Lê Uyên Phương: Dạ khúc cho tình nhân

Thứ Sáu, 10/05/2019, 07:30 [GMT+7]
In bài này
.

Trong dòng chảy đa sắc màu của nhạc trữ tình Việt Nam cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 tại miền Nam, Lê Uyên Phương nổi lên như một làn gió lạ, giữa những tên tuổi đình đám như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An… Có lẽ được coi là “lạ” bởi những sáng tác của Lê Uyên Phương luôn gắn liền với hình ảnh của một cặp đôi nhạc sĩ, ca sĩ đã bén duyên rồi gắn kết cả cuộc đời với nhau bắt đầu từ âm nhạc và lại đem những tình khúc viết cho chính cuộc tình của mình gửi đến công chúng mộ điệu bằng một phong cách sáng tác và biểu diễn riêng biệt.

Vợ chồng Lê Uyên và Phương.
Vợ chồng Lê Uyên và Phương.

BÉN DUYÊN TỪ ÂM NHẠC

Danh ca Lê Uyên (tên thật Lâm Phúc Anh) vốn là “con gái rượu” trong một gia đình thương gia người Hoa giàu có của vùng Chợ Lớn. Vì gia đình có điều kiện nên cô theo học tại trường Virgo Maria (Đà Lạt) - một ngồi trường Tây sang trọng dành cho con em của các gia đình quyền quý thời bấy giờ. Chính tại ngôi trường này, cô đã gặp rồi yêu ông thầy dạy Triết và Việt Văn lớn hơn mình 11 tuổi có tên Lê Văn Lộc (tức nhạc sĩ Lê Uyên Phương sau này). Có thể coi âm nhạc đã làm nên duyên phận cho họ gặp nhau khi một lần Lê Uyên cùng bạn học đến lữ quán Thanh Niên xem hòa nhạc và cô đã cảm thấy bị mê hoặc từ ánh mắt của người nhạc công đang say sưa kéo violon, chính là thầy giáo Lộc. 

Từ hôm ấy, họ bắt đầu làm quen và cũng bắt đầu cho một cuộc tình dài với bao nhiêu cung bậc cảm xúc: Đắm say, khắc khoải đam mê và bi lụy từ cuộc đời đến những sáng tác. Do gia đình ngăn cản mối tình này, Lê Uyên đã phản ứng lại bằng việc uống thuốc ngủ để tự tử nhưng gia đình vẫn bắt cô về Sài Gòn. Vì quá nhớ nhung nên thầy giáo Lê Văn Lộc thường âm thầm xuống Sài Gòn để gặp người yêu. Sau đó, Lê Uyên đã chọn cách có bầu trước để gia đình phải đồng ý. Năm 1968 hai người thành hôn. Nhiều bản tình ca nổi tiếng đã ra đời trong khoảng thời gian hạnh phúc này như: Chiều phi trường, Không nhìn nhau lần cuối, Lời gọi chân mây, Hãy ngồi xuống đây, Vũng lầy của chúng ta, Còn nắng trên đồi, Dạ khúc cho tình nhân... 

“Theo em xuống phố trưa nay đang còn chất ngất cơn say/Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau/Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay/Cho nhau chất hết thơ ngây, trên cánh môi say/Trên những đôi tay, trên ngón chân bước về tình buồn, tình buồn/Yêu nhau giữa đám rong rêu, theo dòng nước cuốn lêu bêu/Đi qua những phố thênh thang, đi qua với trái tim khan/Ði qua phố bước lang thang, đi qua với trái tim khan” (Vũng lầy của chúng ta).

BÊN NHAU NGỌT NGÀO VÀ THƯƠNG ĐAU

Vì Lâm Phúc Anh không muốn dùng tên thật nên lấy nghệ danh là Lê Uyên, cắt từ chữ Lê Uyên Phương. Những nhạc phẩm hai người song ca được gọi Lê Uyên và Phương.Trong những năm đầu cùng nhau đi hát, cặp đôi chỉ giới hạn phạm vi hoạt động của mình trong khuôn viên các trường đại học trước khi chính thức lấy tên Lê Uyên và Phương vào năm 1969, sau lần trình diễn tại quán Thằng Bờm của phong trào Du Ca Việt Nam. Những năm đầu thập kỷ 1970, từ Đà Lạt vào Sài Gòn, Lê Uyên và Phương đã trở thành một hiện tượng của tân nhạc miền Nam - Việt Nam với những ca khúc thể hiện tình yêu mãnh liệt, đắm đuối, dự cảm những hợp tan, đôi khi đến độ bế tắc, tuyệt vọng. Lê Uyên Phương khởi sự viết nhạc từ 1960 với “Buồn đến bao giờ” viết tại Pleiku. Sau này những nhạc phẩm của ông ngày càng mang dấu ấn rõ nét của chính đời sống và câu chuyện tình của mình. “Như hoa đem tin ngày buồn/Như chim đau quên mùa xuân/Còn trong hôn mê buồn tênh/Lê mãi những bước ê chề/Xin cho thương em thật lòng/Xin cho thương em thật lòng/Còn có khi lòng thôi giá băng” (Tình khúc cho em).

