NGUYỄN ÁNH 9

Nhẹ nhàng như áng mây trôi

Thứ Sáu, 09/08/2019, 08:50 [GMT+7]
In bài này
.

Có một nhạc sĩ sống với một nguyện ước kỳ lạ: được chết bên cây đàn dương cầm ngay tại sân khấu! Đó chính là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, tác giả của những bản tình ca bất hủ như Buồn ơi chào mi, Cô đơn, Không, Bơ vơ, Đêm nay ai đưa em về, Tình khúc chiều mưa… 

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.

BỎ NHÀ THEO ÂM NHẠC VÀ NGHỆ DANH LẠ

Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh sinh năm 1940 tại tỉnh Ninh Thuận, là con út trong một gia đình khá giả có ba người con. Năm 11 tuổi ông vào Sài Gòn theo học trường Taberd đến năm 1954 rồi lên Đà Lạt ở nội trú trường Yersin. Ông tập chơi dương cầm từ nhỏ và trong thời gian học ở Đà Lạt, nhạc sĩ Hoàng Nguyên là người dìu dắt ông vào con đường âm nhạc. Năm 18 tuổi, ông  bỏ nhà ra đi, theo đuổi con đường âm nhạc. Nhiều người ngạc nhiên vì quyết định này. Nhạc sĩ giãi bày: “Tôi hơi bảo thủ trong cảm xúc, quyết liệt nghe theo cảm xúc của mình, dù có nhiều lúc làm người thân phải tổn thương.” Nguyễn Ánh 9 không bao giờ quên cái ngày ông rời khỏi mái nhà, để ngoài tai lời khuyên nhủ lẫn quát mắng của bố mẹ để theo đuổi niềm đam mê âm nhạc: “Bố tôi nghiêm khắc nói rằng, nếu lựa chọn cây đàn, làm ơn hãy bước ra khỏi nhà.” Vì quá thích cây đàn, vì lòng tự ái, ông còn chấp nhận rời xa mối tình đầu để theo đuổi con đường nghệ thuật. Ông sẵn sàng đón nhận cuộc sống bươn chải, thiếu thốn của người nhạc công lặng lẽ…

Qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, Nguyễn Ánh 9 được vào tham gia chương trình Tuổi Xanh của Đài phát thanh Sài Gòn và Đài phát thanh Đà Lạt. Ông cũng cộng tác với chương trình Tiếng hát sinh viên do Duy Trác thực hiện. Từ đó, Nguyễn Ánh 9 đi khắp nơi biểu diễn dương cầm ở các bar, các nhà hàng nổi tiếng và những ban nhạc thanh niên. Vợ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vốn là một vũ công tên là Ngọc Hân ông quen biết trong thời gian làm tại vũ trường Anh Vũ. Hai người kết hôn vào năm 1965 sau khi ông đã nhờ mẹ năn nỉ với bố cho quay về nhà cũng như xin phép được lấy vợ. Vợ chồng Nguyễn Ánh 9 - Ngọc Hân có với nhau hai con trai là nhạc sĩ Nguyễn Quang và Nguyễn Đình Quang Anh  cũng đều theo con đường âm nhạc.

Vì mến mộ nhạc sĩ nên có khá nhiều giai thoại chung quanh nghệ danh “số 9” của ông. Có những đồn đoán, nghệ danh này do người yêu đầu tiên đặt cho ông. Bởi tên thật Nguyễn Đình Ánh hơi dài, mà Nguyễn Ánh lại trùng tên với vua Gia Long. Vì thế, tình đầu đã thêm số 9 sau tên của ông như một con số may mắn theo quan niệm của người phương Đông. Nhưng nhạc sĩ giải thích rằng số 9 trùng hợp với số ký tự tên họ của mình và rơi vào ngày ông lấy vợ nên đã lấy nghệ danh này. Nó đánh dấu sự chuyển mình trong sự nghiệp của ông: Từ một nhạc công chuyển sang nhạc sĩ sáng tác. 

 Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, cùng con trai Nhạc sĩ Nguyễn Quang trong đêm nhạc  “Kỷ Niệm” tại Hà Nội năm 2015.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, cùng con trai Nhạc sĩ Nguyễn Quang trong đêm nhạc “Kỷ Niệm” tại Hà Nội năm 2015.

DANH CẦM VÀ NHẠC SĨ LỪNG DANH

Nguyễn Ánh 9 có vẻ ngoài luôn khiêm nhường, lặng lẽ. Nhưng khi ngồi xuống cây đàn dương cầm, lướt ngón tay trên hàng phím đen trắng, lập tức gương mặt người nghệ sĩ bừng lên niềm đam mê mãnh liệt, niềm hạnh phúc cả đời ông nâng niu, trân quý. Quả vậy, nhiều người vẫn lầm tưởng người nghệ sĩ luôn mong manh, yếu đuối trước những thử thách của cuộc đời nhưng nếu đặt họ đúng vị trí của mình, họ có thể tạo nên sự lan tỏa rộng lớn như những đợt sóng trào bởi sự đồng điệu kết nối từ sâu thẳm trái tim và tâm hồn. 

