.

Nhạc Sĩ Bắc Sơn: "Dạo quanh khung trời kỷ niệm"

Cập nhật: 09:20, 21/06/2019 (GMT+7)

Nhắc đến nhạc sĩ Bắc Sơn, người yêu nhạc Việt nhớ đến những sáng tác đậm phong cách dân ca Nam Bộ như: Mùa bông điên điển, Sa mưa giông, Em đi trên cỏ non, Bông bí vàng... 

Ca sĩ Bích Thủy (trái) và nghệ sĩ Hạ Châu bên tượng sáp của cha - nhạc sĩ Bắc Sơn.
Ca sĩ Bích Thủy (trái) và nghệ sĩ Hạ Châu bên tượng sáp của cha - nhạc sĩ Bắc Sơn.

Nhưng có lẽ ca khúc nổi bật nhất là “Còn thương rau đắng mọc sau hè”. Nhiều giọng ca gắn tên tuổi của mình với ca khúc nổi tiếng này: Hương Lan, Như Quỳnh, Phi Nhung, Cẩm Ly, Uyên Trang, Hiền Thục, Phương Mỹ Chi, Hồ Văn Cường… Vì vậy, trong nhiều chương trình, ca khúc này luôn được ca sĩ và nhà tổ chức lựa chọn để thể hiện: “Nắng hạ đi/Mây trôi lang thang cho hạ buồn/Coi khói đốt đồng, để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng/Ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần/Biểu cậu ngồi mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau…”.

NGHỆ SĨ ĐA TÀI

Nhạc sĩ Bắc Sơn tên thật là Trương Văn Khuê, SN 1931 tại Long Thành (Đồng Nai). 8 tuổi, Trương Văn Khuê mới được gặp cha và được ông đặt tên là Bắc Sơn, trước khi ông vào chiến khu tham gia chống Pháp. Lúc 21 tuổi, chàng thanh niên Trương Văn Khuê vì theo cha đi làm “quốc sự” đã bị Phòng Nhì Pháp bắt ở Dầu Tiếng (Tây Ninh), rồi tra tấn suốt 2 tuần, đến nỗi tóc bạc trắng. Từ đó, tóc của Bắc Sơn không bao giờ đen lại. Sau khi được trả tự do, Bắc Sơn lang thang khắp các tỉnh Đông Nam Bộ để dạy học suốt 25 năm, rồi về Sài Gòn học nhạc với các nhạc sĩ Võ Đức Thu, Võ Đức Tuyết và Nghiêm Phú Phi. Năm 1974, ông cùng Ba Vũ, nhà thơ Kiên Giang, nhà văn Sơn Nam thực hiện chương trình “Quê ngoại” trên Đài Truyền hình Sài Gòn chuyên phát những vở kịch ngắn 45 phút. Ông phụ trách phần viết kịch bản và viết nhạc nền, trong đó vở kịch “Bếp lửa ấm” có nhạc nền là ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè”. 

Những người yêu điện ảnh Việt hẳn còn nhớ nam diễn viên có mái tóc, chòm râu trắng như cước, trông rất nghệ sĩ và phúc hậu - đó chính là diễn viên Bắc Sơn. Ông góp mặt trong khoảng 60 bộ phim. Một số vai diễn của ông được khán giả yêu mến như Sĩ (phim Xa và gần), Năm Ngưu (phim Vùng gió xoáy), Hai Bạc Liêu (phim Người tìm vàng), ông Tư (phim Con chó nghèo).... Ông đoạt giải “Diễn viên xuất sắc” tại Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 9 với vai Năm Ngưu. Ông còn là tác giả của khoảng 80 kịch bản phim. Nghệ sĩ Bắc Sơn được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1997.

