TẢN VĂN

Nhớ ngày giỗ Tổ…

Thứ Năm, 11/04/2019, 14:24 [GMT+7]
In bài này
.

Về với ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch là về với thiêng liêng  nguồn cội. Khi đến Đền Hùng, ta thêm hiểu công đức của các Vua Hùng thể hiện trong câu đối nhiều ý nghĩa: “Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông quy một mối - Lên cao nhìn rộng, nghìn trùng đồi núi tựa đàn con”. 

Mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân được coi như là thủy tổ của dân tộc ta, là người đã sinh ra các vị Vua Hùng đáng kính. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà trên đường từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, Bác Hồ đã dừng lại nghỉ ở Đền Hùng. Người ngồi trên bậc cửa đền Hạ dặn dò các chiến sĩ đại đoàn quân tiên phong: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Bởi đất nước Việt Nam bốn nghìn năm đã trải qua bao cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Lưng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, mặt hướng ra biển Đông bao sóng gió. Đất nước ấy, dân tộc ấy vẫn trường tồn, vẫn giữ nguyên vẹn tiếng Việt - tiếng nói yêu thương; vẫn giữ nguyên truyền thống cội nguồn từ bọc trứng “đồng bào”…

Về với ngày giỗ Tổ Hùng Vương là trở về với bao truyền thuyết cũng như khát vọng của người dân Việt. Người Việt truyền tụng đến mãi về sau hình  tượng đẹp đẽ, đầy dũng khí và cũng rất đỗi linh thiêng của linh vật đứng đầu trong tứ linh đó là Rồng. Điều này không chỉ phản ánh tính thẩm mỹ cao của người Việt cổ mà cùng với óc sáng tạo về “bọc trăm trứng”, còn cho thấy tâm tư tình cảm, mong muốn trăm sông đổ về một dòng cùng cội rễ mà thống hợp tâm linh đoàn kết 54 tộc người. Ở đó, tinh thần gia tộc, tình nghĩa đồng bào coi như anh em được khẳng định. Không chỉ ở yếu tố cùng huyết thống, mà còn là sản phẩm của mối quan hệ thần bí do sự kết hợp của hai yếu tố: Tiên - Rồng; Âm - Dương. Ở đây tâm thức của sự ra đời cùng một bọc có tác dụng mạnh mẽ cũng cố khối đoàn kết mọi tộc người và sợi dây tâm linh vô hình nhưng bền chặt. Về với ngày giỗ Tổ Hùng Vương thắp nén tâm hương không phải chỉ để cầu nguyện những ước muốn vật chất thông thường mà còn có ý nghĩa hồi hương tâm linh, quy nguyên về cội rễ, thắt chặt hơn mối dây liên kết.

Về với Đền Hùng-nơi hội tụ những gì thiêng liêng nhất. Như giếng Ngọc mạch nguồn trong trẻo, như những tản cây cổ thụ ríu rít tiếng chim. Các sản phẩm của văn minh lúa nước được dâng lên: Những cặp bánh chưng, bánh giầy của tượng hình vũ trụ “trời tròn, đất vuông”. Hạt gạo được làm ra sàng sảy qua bao mưa nắng, bão lũ để dẻo thơm ngọt bùi. Ta vẫn còn nghe đâu đây tiếng chày giã gạo của xóm núi Thậm Thình trong thơ Nguyễn Bùi Vợi: “Đêm đêm tiếng thậm, tiếng thình - Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non”. Một vùng đất Phong Châu với bao quả đôi hình bát úp, với những tán cọ xòe ô che nắng đã tạo ra sự quây quần sum họp. Mạch nguồn đất Tổ bắt đầu từ đó. Từ những câu hát Xoan, từ những dòng sông xuôi về ngã ba Bạch Hạc. Hai tiếng Phú Thọ gợi cho ta sự phong phú cội nguồn lâu bền mãi mãi. Đó cũng chính là khát vọng ngàn đời của dân tộc ta mong muốn giữ yên bờ cõi, làm giàu trên mảnh đất ông cha và trường tồn sống mãi.

Đền Hùng được đặt trên núi Nghĩa Lĩnh hay còn gọi là núi Hy Cương. Nơi đây tương truyền các Vua Hùng cùng các Lạc Hầu, Lạc Tướng đến đây với các nghi lễ tôn giáo phồn thực nông nghiệp lúa nước cầu cho mưa nắng thuận hòa, muôn dân ấm no hạnh phúc. Hình ảnh nhà vua đi cày, dạy dân cày ruộng là một tập quán đẹp. Ta về với ngày giỗ Tổ Hùng Vương chính là về với mình cả trong tâm linh và ước vọng. Chỉ một chữ “về” mà hàm chứa bao ân tình tha thiết như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết trong trường ca “Đất nước”: “Hàng năm ăn đâu, làm đâu - Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”. Cũng như sự trở về: “Tôi soi vào cội nguồn trong - Thấy Tiên là mẹ, thấy Rồng là cha” (Nguyễn Hữu Quý). 

NGUYỄN NGỌC PHÚ

 
;
.