Về Vũng Tàu dự Lễ hội Nghinh Ông

Thứ Sáu, 14/09/2018, 11:20 [GMT+7]
In bài này
.

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu là lễ hội thường niên, xuất phát từ phong tục của người đi biển, nhằm bày tỏ lòng tri ân cá Ông (cá Voi). Lễ hội đã được UBND TP.Vũng Tàu nâng cấp về quy mô, đặc biệt là phần hội với nhiều trò chơi dân gian để thu hút khách du lịch. 

Múa lân trong đám rước tại Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu.
Múa lân trong đám rước tại Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu.

Hàng năm, vào dịp giữa tháng 8 âm lịch, Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu lại được tổ chức tại Đình thần Thắng Tam và một số khu vực. Năm nay, Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu cũng gồm 2 phần: Lễ và hội. Phần lễ diễn ra từ 24 đến 27-9 (từ 15 đến 18 tháng 8 âm lịch), với các nghi lễ chủ yếu như: cầu ngư, Nghinh Ông, lễ rước, cúng giỗ tiền hiền và các anh hùng liệt sĩ, cúng tế Ông Nam Hải, lễ xây chầu đại bội, trình diễn tuồng cổ. 

Điểm nhấn của lễ hội là ngày chính lễ Nghinh Ông (16 tháng 8 âm lịch). Theo ông Trương Văn Khôi, Trưởng Ban quản lý di tích Đình thần Thắng Tam, Phó Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu 2018, trong nghi lễ này, các vị kỳ lão Đình thần Thắng Tam, chủ ghe và Ban tổ chức sẽ tham dự lễ rước trên biển. Đúng 5 giờ sáng, Đoàn rước xuất phát từ cảng Cầu Đá (Bến tàu cánh ngầm cũ) với hàng chục tàu, thuyền của ngư dân và các lực lượng hỗ trợ như Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển được trang trí cờ hoa rực rỡ hướng về Mũi Nghinh Phong. Khi đến khu vực Miếu Hòn Bà, đoàn rước tiến hành lễ cúng cầu ngư. Sau đó, đoàn quay về tập trung tại Nhà truyền thống Cách mạng (số 1, Bacu) và lễ rước (diễu hành trên bộ). 

Đoàn rước kiệu Nghinh Ông diễu hành trên đường phố Vũng Tàu. Ảnh: CẨM NHUNG.
Đoàn rước kiệu Nghinh Ông diễu hành trên đường phố Vũng Tàu. Ảnh: CẨM NHUNG.

Nhiều năm qua, hoạt động diễu hành trên bộ tại Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu thực sự trở thành một lễ hội hấp dẫn, thu hút sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân, học sinh, với đoàn múa lân-sư-rồng, xe chở mô hình tượng cá Ông diễu hành trên đường phố cùng kiệu, cờ. Năm nay, đoàn diễu hành vẫn đi theo lộ trình: Quang Trung-Bacu-Trần Hưng Đạo-Hoàng Hoa Thám và kết thúc tại Đình thần Thắng Tam. Đi đến đâu, đoàn rước tạo không khí rộn ràng đến đó với tiếng chiêng, trống và màn múa lân-sư-rồng, khiến nhiều người dân và du khách đổ ra hai bên đường để xem. Nhiều người còn gia nhập đoàn, tạo nên không khí lễ hội rất sôi động. 

Kết thúc phần diễu hành là các nghi thức cúng tế tại Đình thần Thắng Tam: cúng, lễ, hát bả trạo, cúng tiền hiền và các anh hùng liệt sĩ, chánh lễ cúng Ông Nam Hải, thỉnh sắc thần. Những nghi thức này nhằm tỏ lòng biết ơn cá Ông và các bậc tiền hiền có công khai hoang, mở đất, những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc. Bởi, theo quan niệm của người đi biển, cá Ông là vị thần hộ mệnh che chở, giúp đỡ họ được an toàn, may mắn. Những nghi thức truyền thống trang trọng này tái hiện nét văn hóa đặc trưng và đời sống tâm linh được ngư dân Vũng Tàu gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Bên cạnh phần lễ, những năm gần đây, phần hội của Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu cũng thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia, đặc biệt là các trò chơi dân gian, phản ánh đời sống sinh hoạt và công việc hàng ngày của ngư dân như: thi bơi biển (tại khu vực Bãi Trước), thi câu cá (tại khu vực bờ kè nhà ga cáp treo Vũng Tàu), các môn thể thao dân gian: kéo co, đẩy cây, bi sắt trên cát, bịt mắt đập heo, đan lưới (khu vực Công viên Bãi Sau). Năm nay, các hoạt động của phần hội dự kiến diễn ra từ ngày 16 đến 23-9 (từ ngày 7 đến 14-8 âm lịch). 

Bà Nguyễn Thị Bạch Ngân, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết, Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu là lễ hội dân gian gắn với tín ngưỡng của ngư dân, đã được phát huy, nâng tầm về quy mô nhằm phục vụ phát triển du lịch. Vì vậy, các hoạt động của lễ hội phải được tổ chức ở địa điểm và thời gian phù hợp nhằm thu hút đông khách du lịch đến xem, cổ vũ và tham gia trải nghiệm.

Bài, ảnh: THÙY VÂN

;
.