Những bóng hồng trong thi ca

Thứ Sáu, 23/11/2018, 10:30 [GMT+7]
In bài này
.

Trong các tình khúc nhạc Việt nổi tiếng, các bóng hồng luôn ẩn hiện đầy bí ẩn và thi vị, khiến công chúng yêu nhạc không ngừng tò mò về sự tồn tại của họ ngoài đời: Họ là ai? Có thực hay không? Dung nhan ra sao mà đã khiến trái tim người nghệ sĩ rung động, xao xuyến, tạo nên những lời ca, điệu nhạc tuyệt diệu khiến bao thế hệ người nghe còn mãi đắm say?

Chân dung Diễm xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Chân dung Diễm xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

NHỮNG “NÀNG THƠ” CÓ THẬT

Cố nhạc sĩ Thanh Tùng từng nói rằng phụ nữ chính là ngọn nguồn cảm hứng, là căn nguyên nỗi buồn vui và là chất xúc tác cho sự thăng hoa khiến ông viết lên những giai điệu da diết, dạt dào. Thế nhưng trong các ca khúc của Thanh Tùng như: Chuyện tình của biển, Hoa tím ngoài sân, Lời tỏ tình của mùa Xuân, Trái tim không ngủ yên... người nghe không thấy nhắc đến tên người phụ nữ nào. Bạn bè thân thiết đều biết rằng “nguyên cớ” ngoài đời thực tạo nên cảm xúc sáng tác các bài hát trên là những cái tên: Ngọc Bích, Ngọc Thúy, Tôn Nữ Minh Tâm… 

Nhưng lại có những ca khúc được công chúng yêu thích suốt bao năm qua đã “gọi tên em mãi suốt cơn mê này” như trường hợp Diễm xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. “Diễm xưa” được coi là một trong những ca khúc đầu tay trong sự nghiệp viết tình ca của nhạc sĩ họ Trịnh. Nhân vật “Diễm xưa” là có thật. Nàng thơ của cố nhạc sĩ là Ngô Vũ Bích Diễm - cô gái gốc Hà thành theo gia đình vào Huế sinh sống. Trịnh Công Sơn đã miêu tả bà “người dong dỏng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng”. Ngày đó, Trịnh Công Sơn thường đứng lấp ló bên cây cột để ngắm người đẹp đi ngang qua những hàng cây long não để rồi nảy nở một “tình yêu đầu thầm lặng”, khơi nguồn cảm hứng để ông viết nên nhiều ca khúc về tình yêu và phận người: “Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động/Làm sao em biết bia đá không đau/Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng/Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Mối tình của nhạc sĩ họ Trịnh nhẹ nhàng  mà sâu lắng, day dứt vẫn sống mãi trong trái tim những thế hệ người Việt: “Chiều nay còn mưa sao em không lại/Nhỡ mai trong cơn đau vùi/Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau/Bước chân em xin về mau…”. Hiện tại, bà Bích Diễm đang sinh sống cùng gia đình tại Mỹ.

VÀ NHỮNG NHÂN VẬT BÍ ẨN

Khúc thụy du, ca khúc nổi tiếng phổ nhạc từ bài thơ của thi sĩ Du Tử Lê viết vào tháng 3-1968. Những câu thơ u uẩn oằn mình trong cô đơn quạnh quẽ cùng những tiếng gào thét đau thương: “Như loài chim bói cá/Trên cọc nhọn trăm năm/Tôi tìm đời đánh mất/Trong vũng nước cuộc đời/Thụy ơi, và tình ơi?”. Có người suy luận “Thụy” ở đây là tên riêng của bà Thụy Châu, vợ cũ nhà thơ, còn “Du” lấy từ chính bút danh của tác giả. Một giả thuyết khác, theo nghĩa Hán Việt, “Thụy du” là một khúc hát về giấc ngủ, cái chết hoặc một chuyến đi dài. 