CUỘC SỐNG RIÊNG VIÊN MÃN

Phu nhân nhạc sĩ Bắc Sơn là nhà thơ Bích Ngọc, sinh ra và lớn lên tại Phước Tỉnh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thuở nhỏ, bà say mê văn thơ nên khi lớn lên, gặp gỡ và thành hôn với nhạc sĩ Bắc Sơn, bà bắt đầu sáng tác. Hàng trăm bài thơ của bà viết về miền quê Phước Tỉnh với nhiều ký ức tuổi thơ. Nhiều bài thơ lay động tâm hồn người đồng điệu, trong đó bài thơ “Tháng mấy em về” đã được chồng bà phổ nhạc, ca sĩ Hương Lan thể hiện đầu tiên, thu hút số đông khán thính giả yêu thích. Ông bà có 9 người con. Ca sĩ Bích Thủy (người con thứ 9) tâm sự, mẹ là điểm tựa vững vàng cho gia đình để cha chị yên tâm sáng tác và tham gia đóng phim. Có những bộ phim, cha đi biền biệt mấy tháng dài, ở nhà một mình mẹ chăm sóc, nuôi dạy anh chị em cô ăn học mà không một lời than vãn. Nhờ vốn liếng thơ ca nên bà đã truyền niềm say mê văn thơ và âm nhạc cho các con. “Tôi nhớ hoài lời mẹ dạy là sống phải hiếu hạnh để xứng đáng là con của ba Bắc Sơn. Mẹ tôi rất trân quý những sáng tác của ba, vì bà là người đầu tiên được ông chia sẻ, lắng nghe những góp ý để những sáng tác đó đi vào lòng công chúng”, Bích Thủy chia sẻ. 

Trong một lần trả lời phỏng vấn vào năm 2005, nhạc sĩ Bắc Sơn cho biết: “Tôi thích viết bài hát mang âm hưởng dân ca miền Nam bởi tôi là dân Nam Bộ. Thể loại này lạ lắm: tân không ra tân, cổ không ra cổ. Tôi cùng các nhạc sĩ Thanh Sơn, Vũ Đức Sao Biển đã có một thời gian nghiên cứu cổ nhạc và cùng thẩm thấu”. Nhưng nhạc phẩm mà ông tâm đắc nhất là những bài viết về Mẹ: “Mọi cảm xúc để tôi sáng tác cứ tự nhiên mà đến, tôi nghĩ sao thì viết vậy. Ở bài “Mẹ ngồi sàng gạo”, tôi thấy mẹ ngồi sàng gạo trên những bậc thềm đá ong mòn nhẵn dấu chân, trông mẹ cô đơn đến tội. 2 năm sau khi mẹ mất, tôi không viết nổi một bài hát về mẹ, không dám viết thì đúng hơn. 

Vừa rồi tôi mới viết bài Đêm nằm nhớ mẹ: “Mẹ tôi mặc áo vá vai, vai bạc màu/Mẹ tôi ngồi sàng gạo thềm rêu, bậc thềm rêu/Gió bay bụi cám lên trời/Gió đưa bụi cám vào đường đời tôi đi/Nhiều khi xa xót, xót xa thương mẹ quê/Cô đơn sớm trưa ngồi sàng gạo xưa thềm xưa (Mẹ ngồi sàng gạo).

Ngày 23/2/2005, sau thời gian điều trị căn bệnh ung thư phổi, nhạc sĩ Bắc Sơn đã ra đi mãi mãi. Ông để lại cho đời khoảng 500 tác phẩm (ngoài ca khúc còn có nhạc không lời, nhạc bán cổ điển). Riêng tình ca Bắc Sơn có khoảng 300 bài, trong đó có những ca khúc quen thuộc như: Đêm nghe tiếng vọng cổ, Hoa đào năm ngoái, Giấc ngủ trên tay, Gió đưa bông sậy, Còn nghe thương thầm, Con Tư Bến Tre, Mùa bông điên điển... 

Ca từ và giai điệu trong các tác phẩm của nhạc sĩ Bắc Sơn gần gũi, hiền hậu và nghĩa tình như tính cách của tác giả, để những người Việt dẫu xa xứ hay đang sống trên quê hương mình càng thấm thía hơn tình người, tình quê giản dị và dịu ngọt như nồi canh rau đắng của người Nam Bộ: “Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình/Nhớ lũy tre xanh dạo quanh khung trời kỷ niệm/Chợt thèm rau đắng nấu canh…”.

VŨ THANH HOA

 
.
.
.