Trong trẻo và dịu dàng như sợi nắng ban mai

Thứ Sáu, 31/05/2019, 14:12 [GMT+7]
In bài này
.

Nhận định về văn học thiếu nhi những năm gần đây, hầu hết các ý kiến nhất trí rằng: Dù có rất nhiều hô hào, vận động bởi các cuộc thi viết cho các em nhưng văn học thiếu nhi vẫn chưa khởi sắc. Tác giả thấy viết cho trẻ em khó hơn viết cho người lớn. Khó, vì chuyện của trẻ cũng chỉ bao nhiêu đó, viết không khéo là dễ giẫm lên chân người đi trước: Chuyện học, chuyện chơi, bè bạn, thầy trò và gia đình. Trong thời đại mới, kĩ thuật nghe nhìn đang lấn át văn hóa đọc. Đủ các loại game và clip hấp dẫn dành cho tuổi nhỏ. Viết làm sao đủ lôi cuốn để giữ trẻ lại với trang sách là việc cực kì khó. Về đề tài, khi chuyện thường ngày, chuyện về đời sống thực đã trở nên nhàm chán, người ta chuyển hướng viết về thế giới kì ảo của phù thủy, pháp thuật, ma quỷ. Thành công của bộ sách Harypoter và Doremon đã chứng minh điều đó. Nhà văn Châu Hoài Thanh (Hội VHNT BR- VT), đã từng viết cho thiếu nhi với tập truyện Mưa nắng sân trường cũng thử sức xu thế mới với tác phẩm Thiên đường và bóng tối. Nhưng tôi nghĩ, không thật thích hợp với tạng văn của chị. Bởi thế khi chị trở lại với chuyện đời thực cho các bạn nhỏ bằng SỢI NẮNG BAN MAI, với câu chuyện được chia thành nhiều mục nhỏ để dễ đọc, dễ nhớ, tôi háo hức đọc ngay và thấy mình đã không nhầm.

SỢI NẮNG BAN MAI viết về tuổi thơ của cậu bé Lâm với 2 giai đoạn. Đoạn đầu ở vùng cửa biển nghèo với 2 người bạn cũng nghèo như gia đình mình. Giai đoạn 2 ở nơi phố thị cùng những người bạn mới bắt đầu trưởng thành. Trong cả 2 giai đoạn là những câu chuyện chân thực và sinh động về chuyện chơi chuyện học, là những lỗi lầm và những bài học quý giá về tình cảm gia đình và tình bạn bè. Lâm là con trong một gia đình nghèo, ba mẹ làm công nhân xưởng gỗ. Mấy bạn của Lâm cũng chẳng khá gì hơn, Phong có ba thường xuyên say rượu và bé Ni chỉ có mẹ mà thiếu ba. Với hoàn cảnh nghèo khó như vậy, 3 đứa trẻ chỉ có thể chơi đồ hàng, đẩy xe hay trò “trượt tuyết”. Người ta thường nói trẻ con bây giờ quá sướng, bởi dù cha mẹ có nghèo thì cái xe ô tô bằng nhựa vẫn là thứ đứa nào cũng có thể có. Vậy mà nó là mơ ước khó lòng với tới của Lâm. Cũng chính vì thiếu đồ chơi mà dẫn tới những trò chơi nguy hiểm gây tai nạn. Và sự thiếu thốn của con đánh thức trách nhiệm làm cha của ba Lâm. Chuyện trở thành kỉ niệm nhớ đời của cậu bé. Đó là việc cái khó ló cái khôn, ba Lâm đã sáng tạo làm cho con cái xe đồ chơi bằng lon sữa bò rồi sau đó còn làm cho cả bạn của con nữa. Một chi tiết nhỏ nhưng đủ găm trong lòng bạn đọc về tình thương con, tình bạn bè của bọn trẻ chiến thắng tính ích kỉ trong việc chơi chung đồ chơi của chúng. Còn nhiều kỉ niệm đáng nhớ về những ngày trú bão, về chú chó chiến binh và bầy con của nó, về cô em gái mới ra đời và tình cảm anh em ruột thịt, về gia đình bạn Phong và bé Ni. Những chuyện đời thường về con trẻ ta có thể gặp ở bất cứ gia đình lao động nghèo nào nhưng dưới ngòi bút của tác giả, các chi tiết mang tính logich được xếp đặt một cách khéo léo cùng ngôn ngữ giản dị, biểu cảm khiến cho câu chuyện trở nên thêm nhiều hấp dẫn.

Nghịch ngợm phá phách của trẻ con là chuyện ở đâu cũng có, truyện viết cho thiếu nhi nào cũng là phần không thể thiếu, nhưng những trò nghịch ngợm của Lâm và lũ bạn, kể cả bạn hồi nhỏ và bạn đã đi học đều là những chuyện dễ thương, vừa tạo lôi cuốn, vừa đánh thức tình yêu, trách nhiệm không chỉ tụi nhỏ mà cho cả người lớn nữa. Và dù nghịch ngợm nhưng tụi nhỏ cũng là những đứa trẻ rất tình cảm. Lâm dù lên phố ở đã lâu vẫn luôn nhớ về 2 bạn thuở ấu thơ, Ni theo mẹ ra nước ngoài vẫn gửi hình và viết thư để lại cho 2 bạn. Lòng mến thương dành cho ba mẹ và người lớn cũng như tình cảm bạn bè, những rung động đầu đời của tuổi mới lớn ...được tác giả thể hiện rất chăm chút và tài năng.

Mong rằng cố gắng của tác giả và chút trong trẻo dịu dàng của SỢI NẮNG BAN MAI được các bạn nhỏ và cả các bậc phụ huynh đón nhận.

HỘI AN

;
.