro đã trải qua mọi quy trình chặt chẽ, bảo đảm tính khoa học của một đề tài nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc".

Những phác thảo đầu tiên gồm 12 mẫu đã được "cách tân". Chẳng hạn chiếc váy dành cho nữ đã trở thành chiếc váy kín cùng áo tay lỡ mang dáng dấp của chiếc áo chui đầu ngày xưa. Trang trí trên cổ, vai, tay, ngực và thân áo là các dải hoa văn truyền thống Châu Ro. Có khi, trên ngực còn gắn kèm những tua chỉ màu vốn ngày trước đã từng được trang trí dọc váy. Ngoài ra, còn có váy dành cho lễ hội với trang trí cầu kỳ hơn. Với nam sinh, các mẫu đều kết hợp quần dài và khố đi cùng với nhiều kiểu áo từ không tay đến tay dài. Ngoài ra, trong đề án thiết kế mẫu trang phục Châu Ro còn có 2 mẫu cho người trung niên, một số mẫu túi thổ cẩm… Với những cố gắng tìm tòi của đoàn nghiên cứu, sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, tấm thổ cẩm Châu Ro mang sắc màu truyền thống đã được phục chế và thể nghiệm ngay lập tức bằng một buổi trình diễn trang phục do chính các sinh viên Châu Ro đang học tập tại TP. Hồ Chí Minh và đoàn nghiên cứu đã nhận được sự thích thú, hài lòng từ các bạn trẻ khi lần đầu tiên được mặc trang phục của dân tộc mình.

Vấn đề còn lại là sự ứng dụng vào cuộc sống thực tế. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần quan tâm phổ biến mẫu trang phục trong đồng bào, tạo điều kiện khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm với mục đích làm đẹp giàu thêm cho cuộc sống văn hóa phong phú, đa dạng của đồng bào Châu Ro. Từ những nét bản sắc được trân trọng và phát huy ấy, sức sống Châu Ro chắc chắn sẽ càng mạnh mẽ hơn.

Hồ Cầm

.
.
.