Nhạc Lê Uyên Phương không quá ủy mị, não nề nhưng cũng không quá triết lý, trừu tượng, có lẽ chất du ca và nhục cảm là nét nổi bật trong các sáng tác của ông. Với trang phục và phong cách trình diễn đậm chất lãng du Tây Phương , tôi thấy ở Lê Uyên và Phương thấp thoáng hình bóng những nghệ sĩ của thập niên 60-70 với nét đẹp vừa bản năng vừa thánh thiện, vừa hoang dã, vừa đài các như các cặp đôi: John Lenon -Yoko Ono, Bob Dylan - Joan Baez…và cả “chất” của những nhóm nhạc The Carpenters, ABBA… 

Ngoài những tập nhạc đã hoàn thành như “Yêu nhau khi còn thơ”, ”Khi loài thú xa nhau”, “Uyên ương trong lồng”, “ Bầu trời vẫn còn xanh”, “Con người, một sinh vật nhân tạo”, “Biển, kẻ phán xét cuối cùng”, “Trái tim kẻ lạ”, ‘Lục diệp tố”, nhạc sĩ Lê Uyên Phương còn phổ nhạc nhiều bài thơ của các thi sĩ như Nguyễn Xuân Thiệp, Phạm Công Thiện, Thái Tú Hạp, Kim Tuấn, Hoàng Khởi Phong, Huy Tưởng…

Nhiều ý kiến cho rằng những bài hát của Lê Uyên Phương chủ yếu chỉ là những bản tình ca dành cho những cặp tình nhân mơ mộng, có chút bất cần về tương lai và thực tại, tìm về một cõi mộng xa vời… nhưng theo tôi, không một cuộc tình nào lại có thể nằm ngoài thời đại và thân phận của chính người sáng tác. Trong các tình khúc của mình, Lê Uyên Phương ẩn hiện những triết lý cuộc đời và phận người rất sâu sắc với góc nhìn rất Lê Uyên và Phương. Phạm Duy đã viết về Lê Uyên Phương trong hồi ký của mình: “Thời ấy, giữa không khí ngột ngạt của chiến tranh, Trịnh Công Sơn tìm đến những ca khúc phản chiến, còn Lê Uyên Phương thốt lên tiếng nói tuyệt vọng của một thế hệ thanh xuân trong trẻo, muốn được sống để yêu đương trong thanh bình thì lại bế tắc trước thực tại. Họ vùi sâu vào tình yêu mà tìm quên. Họ công khai mong manh, công khai tàn lụi”.

Ca sĩ Lê Uyên chia sẻ, chồng bà sáng tác âm nhạc vì sở thích và tình yêu dành cho nhau. Vì thế, tất cả các tác phẩm âm nhạc ông sáng tác bà thường cảm được rất nhanh. Và chính những tác phẩm âm nhạc của ông đã làm thay đổi cuộc đời bà, biến bà từ một cô tiểu thư đài các thành một nữ du ca sống cuộc đời du mục. Khi nhạc sĩ Lê Uyên Phương mất năm 1999 vì căn bệnh ung thư, ca sĩ Lê Uyên lại tìm đến uống thuốc ngủ để được theo chồng nhưng bất thành. Phải mất khá nhiều năm sau, Lê Uyên mới đủ can đảm trở lại với sân khấu.

Nhà văn Nguyễn Mạnh Trinh cảm nhận về nhạc của Lê Uyên Phương: “Nghe nhạc Lê Uyên Phương, trái tim trẻ hoài, trẻ mãi. Khi tuổi đã lớn, ngẫm nghĩ từ ca từ, lắng nghe từng nốt nhạc, vẫn tìm thấy nhiều điều kỳ thú, mới lạ”.

Có lẽ, sự cộng hưởng ma mị của đôi trai tài gái sắc, vừa rất đời lại vừa rất mơ, qua giọng hát liêu trai, nồng nàn và mối tình đẹp như giấc mộng, dù Lê Uyên và Phương đã có cuộc sống vợ chồng với hai người con gái, nhưng người đời vẫn tụng ca những nhạc phẩm của họ là những ca khúc dành riêng cho những đôi tình nhân bởi sự mong manh, ảo mộng và có lẽ cũng vì thế mà nó vẫn ám ảnh người nghe mãi không thôi, như chính lời ca khúc: “Yêu nhau trong lo âu/Biết bao lần tha thiết nhớ mong/Lá hoa rừng mau xóa đường quay về/Làm ánh sao đêm lẻ loi/Màu tối gương bên đèn soi/Ân tình sâu vẫn trong đời thủy chung” (Dạ khúc cho tình nhân).

VŨ THANH HOA

;
.