Nhà thơ Du Tử Lê thì cho biết, thời gian bài thơ ra đời cũng là bắt đầu cuộc tình giữa ông và một cô sinh viên đại học Dược. Ông lấy chữ lót trong tên người con gái này, cộng với chữ đầu bút hiệu làm thành nhan đề bài thơ. Thi sĩ và nhạc sĩ Anh Bằng không hề quen biết nhau. Khoảng năm 1985, nhạc sĩ Anh Bằng tìm gặp ông ở quán cà phê Tay Trái và tự giới thiệu mình là người phổ nhạc bài thơ này của ông. Nếu như bài thơ Khúc thụy du mô tả những nỗi ám ảnh sống chết, tiếng kêu đau thương của con người thì bài hát Khúc thụy du mang đậm dấu ấn về tình yêu, với cách đặt vấn đề mang màu sắc triết luận và những câu hỏi đặt ra không nhằm hay không mong câu trả lời. “Hãy nói về cuộc đời/Khi tôi không còn nữa/Sẽ lấy được những gì/Về bên kia thế giới/Ngoài trống vắng mà thôi”. 

Dù vẫn lấy ý chính từ tinh thần bài thơ của Du Tử Lê để tạo nên ca từ của Khúc thụy du nhưng nhạc sĩ Anh Bằng đã chuyển tải sang một ám ảnh khác, ám ảnh về tình yêu với giấc mộng liêu trai nửa hư nửa thực: “Tình yêu như lưỡi dao/Tình yêu như mũi nhọn/Êm ái và ngọt ngào/Cắt đứt cuộc tình đầu/Thụy bây giờ về đâu?”. Chiến tranh, chết chóc trong ca của Anh Bằng chỉ còn là khung nền ảo ảnh phía sau trong tiếng gọi yêu thương vang vọng “Thụy ơi và tình ơi!” được lặp đi lặp lại nhiều lần thấm trong sâu thẳm với cảm xúc vừa ngọt ngào vừa xót xa.

Hầu hết những người yêu nhạc trữ tình đều biết đến nhạc phẩm Thà như giọt mưa của nhạc sỹ Phạm Duy phổ từ bài thơ Khúc tình buồn của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. “Thà như giọt mưa vỡ trên mặt Duyên/thà như giọt mưa khô trên mặt Duyên/để ta nghe thoáng tiếng mưa vội đến/những giọt run run ướt ngọn lông măng…”. Nhiều người tò mò về cô gái tên Duyên nhưng có đọc bài thơ và nghe nhạc thì mới thấy lời bài hát có nhiều điểm khác với bài thơ. Ví dụ, một đoạn trong bài hát “Người từ trăm năm về ngang trường Luật” hay “Ta hỏng tú tài, ta hụt tình yêu”. Những ý này hoàn toàn không có trong bài thơ Khúc tình buồn.

Còn đoạn kết của bài hát có nhắc đến một người con gái tên Duyên, thế nhưng trong bài thơ hoàn toàn không có chi tiết này. Nhạc sỹ Phạm Duy có lẽ đã lấy cảm hứng không chỉ từ Khúc tình buồn mà còn cả từ bài thơ khác của Nguyễn Tất Nhiên là Duyên tình con gái Bắc. Cô gái tên Duyên này là một nhân vật có thật và học chung lớp với nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên tại trường trung học Ngô Quyền, TP.Biên Hòa, và tình cảm của ông đối với cô chính là nguồn cảm hứng khiến ông liên tục sáng tác những bài thơ nổi tiếng một thời chỉ để riêng tặng cho cô. Trong tập thơ Thiên Tai, Nguyễn Tất Nhiên có nhiều bài nói về người thiếu nữ tên Duyên: “Những giọt run run ướt ngọn lông măng/khiến người trăm năm đau khổ ăn năn/khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên…”. Những ca từ này thật lạ, và cũng vì thế khiến người nghe nhớ mãi. Có lẽ vì cô gái tên Duyên này đã phụ tình tác giả nên đã có một cái kết “hờn dỗi” cho cuộc tình đau khổ dở dang. Hiện nay cô gái tên Duyên ngày nào đang sinh sống tại Michigan, Hoa Kỳ. 

Những giai thoại luôn có những dị bản khác nhau và sự thật luôn là ẩn số đằng sau những bài thơ, khúc nhạc ảo diệu mà ở đó là tất cả nỗi lòng, cảm nhận của người nghệ sĩ về tình yêu và phận người, trở thành những tác phẩm bất hủ theo thời gian và đọng lại mãi trong tim những người ái mộ.

VŨ THANH HOA

;
.