Lắng đọng không gian văn hóa trà

Thứ Sáu, 12/10/2018, 09:54 [GMT+7]
In bài này
.

Giữa không gian ồn ào của phố thị, du khách và người dân Vũng Tàu có thể tìm cho mình những không gian văn hóa trà lắng đọng ngay tại Đường Sách Vũng Tàu. 

Hàng ngày, từ 8 giờ sáng, không gian văn hóa trà Phi Long Tea và Song Hỷ Trà quán tại Đường sách Vũng Tàu là điểm hẹn quen thuộc của những trà hữu. Ấn tượng chung khi bước vào Phi Long Tea và Song Hỷ trà quán là cảm giác tĩnh tại, ấm áp. Nội thất của quán, từ các bộ bàn ghế bằng gỗ, đèn trang trí và các sản phẩm về trà đều mang gam màu chủ đạo vàng nâu, toát lên vẻ sang trọng nhưng ấm cúng. Cuốn hút nhất là các dụng cụ pha và uống trà. Những bộ bình, tách bằng gốm sứ với những đường nét cầu kỳ, tinh xảo đủ kích cỡ bày biện đẹp mắt trên chiếc kệ gỗ xinh xắn. Khách có cảm giác như đang ở trong gian phòng trưng bày nghệ thuật khắc họa phong cảnh đồng quê Việt Nam được các nghệ nhân khéo léo vẽ trên khay, bình, tách trà. Trong không gian đẫm hương và vị của trà, khách sẽ cảm thấy tâm hồn thư thái, tạm quên đi thực tại nhiều lo toan. 

Khách thưởng trà tại Không gian văn hóa trà Phi Long Tea.
Khách thưởng trà tại Không gian văn hóa trà Phi Long Tea.

Tuy mỗi quán có một thế mạnh khác nhau, nhưng điểm chung là cả hai quán đều phục vụ 6 dòng trà với nhiều loại gồm: trà Bắc (trà Thái Nguyên, Tà Xùa, tôm nõn, trà đinh và trà sen), trà bát bảo, trà hoa khô (trà hồng, trà cúc, trà nhài), trà hương (nhài, sói, bưởi, hoa mộc), trà Đài Loan (Ô long, nhân sâm, thiết Quan âm, Ô long Alisan, Long tỉnh), trà matcha Nhật Bản. Mỗi loại mang hương vị khác nhau, đáp ứng các nhu cầu thưởng trà của khách. 

Khách vào quán không chỉ để uống trà, mà còn được ngắm các động tác pha trà khéo léo, tinh tế. Sau khi bày biện bình, tách trà, người pha dùng nước đun sôi tráng cả bình và tách cho nóng rồi mới cho trà vào, đổ nước nóng khoảng 40 độ C cho ngập trà, lắc nhẹ bình chừng 10 giây rồi chắt nước bỏ đi. Sau đó, chế nước nóng 80 độ C vào bình, tùy khẩu vị của người uống, người ta om trà từ 15-60 giây rồi chắt nước ra tống (chén quân) và rót vào từng tách trà để khách thưởng thức. 

Là một người “sành” trà, bác Nguyễn Văn Hải (đường Thủ Khoa Huân, TP.Vũng Tàu) cho biết: “Rượu ngâm nga, trà liền tay”, cho nên trà rót ra phải uống ngay khi còn nóng mới cảm nhận đủ “sắc-hương-vị-hình”. Bình trà sau khi pha thoảng hương thơm rất mộc, có thể là hương cốm, hương sen, nhài…, có vị chát, đắng thoang thoảng đầu lưỡi, nhưng cứ nhấm nháp và sẽ thấy vị ngọt hậu. Uống trà là phải thưởng thức bằng cả tâm hồn, bằng những cảm xúc giác quan mới “thấm” hết được. 

Anh Ngô Phi Long, chủ Không gian văn hóa trà Phi Long Tea chia sẻ: “Uống trà là một thói quen, một thú vui tao nhã mà người xưa thường gọi là “thưởng trà”. Nghĩa là, trà không chỉ là một loại thức uống đơn thuần, mà còn là một loại nghệ thuật thưởng thức mang đậm nét văn hóa Việt. Tôi muốn xây dựng thói quen và văn hóa thưởng trà ở người dân Vũng Tàu, giúp khách tìm lại sự cân bằng, tĩnh tại trong cuộc sống”. 

Phong phú dụng cụ pha trà  

Không chỉ có trà ngon, nghệ thuật pha trà tinh tế, tại Phi Long Tea và Song Hỷ trà quán, những người đam mê trà có thể thỏa sức lựa chọn dụng cụ pha trà gồm: bàn trà, hũ trà, bình, tách, tống và nhiều loại đồ chơi của thú vui tao nhã này như: thác trà, trầm hương.  

Đặc biệt, những chiếc bình tử sa, được chế tác thủ công với nhiều kiểu dáng, màu sắc, chạm trổ tinh tế, được nhiều người lựa chọn. Theo kinh nghiệm của những người sành trà, trà được pha từ bình tử sa thường thơm ngon hơn so với pha bằng những loại bình khác. Do vậy, giá một chiếc bình tử sa cũng khá đắt. Tùy thuộc vào độ tinh xảo cũng như độ tuổi của đất, hàm lượng kim loại trong đất, niên đại của chiếc bình và nghệ nhân làm bình mà chiếc bình có giá từ 1-2 triệu đồng/cái đến 5-12 triệu đồng/cái. Một chiếc bình tử sa tốt thường có đặc điểm như bề mặt trơn láng mịn màng, có độ bóng tự nhiên. Nắp của chiếc bình tử sa tốt phải kín khít với thân để khi rót trà, nước không tràn ra ngoài.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.