Những bức tranh thơ

Thứ Năm, 11/04/2019, 14:42 [GMT+7]
In bài này
.

Văn chương và hội họa luôn có sự giao thoa. Dù biểu đạt bằng hình thức nào, trường phái nào thì nghệ sĩ cũng mong muốn gửi đến công chúng những quan điểm của mình về chân, thiện, mỹ. Lịch sử nghệ thuật Việt Nam đã ghi nhận nhiều họa sĩ nổi tiếng có tâm hồn thơ phong phú. 

Từ trái qua: Họa sĩ - nhà thơ Đinh Cường, họa sĩ - nhà thơ Trịnh Cung,  họa sĩ - nhà thơ Ly Hoàng Ly
Từ trái qua: Họa sĩ - nhà thơ Đinh Cường, họa sĩ - nhà thơ Trịnh Cung, họa sĩ - nhà thơ Ly Hoàng Ly

Họa sĩ Trịnh Cung là một trong những tên tuổi hàng đầu của làng mỹ thuật Việt Nam trước năm 1975. Ông là giáo sư thỉnh giảng của các trường: Cao đẳng Mỹ thuật Huế, Gia Định trước 1975; Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Đại học San Francisco & Indiana những năm 90. Ông có triển lãm cá nhân tại Paris, Los Angeles & Washington DC… Trịnh Cung còn là một nhà thơ nổi tiếng với những thi phẩm đã trở thành những nhạc phẩm lừng danh như: “Ở đây, thôi ở đây đành”, được nhạc sĩ Lê Uyên Phương phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Đặc biệt, “Cuối cùng cho một tình yêu” - bài thơ ngập tràn cảm xúc và thi ảnh lãng mạn đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ nhạc thành bài hát cùng tên: “Ừ thôi em về/chiều mưa giông tới/bây giờ anh vui/hai bàn tay đói/bây giờ anh vui/hai bàn chân mỏi/thời gian nơi đây/bây giờ anh vui/một linh hồn rỗi/tình yêu xứ này…”(Cuối cùng cho một tình yêu - thơ Trịnh Cung).

Nhà thơ Du Tử Lê đã từng xếp họa sĩ Trịnh Cung nằm trong số “Những tài năng tách thoát khỏi đám đông, để xuất hiện rực rỡ trước quảng trường đường nét và màu sắc”. Có lẽ bằng góc nhìn đa diện của người cầm cọ với cuộc đời có đủ đau thương và hạnh phúc, thơ Trịnh Cung luôn đa tầng về ngữ nghĩa, sâu sắc và thấm đẫm sự trải nghiệm qua nhiều giai đoạn của lịch sử, trong nước và hải ngoại: “Ký ức/Như tĩnh vật/Hãy để anh sắp xếp/Trên ngăn kệ thời gian/Như tác phẩm nghệ thuật/Hãy để anh trưng bày/Trong bảo tàng trí nhớ…/Ký ức/Như tràng hạt/Anh lần từng ăn năn/Anh lần từng mắt lệ/Anh lần từng môi hôn/Anh lần từng tội lỗi/Anh lần từng tan vỡ/Anh lần từng mộng vàng…” (Ký ức - Trịnh Cung).

Họa sĩ Đinh Cường là một trong những họa sĩ tên tuổi lẫy lừng trong nền hội họa Việt Nam. Ông đạt nhiều giải thưởng danh giá về hội họa và từng giảng dạy hội họa tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, trường Nữ trung học Đồng Khánh Huế… Đinh Cường đã có hơn 20 cuộc triển lãm tại Việt Nam và các nước như Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Bazil, Tunisie, Ấn Độ, Singapore… Nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy nhận định: “Đinh Cường đã sống một thời tuổi trẻ đầy thi vị và phong phú, và đã làm việc thực hết sức dữ dội. Số lượng tranh ông để lại rải rác khắp nơi rất lớn, lên đến cả ngàn bức. Họa sĩ Việt Nam, dường như chỉ có Bùi Xuân Phái và Đinh Cường là có cường độ làm việc đến vậy”.

Đinh Cường mất năm 2016 tại tiểu bang Virginia (Mỹ), ông không chỉ để lại một số lượng tranh rất lớn mà còn vô số những bài thơ: “Và cuối ngày. qua đồng cỏ xanh/đồng cỏ. đồng cỏ. ôi mênh mông/có bờm ngựa đỏ. vàng khăn lụa/với dáng ai ngồi trong tranh tôi/những ngày xao lãng. màu khô sậm/tấp thêm lớp nữa. núi. mây trời/vệt mây trắng quá. như màu áo/màu áo năm nào ai đem phơi/chút sáng trên môi phơn phớt đỏ/màu son xưa xa cách nghìn trùng/lại hiện về trên tranh rất rõ/khi sao chiều đã mọc đầu hôm…” (Chiều một mình trở về - Đinh Cường).

