Mảnh vải đen hình bình hành

Thứ Sáu, 18/01/2019, 11:34 [GMT+7]
In bài này
.
Minh họa của: MINH SƠN
Minh họa của: MINH SƠN

Vân lặng lẽ về thăm tôi vào một ngày cuối năm. Trong xóm nhiều nhà đã rục rịch dọn dẹp. Ngoài vườn lác đác đôi nụ mai đã nôn nao hé mắt cười sớm. Chẳng biết ông trời quên đong đếm thời gian hay do lòng tôi rộn rã xuân mà bao nhiêu năm gặp lại, tôi thấy Vân chẳng thay đổi gì, vẫn đôi mắt sâu thẳm, vẫn làn da trắng hồng… Tất cả vẫn như xưa, Vân vẫn đẹp một cách thanh thoát, lạ lùng. 

Theo ý của Vân, hai chúng tôi đến nghĩa trang thăm mộ ba khi trời đã lưng nắng, trên con đường đất dẫn vào nghĩa trang không còn ai tới, chỉ những chiếc bóng nối nhau trôi theo dòng về. Tỉ mỉ cắm từng cành huệ vào chiếc bình sứ, nhẹ nhàng đặt lên trang thờ, Vân rút chiếc khăn mùi xoa nhẹ nhàng lau lên di ảnh của ba, tôi thấy bàn tay Vân lóng ngóng, run run: 

- Nhìn hình chú thấy buồn quá phải không Huệ?

- Ừ Huệ cũng thấy buồn, nhưng hình này là hình giống ba nhất Vân ạ.

 Tôi trả lời và đưa bó nhang vừa mới đốt cho Vân. Một tay cầm nén nhang, tay kia cầm chiếc khăn phẩy nhẹ cho tắt ngọn lửa, Vân quỳ xuống lầm rầm khấn, tôi tản bộ qua chỗ khác nhưng vẫn hướng về phía Vân, mắt Vân đỏ hoe, toàn thân lẫy bẫy trong tà áo dài quý phái, trên ngực áo cài một mảnh vải đen hình bình hành đã sờn góc. Tôi nhìn kỹ, đúng là mảnh vải mà Vân đã cài hơn 20 năm về trước.

***

Tôi gọi Vân bằng cô mặc dầu Vân chỉ trạc tuổi tôi, mẹ tôi không bằng lòng với cách xưng hô này: “Vân bằng tuổi con, mắc gì con kêu nó bằng cô, có bà con đâu mà kêu vậy”. Mỗi lần nghe mẹ nói, tôi thấy thương mẹ, áy náy cho việc mình làm, nhưng rồi tôi cũng ậm ừ cho qua chuyện.

Vân là người đàn bà đẹp, có gương mặt phúc hậu, làn da trắng hồng, đặc biệt là đôi mắt sâu thẳm, đượm buồn. Thời gian đó tôi không rõ chồng Vân là ai, đang ở đâu, sao tôi chưa từng nghe Vân kể?  Chỉ biết Vân ở với ông bà ngoại và hai đứa con, mỗi khi trong nhà có ai bệnh tôi thường mời Vân đến chích thuốc. Ông trời có lẽ hơi thiên vị khi cho Vân quá nhiều thứ, ngoài nhan sắc, tính tình còn cho Vân một giọng nói khá mềm và ngọt. Chỉ cần nghe Vân trò chuyện, những người đang bệnh đã có cảm giác muốn lành, ngược lại những người đang khỏe gặp Vân đôi khi cũng… “muốn bệnh”.

 Ba tôi là người đàn ông kỳ lạ, Mẹ tôi bảo ông có tính bao đồng, đi lo việc thiên hạ nhiều hơn việc nhà. Riêng tôi, trong ký ức ba là người chan hòa, tận tụy, thương người, ông sống quên mình vì người khác.

 Mẹ hơn ba đến năm tuổi, nghe kể lại: Hồi mới cưới nhau mỗi khi cùng đi đâu thay vì sóng bước, hai người lại đi theo đội hình hàng dọc người nọ cách người kia. Do lam lũ, sanh nở nhiều, rồi bệnh tật, mới 50 tuổi mà sức khỏe của mẹ đã ở bên kia sườn dốc. Di chứng tai biến mạch máu não đã làm cho mẹ trượt dài cả tinh thần lẫn thể xác. Trái ngược với mẹ, ở tuổi 45, ba tôi vẫn như một chàng trai trẻ. Qua lời mẹ tâm sự tôi biết ba đang sống như người đàn ông độc thân.

Thời gian cứ vô tình trôi, ba vẫn một mình cày ải để nuôi chị em tôi và chăm sóc mẹ, khó kiếm ra người đàn ông nào có thể chăm sóc vợ ân cần và chu đáo như ba, ngày qua ngày ông thui thủi vào ra như một chiếc bóng, chiếc bóng ấy héo hắt dần khi lần lượt chứng kiến cảnh chị em tôi nối nhau rời tổ ấm gia đình. 