Nguyễn Ánh 9 bắt đầu sự nghiệp viết nhạc một cách rất tình cờ trong một chuyến đi Nhật biểu diễn cùng ca sĩ Khánh Ly. Sau buổi diễn tại hội chợ Ōsaka, khi cùng với Khánh Ly đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, nhạc sĩ mang vẻ mặt khá buồn, Khánh Ly lên tiếng hỏi: “Còn thương nó không bạn?”, ý muốn hỏi về một người bạn gái quen biết Nguyễn Ánh 9 vào thời đó. Sẵn cây đàn ghi-ta trên tay, Nguyễn Ánh 9 gảy ngay rồi cất tiếng hát: “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa...”. Đến khi trở về Việt Nam, Khánh Ly đề nghị ông viết thành hẳn một nhạc phẩm và “Không” là bài hát mở đầu cho sự nghiệp sáng tác của ông: “Không ! Không !Tôi không còn yêu em nữa/Không! Không ! Tôi không còn yêu em nữa em ơi/Tình mình có nghĩa gì đâu/Tình mình đã lắm thương đau/Tình mình gian dối cho nhau/Thôi đành hẹn lại kiếp sau” (Không)

Chỉ nghe các nhạc phẩm cũng có thể thấy Nguyễn Ánh 9, có thể thấy phần nào con người ông sống thiên về tình cảm. Mà người sống lụy tình thường nhận về những nỗi đau, bởi vậy nhạc của Nguyễn Ánh 9 thường nói về những mất mát, tan vỡ và chia xa. Nỗi buồn trong nhạc Nguyễn Ánh 9 tuy xa xót đến tận cùng, sầu muộn đến tận cùng nhưng vẫn toát lên nét sang trọng, phóng khoáng có phần kiêu hãnh, có thể đây chính là điểm sáng của nhạc Nguyễn Ánh 9 so với những bi lụy, than thở tiếc nuối của trào lưu khúc tình buồn cùng thời. Trong ký ức các danh ca, Nguyễn Ánh 9 là một “danh cầm” bởi ngón đàn điêu luyện của ông có thể đưa các giọng hát thăng hoa như Khánh Ly, Thái Thanh, Thanh Thúy và sau này là Ánh Tuyết, Quang Hà... Danh ca Khánh Ly gọi Nguyễn Ánh 9 là người bạn đặc biệt. Bà kể rằng Nguyễn Ánh 9 là người sống rất chân tình, khiêm tốn. Cho tới những năm cuối đời, Nguyễn Ánh 9 vẫn khẳng định mình muốn mọi người biết đến như một nghệ sĩ dương cầm hơn là một nhạc sĩ sáng tác. Dấu ấn của cây đàn dương cầm trong các tác phẩm của Nguyễn Ánh 9 rất rõ. Nghe các bài Không, Buồn ơi ta xin chào mi hay Mùa thu cánh nâu là thấy lối hòa âm dựa trên đàn phím, mềm mại nhưng rất chặt chẽ về cấu tứ ca khúc. Nhạc của Nguyễn Ánh 9 ảnh hưởng phương Tây nhưng vẫn đậm chất Việt trong giai điệu và ca từ đầy dịu dàng, ý nhị, bao dung: “Đêm nay ai đưa em về/Đường khuya sao trời lấp lánh/Đêm nay ai đưa em về /Mắt em sao chiếu long lanh../Đêm mai ai đưa em về/Mình em trên hè phố vắng/Đêm mai ai đưa em về/Mắt em lệ ướt long lanh/Đêm mai không ai đưa về/Người ơi xin đừng hờn dỗi/Đêm nay cô đơn đi về/Xin người hãy nhớ tình tôi” (Ai đưa em về)

Sau một thời dài chịu dựng căn bệnh viêm phổi, suy tim, tháng 4 năm 2016 nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời tại Bệnh viện Đại học Y-Dược Thành phố Hồ Chí Minh để lại bao tiếc nuối cho người ái mộ và một chỗ khuyết bên cây đàn dương cầm thổn thức hàng đêm nhưng tôi tin là ông cảm thấy thanh thản, hạnh phúc vì những cống hiến đẹp đẽ của mình cho người, cho đời: “Hạnh phúc như đôi chim uyên, tung bay ngập trời nắng ấm/Hạnh phúc như sương ban mai, long lanh đậu cành lá thắm/Tình yêu một thoáng lên ngôi, nhẹ nhàng như áng mây trôi/Dịu dàng như ánh trăng soi, êm êm thương yêu dâng trong hồn tôi” (Cô đơn)

VŨ THANH HOA

 
;
.