Là con trai thứ của họa sĩ Đinh Cường, Đinh Trường Chinh thừa hưởng tài năng hội họa của cha, anh vừa là họa sĩ cũng là một nhà thơ với cách viết phóng khoáng, gợi mở biên độ cảm xúc cho người đọc qua những liên tưởng siêu hình. Sáng tác của anh xuất hiện trên các tạp chí văn học hải ngoại: “…Buổi sáng/châm cho tôi/dải nắng/trải một ngày dài./Chiều/rơi cho tôi/những sợi mưa/cắt xiên/qua trí nhớ./Và đêm nay/đun cho tôi/một màu hấp hối/mồi cho tôi/một câu thơ buồn/trong tiếng quạ vang/trên hàng lá thẫm/mùa thu… (Trích Ngày chờ - Đinh Trường Chinh).

Có một nữ họa sĩ tên Ly Hoàng Ly còn được biết đến là một nữ nhà thơ tài năng. Ly Hoàng Ly bắt đầu tìm hiểu và đi sâu vào nghệ thuật đương đại như sắp đặt, video art, trình diễn thơ và nghệ thuật trình diễn từ năm 2000. Chị cũng được biết là nữ nghệ sĩ thị giác đầu tiên có những tác phẩm trình diễn và trình diễn thơ tại Việt Nam và nước ngoài. Thơ của chị đã được dịch và đăng trên nhiều tuyển thơ, tạp chí văn học tại Mỹ và Pháp. 

“Những người đàn bà/Đi đi lại trong bức tranh khổ vuông/Những nhát mầu bết họ vào sơn/Những người đàn bà màu đen/Đi lại trong đêm/Tóc hất ngược ra sau/Trên mặt phẳng bức tranh dang dở/Những người đàn bà khô queo/Vì đi lại quá nhiều/Quẩn quanh bức tranh khổ vuông do người khác vẽ/Đi được đến đâu/Khi xác đã bệt lại bởi những nhát mầu…” (Trích Người trong tranh trong tập thơ Lô lô - Ly Hoàng Ly).

Ly Hoàng Ly tốt nghiệp đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, nhận bằng thạc sỹ tại Học viện Nghệ thuật Chicago, Mỹ. Năm 20 tuổi, chị đoạt Giải thơ Bút mới của báo Tuổi Trẻ. Bốn năm sau, tập thơ Cỏ trắng của chị nhận Giải Mai Vàng của báo Người lao động. Năm 2006 tập thơ Lô Lô của chị được tặng Giải thưởng hội Nhà văn Việt Nam, tuy nhiên chị đã từ chối giải thưởng này. “...Trên đầu là đêm/Dưới chân cũng là đêm/Có người nằm trong đêm/Có người ôm lấy đêm/Có người sống trong đêm/Có người chết trong đêm/Có người sinh trong đêm/Có người khóc trong đêm/Có người cười trong đêm/Có người cưới trong đêm/Có người điên trong đêm/Nhắm mắt/Trùm kín chăn/Nghe đêm cuộn quanh mình” (Trích Khúc đêm trong tập thơ Lô lô - Ly Hoàng Ly).

Trong tất cả các bài thơ của Ly Hoàng Ly, màu sắc và ngôn ngữ quyện vào nhau một cách tự nhiên nhất, giản dị nhất nhưng lại gợi lên nhiều trường liên tưởng đa tầng cho người đọc, có lẽ phần nào chị thừa hưởng tài năng thi phú từ  cha - nhà thơ Hoàng Hưng, người đã có nhiều cách tân thơ Việt. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận xét về thơ Ly Hoàng Ly: “Thế mạnh của ngôn ngữ hội hoạ đã thực sự chắp cánh cho những liên tưởng thơ, khi chị chủ trương dùng màu sắc-hình khối là trục chuyển động chính trong nhiều bài thơ của mình. Và trong một số bài thơ, Ly Hoàng Ly đã xử lý một cách khá độc đáo về mặt nghệ thuật, tạo ra những lát-cắt-hình-ảnh tương phản, mang đến cho câu thơ một sự khơi gợi và một hiệu quả thẩm mỹ mới”.

Trong thi ca có hội họa, trong hội họa có thi ca, đó là mối quan hệ không thể tách rời. Màu sắc và ngôn ngữ trong các thi phẩm của các họa sĩ còn là thi sĩ là những bức tranh ngôn ngữ đầy mê hoặc, dẫn dắt người đọc đến thế giới nghệ thuật ngập tràn mỹ cảm và đầy ấn tượng bởi họ không chỉ đơn thuần truyền cảm nhận của mình đến người xem bằng hình khối màu sắc mà còn những thông điệp về chiều sâu tâm tưởng, như danh họa Pablo Picasso nói rằng: “Tôi vẽ sự vật như tôi nghĩ về nó, không phải như tôi nhìn thấy nó.”

VŨ THANH HOA

;
.