Ngoài việc nhà, ba tôi còn nhận làm huấn luyện viên môn thể dục dưỡng sinh cho hơn 30 người, trong đó có Vân. Thực ra ông cũng chẳng có bằng cấp chuyên môn gì, chỉ học qua sách báo, truyền hình rồi chắt lọc, truyền đạt lại cho bà con lối xóm cùng tập luyện để giữ gìn sức khỏe.

Một hôm, tôi được chị bạn trong xóm cho biết Vân đang tằng tịu với ba tôi và bày cho tôi cách theo dõi, đánh ghen. Nghe những lời bày vẻ tàn độc từ miệng của chị hàng xóm tôi bỗng rùng mình, tuy vậy tôi vẫn điềm nhiên: Chắc người ta hiểu nhầm, chị ấy đẹp, hiền lành nết na đến vậy, người nào được chị ấy thương là phước đức ba đời.

Hồi đó trong xã có vài người hành nghề y tá, nhưng mỗi khi nhà có chuyện gì, mẹ tôi đều cho mời Vân. Thoạt đầu Vân có vẻ ái ngại, nhưng lâu dần ngày càng thân thiết.

Mỗi khi thấy ba quanh quẩn việc nhà, tôi thấy lòng mình ray rứt, nhiều lần tôi đã cầu mong việc đồn đoán kia sẽ là hiện thực. Ý nghĩ ấy mỗi ngày lại bám lấy tôi, tích tụ dần và đủ sức để hút tôi vào một trò chơi duyên phận, tôi đã quyết tâm thực hiện kế hoạch của mình. Lấy cớ ba hay đi công việc, không thể chăm sóc cho mẹ, tôi đưa mẹ về nhà mình, thấy tôi trình bày hợp tình hợp lý mẹ tôi nghe theo.

Khổ nỗi khi đưa được mẹ qua nhà tôi rồi, cả thời gian dài ba tôi chẳng bệnh tật gì. Tôi đành phải dùng chiêu bằng cách mua hộp thuốc bổ để mời Vân qua chích cho ba. Cầm hộp thuốc trong tay, tôi hăm hở đến nhà Vân, được Vân gật đầu nhận lời tôi như mở cờ trong bụng:

- Khoảng 8 giờ tối Vân nghe. - Sao mà tối vậy? Vân liếc mắt nhìn tôi nghi ngại. - Giờ đó ba mới rảnh, nhớ nghe Vân! - Ừ Vân nhớ rồi.

- Một tuần chích một ống, chích bắp, ông Dược tá dặn vậy. 

- Ừ Vân biết.

May sao khi về đến nhà tôi cũng đã thuyết phục được ba việc chích thuốc, ông lắc đầu cười khi biết tôi đã mời Vân. Do háo hức với kế hoạch bí ẩn của mình nên lần đầu tiên trong đời đã tôi trở thành một kẻ xấu xí. 

Mỗi lần Vân đến chích thuốc tôi đều lén nghe ngóng có chuyện gì xảy ra không. Tối đầu tiên tôi hồi hộp rón rén vén tấm màn nhìn sang, những ngón tay thon tròn mềm mại của Vân, những động tác nhẹ nhàng, những cử chỉ ân cần... Tôi nín thở chờ những điều mình… trông chờ, nhưng chẳng thấy động tĩnh gì ngoài đôi ba câu chuyện hỏi han thường tình. Lần thứ hai cũng không khá gì hơn lần đầu.

Tuần thứ ba Vân đến nhà, chẳng biết vô tình hay cố ý, lần này nàng diện một bộ cánh thật quyến rũ, áo Mousseline mỏng ôm sát eo thon thả và chiếc quần Satin trắng. Nhìn Vân tôi còn mềm lòng huống chi là đàn ông. Tôi dõi theo những động tác của Vân: Rút thuốc, pha thuốc, kéo lưng quần xuống, xoa nhẹ bông gòn lên vùng tiêm…, rồi những lời dặn dò…

Cảm giác thất vọng ùa về, tôi hoang mang nghi ngờ, lẽ nào giữa Vân và ba tôi không có mảy may chút tình cảm nào hay chỉ là … chú cháu? Đang vẫn vơ suy nghĩ bất ngờ tôi thấy Vân nhẹ nhàng cầm lấy bàn tay ba và nói câu gì đó tôi nghe không rõ. Tim tôi bắt đầu nhảy thình thịch, tôi mắc cở nhắm mắt lại…nhưng sợ không chứng kiến được câu chuyện nên mở mắt ra ngay, thật là lạ, ba tôi chỉ nở một nụ cười và nói lời cám ơn như thường ngày, sau đó Vân đứng dậy xách túi thuốc và chào ba ra về.

