TẠP BÚT

Thương yêu nối dài qua năm tháng

Thứ Sáu, 01/03/2019, 11:18 [GMT+7]
In bài này
.

1. Anh bạn khoe tấm hình chụp tà áo lam của mẹ. Nơi tà áo ấy có thêu hình chú vịt con màu vàng mơ, trông như thể mới nở, bé xíu cỡ bằng quả trứng. Chú vịt con đang há mỏ ngậm cành hoa, mở đôi mắt tròn xoe, bên cạnh là những cọng cỏ xanh non. Hồi thêu bức hình ấy, hẳn là anh thấy chú vịt ngậm hoa ôm cuốn vở đẹp nhất trên đời này. Tư duy đúng kiểu con nít.

Đó là bức thêu anh bạn thêu hồi tiểu học, tập tành học nghề thêu theo các dì, các cô trong nhà và thực hành trên tấm áo mẹ. Tính đến nay, cả tấm áo và chú vịt ấy đã gần ba mươi tuổi rồi. Anh bạn dĩ nhiên không thấy hình ảnh chú vịt thơ ngây là đẹp nhất trong đời nữa nhưng mỗi khi nhìn bức thêu vẫn tủm tỉm cười, vẫn nhớ thằng bé ngày xưa mân mê tà áo hàng giờ, lụi hụi với chỉ màu, kim thêu đến vã mồ hôi hột để có được chú vịt bé xíu xiu tặng mẹ.

Chú vịt màu vàng mơ ấy khiến bà mẹ thích mê tấm áo. Nhất là khi có dịp vò đầu thằng con to ngồng bên cạnh: Cháu nó thêu hồi bé xíu đó. Dù kỳ thực, một tà áo lam để đi chùa có vẻ không phù hợp làm chỗ “ngự trị” cho chú vịt lắm. Và dù dáng mẹ không thon thả như xưa, mặc tấm áo cũ đã có phần vướng víu, cả màu lam của áo lẫn màu vàng mơ của vịt cũng phai phôi thì đó vẫn là tấm áo bà mẹ yêu, cưng nhất. Bà để dành mặc những dịp lên chùa lễ Phật. Những ngày đầu năm mới, chen giữa những tấm hình dân tình nô nức khoe phong bao lì xì, facebook bạn tôi khoe tấm áo cũ có con vịt con khiến người xem có một cảm giác bình yên lan nhẹ trong lòng.

2. Bà thím dọn tủ quần áo của hai đứa nhỏ (mỗi năm, bà vẫn làm việc này sau tết, ra riêng ngày rộng tháng dài mà). Bà lôi tấm áo len cũ của anh Đốm mặc hồi 2 tuổi mà bao năm nay mẹ Đốm vẫn cất giữ cẩn thận. Tấm áo ấy là bà ngoại tặng Đốm, món quà duy nhất của bà ngoại - bạn thân đầu tiên của con trai mà mẹ còn giữ lại. 

Đó là chiếc áo len ghi lê màu tím thẫm pha trắng dành cho con trai, nhưng khi em Bống - em gái Đốm lên 2, lên 3, mẹ vẫn mặc cho em vì rất thích món quà của bà. Sài Gòn mỗi năm chỉ có dăm ba ngày mặc được áo len thôi nên áo vẫn còn rất mới. Sau nhiều năm, tủ quần áo của lũ trẻ luôn được dọn dẹp để tặng lại đồ đã chật cho những đứa em ở quê nhưng tấm áo vẫn được giữ ở đó. Sáng nay khi tôi hỏi cô em gái đang mang bầu tháng thứ 6 rằng có lấy tấm áo ấy cho em Mè không, em gái đã rất vui trả lời rằng có, khi biết đó là món quà của bà ngoại đã mất. Buổi chiều, cô nhỏ còn khoe tấm hình chiếc áo kỷ niệm lên facebook với những lời yêu thương. Tấm áo sau bao năm gìn giữ đã được tôi cho đi với niềm vui khó tả.

Có một dạo, ngăn tủ nhà tôi đầy những thứ áo quần, khăn tã kỷ niệm. Cái nào cũng có lý do đáng để giữ lại. Cái áo đầu tiên, tã đầu tiên, bình sữa đầu tiên… Rồi dần dà nhận ra sao mà chúng vướng víu quá thể, vẫn phải mang tặng lại những người quen cần dùng tới, cho tới khi chỉ còn giữ chiếc gối đầu tiên của cả hai anh em. Nhớ từng sợi tóc tơ từng bám trên chiếc gối nhỏ, nhớ cả mùi mồ hôi sữa của từng cục cưng cưng vừa rời lòng mình ra nằm lăn qua lăn lại trên đó khi chưa quen với môi trường bên ngoài… 

Anh bạn đồng hương kể, anh bị đám con cái gọi đùa là người âm lịch, người Việt cổ. Không giận gì cả vì cuộc sống của anh và chúng khác nhau quá. Ở nhà anh, bên cạnh những món đồ hiện đại xa xỉ là cái mâm đồng, cối xay anh xin được từ bà nội. Những món đồ ấy anh để trang trọng ngay cửa ra vào nhà để mỗi ngày đều trông thấy. Mỗi lần đi qua cái mâm đồng cũ kĩ, méo mó và cối xay nặng trịch, sần sùi, đám con cái ban đầu có tí ngứa mắt, bảo rằng cả trái đất này không thể tìm ra vật trang trí nào xấu xí hơn. Anh bảo, với ba đó là những món đồ ý nghĩa nhất. Cuộc sống này đáng sống vì ý nghĩa chứ không hẳn là chuyện xấu - đẹp.

3. Không thể phủ nhận rằng thực tế có những thứ tưởng như thừa thãi trong cuộc sống này, như việc hàng năm không nhìn tới những tấm hình. Nhưng nếu bạn có một tấm hình gia đình như tôi - tấm hình duy nhất tôi được chụp chung với cha mẹ bên cành hoa đào Tết thì bạn sẽ biết giá trị bức hình ấy lớn biết bao. Có lần tôi cuống quýt tìm đến nửa đêm khi không nhìn thấy nó. Sau đó thì tự mình “nhân bản” lên trên mọi trang cá nhân, email… để chắc chắn rằng không bao giờ có thể mất nữa. 

Nhưng, kể cả khi bức hình ấy đã “nhân bản” đầy trên mạng, trong máy tính… thì vẫn phải là bức hình bằng giấy bằng màu chân thật trước mắt mình với những vết ố của thời gian in lên đó mới cho mình một cảm giác thật ấm cúng. Cảm giác như thấy được rằng có một sợi dây hạnh phúc bé nhỏ phía sau khoảnh khắc ấy níu mình với những yêu thương ngày cũ.

Có những món đồ không bao giờ là vô tri khi nó găm đầy những vùng nhớ. Và có những thứ hạnh phúc kỳ lạ mà một người không thích nghĩ về kỷ niệm sẽ không bao giờ có được.

VÕ THU HƯƠNG

;
.