TẠP BÚT

Đàn bà và... chợ

Thứ Sáu, 08/03/2019, 07:21 [GMT+7]
In bài này
.

Chẳng phải đàn ông không đi chợ. Thậm chí có nhiều đàn ông còn đi chợ khéo hơn cả đàn bà. Tuy nhiên chợ gắn bó với đàn bà nhiều hơn. Trong những người đàn bà đã bận bịu chồng con dù gọn gàng bảnh bao áo quần công chức hay lùng bùng đồ bảo hộ hoặc chải chuốt phấn son váy ngắn áo dài chẳng mấy ai dứt bỏ được hoàn toàn dính líu chợ búa. Và tùy theo sự sắp xếp và thói quen của từng người, họ có mặt ở chợ (hay siêu thị) vào những giờ giấc khác nhau. Chị em công chức hay dành cuối tuần để đi siêu thị. Ở đó thực phẩm có độ tin cậy hơn về chất lượng, nhưng giá cả vì vậy cũng đắt hơn đáng kể. Và cá hay rau cũng chẳng được phong phú bằng chợ bên ngoài. Nên đàn bà xứ mình vẫn kết chợ truyền thống hơn. Phần lớn chị em đi làm, trên đường về nhà thường hay ghé chợ. Được cái xứ mình có nhiều chợ chồm hổm. Nơi đó chỉ bán mấy rổ rau, vài sạp thịt sạp cá là đủ cho một bữa chợ tối đơn giản. Có người công việc tan muộn, thì phải chờ đến cuối ngày, khi nắng đã tắt và chiều đã phai là lật đật phóng xe tới chợ. Cho dù lúc này rau, thịt chẳng còn tươi, trái cây hơi héo và cá chắc phải ướp đá hay hóa chất nào đó, cũng chẳng biết làm sao hơn. Cuộc sống thiếu gì lúc, thiếu gì chuyện mà người ta phải phó mặc may rủi.

Tôi gặp chị nhiều lần vào mỗi sáng mai. Cái giỏ nhựa cũ sạch nguyên nhưng màu đỏ đã phai thành màu bã chè. Chiếc xe đạp cũng tróc màu sơn không còn rõ màu gì. Bộ đồ đi chợ tươm tất không che được vẻ ngoài lam lũ. Chị là nhân viên hành chính cơ quan tôi trước khi nghỉ hưu non trong một lần giảm biên chế. Chồng làm bảo vệ, thu nhập thấp nên đứa con trai lớn của chị chỉ có thể học nghề tại chỗ mà không dám đi đại học trọ xa nhà. 2 đứa em nó đang học phổ thông đều tuổi ăn tuổi lớn. Thêm ông già chồng suốt ngày ho hen và thi thoảng đi bệnh viện. Cái gia đình 6 người của chị mỗi ngày tiêu hết một giỏ đồ thực phẩm chợ, thêm bó rau to, ít trái cây rẻ tiền. Nên tôi bắt gặp nhiều lần vẻ tần ngần của chị khi dạo qua dạo lại trước hàng rau hàng cá thịt. Làm sao để với số tiền hạn hẹp mà mua đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cả nhà? Lại tránh được thịt ướp hàn the, cá tẩm u rê, rau phun thuốc kích thích hay trái cây ủ thuốc diệt cỏ đầy rẫy xứ mình. Nên việc đi chợ mỗi ngày của chị chẳng thể nào nhẹ nhàng như quan niệm chung của xã hội cho nghề nội trợ. 

Vẻ tần ngần này tôi bắt gặp không chỉ nơi chị mà trên hầu hết những gương mặt những người đàn bà ở chợ. Có người bố mẹ chồng (hay bố mẹ mình) ăn kiêng vì tiểu đường, vì mỡ máu. Chồng không thể ăn hải sản vì bệnh gút và con chẳng thích ăn cá chút nào. Xung khắc nết ăn và sở thích kể cả trong món rau và trái cây tráng miệng. Thực đơn hôm nay lại không thể áp dụng cho ngày mai hay ngày mốt. Dù vẫn còn nghèo thì người ta cũng không thể ăn mỗi mùa lặp đi lặp lại chỉ vài món như ngày xưa. Có chị bảo nếu ai đi chợ giùm mỗi ngày thì đỡ khổ biết bao. Nhưng làm gì có ai rước cái khổ đó giùm các chị? Nên chẳng ai đảm bảo rằng bữa cơm gia đình nào cũng “cơm ngon canh ngọt” dù đàn bà đã rất cố gắng. Đó là chưa nói những đột ngột đổi thay về thu nhập ảnh hưởng đến cái túi tiền. Mà bất thường thời buổi này thì đâu có thiếu. Doanh nhân bị phá sản, tiểu thương bị giựt nợ, cửa hàng nhỏ bị giải phóng mặt bằng, các công ty cả nhà nước và tư nhân trong thời buổi cạnh tranh và hội nhập không trụ được khi làm ăn thua lỗ phải giảm lương hay giải thể. Tất cả những biến động của xã hội ảnh hưởng đến người lao động đều làm xẹp lại cái hầu bao của người nội trợ. Nên họ đắn đo nhiều hơn và dạo chợ lâu hơn. Họ đành bước qua mớ tôm tươi đang nhảy hay khúc thịt thăn bò đỏ tươi hấp dẫn treo trên móc với một chút tiếc rẻ. Tôi đọc thấy trong thái độ tần ngần của họ tình thương yêu chồng con gia đình và sự chịu đựng. Trong mớ rau, con cá họ mua ôm chứa sự nhẫn nại và dịu dàng. Tuy nhiên đâu phải chồng con họ lúc nào cũng cảm nhận hết.  

Và họ không chỉ tần ngần khi tới chợ mà còn phân vân với biết bao sự lựa chọn khác nhau khi đối diện ngoài đời: Có chạy trường điểm hay trái tuyến cho con? Có cho con học thêm như bạn bè của nó? Có chuẩn bị bao thư khi con đi xin việc? Có lót tay cho cô y tá khi đưa mẹ đưa con đi bệnh viện? Có móc bóp tiền ra khi xe cháy đèn lỡ gặp cảnh sát giao thông thổi còi...  Rồi đối diện những rắc rối khi làm thủ tục cho cái nhà đang ở, cái xe đang đi, việc làm đang bắt đầu hay tiếp tục... Cũng là mua nhưng ở đây là mua sự yên ổn, mua cơ hội phát triển cho con và gia đình.  Cái chợ đời phức tạp và lắm nhiễu nhương làm đầu óc con người ta lúc nào cũng phải căng ra đối phó, nhất là khi cái bóp tiền không đủ độ dày. 

Thời gian cứ mải miết trôi. Chợ cứ họp đều mỗi ngày. Và đàn bà, dù muốn dù không vẫn cứ tần ngần xách giỏ ra chợ, kể cả ...chợ đời.

HỘI AN

;
.