Lại thêm một tuần chờ đợi, lần này tôi có cảm giác một ngày dài hơn cả tháng, chỉ còn một lọ thuốc cuối cùng, niềm hy vọng cuối cùng… Chiều hôm ấy mặt trời dùng dằng xuống chậm nhưng chưa chịu tắt hẳn. Trước khi Vân đến tôi mang cơm cho ba và bảo: 

- Tối nay ba ngủ một mình nghe, con Xíu bận học bài thi, mai nó mới qua ngủ.

 Không như những lần trước, lần này tôi tạt qua nhà hàng xóm hóng chuyện. Hiếm khi la cà đây đó, nay thấy tôi qua chơi mấy bà hàng xóm vui lây, họ rôm rả góp chuyện. Miệng nói nhưng mắt tôi vẫn hướng về phía nhà. Vân đến rất đúng giờ, như thường lệ nàng dựng xe đạp vào thềm, trời chạng vạng tối nhưng tôi vẫn dễ dàng nhận ra cái dáng mảnh khảnh, thanh thoát của Vân. Nàng khoan thai xách giỏ thuốc vào nhà…, 15 phút sau, khoảng thời gian đúng bằng những lần Vân hoàn tất công việc, cánh cửa lớn chợt khép lại, đèn trong nhà vụt tắt. Sau thoáng giật mình, tự nhiên tôi thấy tim mình đập mạnh, mặt nóng bừng như đang lên cơn sốt, nhấp nhổm ngồi chờ thêm một đoạn bằng cái quãng thời gian ấy nữa, nhưng nhà ba đèn vẫn không sáng. Cố kìm nén cảm xúc, tôi lật đật chào mấy chị hàng xóm rồi lao ra đường, nước mắt tôi không biết ở đâu cứ trào ra, trào ra mãi. Lúc rón rén đi ngang qua nhà ba, chiếc xe đạp của Vân vẫn dựng trước thềm, yên lặng.

Sáng hôm sau tôi đi chợ sớm để tranh thủ ghé Vân, với lý do gửi tiền công chích thuốc cho ba, luôn tiện tôi tặng Vân xấp vải Mousseline màu kem, món quà tôi mua đã lâu nhưng không có dịp tặng.

- Huệ gửi cô Vân xấp vải này, nước da cô Vân mặc màu này chắc đẹp lắm.

Một thoáng ngạc nhiên, Vân bẽn lẽn, ngượng ngùng rồi hỏi tôi trong rơm rớm nước mắt: Sao Huệ gọi mình bằng cô? Thay vì trả lời, tôi nhìn vào ánh mắt sâu thẳm của Vân và lắc đầu, cái lắc đầu thay cho sự cảm thông chấp nhận, nó như một chiếc cầu tre tuy nhỏ bé, gầy guộc nhưng cũng đủ cho Vân lần vịn bước qua. Bất ngờ Vân ôm chầm lấy tôi, những giọt nước mắt đổ xuống bờ vai tôi nóng hổi và nước mắt tôi cũng lã chã theo tiếng nấc của Vân. Trong cái không gian ấy, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc vỡ òa của Vân.

Ngày ba mất, Vân chỉ đến thắp nhang như những người hàng xóm khác, nhưng ẩn giấu đằng sau đôi mắt đỏ hoe ấy là ánh mắt đượm buồn, đau đớn. Có lẽ sợ không che dấu được cảm xúc của mình nên Vân tranh thủ gặp tôi nói lời chia buồn và vội vàng ra về, tôi hiểu và cũng không níu kéo mời Vân ngồi lại.

Một tuần sau tôi ghé thăm Vân. Nhìn khuôn mặt tiều tụy, đôi mắt sưng húp tôi nghĩ Vân đã khóc nhiều và trải qua những đêm mất ngủ, giây phút lặng người khi tôi nhìn thấy một miếng vải đen nho nhỏ hình bình hành được Vân đính lên trên ngực áo. Trước khi ra về Vân tâm sự: 

- Mình sắp đi xa rồi Huệ ạ!

- Đi đâu mà xa, vì sao mà cô đi xa?

- Mình đi theo diện đoàn tụ, ba mấy cháu bảo lãnh, lẽ ra mình được đi lâu rồi nhưng cứ nấn ná mãi, giờ thì…

Vân nghẹn ngào: Huệ biết không, từ nhỏ đến giờ mình chưa gặp người nào tốt và lạ như Huệ. Mà phải rồi, Huệ giống tính chú. Mình cảm ơn Huệ đã cho mình một cảm giác…

Bỏ lại câu nói nửa chừng, Vân day mặt nhìn qua khung cửa với ánh mắt xa xăm, nơi đó có những áng mây đang bềnh bồng trôi…

Truyện ngắn của: KHÊ GIANG

 

;
.