Tháng Tám mùa Thu...

Thứ Sáu, 02/08/2019, 07:54 [GMT+7]
In bài này
.

Trong các mùa trong năm, mùa Thu có lẽ là mùa dễ đem đến cho lòng người nhiều cảm xúc nhất. Tháng Tám mùa Thu với chút gió heo may lành lạnh, chút nắng vàng, những chiếc lá chao nghiêng, mùi hương hoa trái nhẹ nhàng… và nhiều lắm những mơ màng, lãng đãng luôn làm xao động trái tim người nghệ sĩ. Vì vậy, mùa Thu cũng thành đề tài hấp dẫn cho thi ca, nhạc họa. 

Ca sĩ Hồng Nhung - một trong những người thể hiện thành công các ca khúc về mùa Thu.
Ca sĩ Hồng Nhung - một trong những người thể hiện thành công các ca khúc về mùa Thu.

Dường như các nhạc sĩ tên tuổi như Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Đặng Thế Phong, Phú Quang, Hoàng Hiệp, Việt Anh… đều có một hoặc nhiều nhạc phẩm viết về mùa Thu. Và những ca khúc về mùa Thu luôn có khả năng làm lay động lòng người, khiến cho mỗi độ Thu về, người ta lại ngân nga cất lên những lời ca như thể đó chính là âm thanh cần có giữa buổi đất trời vào thu.

Được nhắc đến và hát lên nhiều nhất mỗi độ Hè tan, Thu đến có lẽ là những câu hát đầu tiên trong bài “Có phải em mùa thu Hà Nội” của Trần Quang Lộc, phổ thơ Tô Như Châu: “Tháng Tám mùa Thu, lá khởi vàng chưa nhỉ, từ độ người đi thương nhớ âm thầm”. Hát về mùa Thu Hà Nội nhưng ca khúc này lại khắc họa được những nét đặc trưng của mùa Thu khắp nơi, cũng như thể hiện được những cảm xúc nhớ thương, mong đợi, hy vọng, tự hào của mọi trái tim yêu bằng những giai điệu tinh tế thiết tha nên gần nửa thế kỷ qua, bài hát vẫn làm rung động trái tim của bao người yêu nhạc.

Nhắc tới mùa Thu là nhắc tới sắc vàng và màu vàng xuất hiện dày đặc nhất trong các ca khúc chính là những chiếc lá: “Thu đi cho lá vàng bay/Lá rơi cho đám cưới về/Ngày mai người em nhỏ bé/Ngồi trong thuyền hoa/Tình duyên đành dứt…/Nhưng mỗi mùa Thu chiếc lá vàng bay về cuối trời/Thuyền tình không bến đỗ người ơi!Nhớ nhau đành tìm trong tiếng hát/Đời vắng em rồi vui với ai” (Lá đổ muôn chiều - Đoàn Chuẩn). 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - người chuyên sống ở nơi chỉ có hai mùa mưa và nắng cũng đã có hàng chục bài hát nhắc đến hình ảnh chiếc lá mùa Thu:“Nhìn những mùa Thu đi/Em nghe sầu lên trong nắng/Và lá rụng ngoài song/Nghe tên mình vào quên lãng/Nghe tháng ngày chết trong Thu vàng” (Nhìn những mùa Thu đi) hay “Hà Nội mùa Thu/Cây cơm nguội vàng/Cây bàng lá đỏ/Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ/Mái ngói thâm nâu” (Nhớ mùa Thu Hà Nội). 

Những sợi nắng tơ vàng của mùa Thu cũng đẹp mơ màng, là màu nắng ấm trong ca khúc “Hoài Thu” của nhạc sĩ Văn Trí: “Nắng đây vẫn là nắng ấm/Mùa Thu thương nhớ mơ màng/Gió Thu về đây mơn man/Hồ Thu xanh biếc tràn lan”.

Là màu nắng lóng lánh như thủy tinh trong nhạc Trịnh Công Sơn: “Chiều đã đi vào vườn mắt em/Mùa Thu qua tay đã bao lần/Ngàn cây thắp nến lên hai hàng/Màu nắng bây giờ trong mắt em” (Nắng thủy tinh). 

Màu vàng của mùa Thu còn xuất hiện ở những bông hoa cúc rực rỡ trong thơ Xuân Quỳnh, được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành ca khúc Thư tình cuối mùa Thu: “Cuối trời mây trắng bay/Lá vàng thưa thớt quá/Phải chăng lá về rừng/Mùa Thu đi cùng lá/Mùa Thu ra biển cả/Theo dòng nước mênh mông/Mùa Thu vàng hoa cúc/Chỉ còn anh và em/Là của mùa Thu cũ/Chỉ còn anh và em”. 

Ngoài sắc vàng của cỏ cây, hoa lá đất trời, mùa Thu còn mang sắc vàng của lòng người. Cái màu vàng tàn phai, héo úa, phân ly, hiu hắt sầu thương ấy là chủ đề chính trong các ca khúc về mùa Thu. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ năm 1939, nhạc sĩ Văn Cao đã viết trong sáng tác đầu tay: “Nghe bước chân người sương gió/Xa dần như tiếng Thu đang tàn/Ôi người gió sương em mơ thương ai bao lần/Và chờ tin hồng đến/Đêm mùa Thu chết” (Buồn tàn Thu). Gần 30 năm sau, nhạc sĩ Phạm Duy, khi phổ thơ Guillaume Apollinaire đã đặt tên cho ca khúc của mình bằng cụm từ “Mùa Thu chết”. Bài hát đã lấy đi nước mắt của bao người khi miêu tả sự chờ đợi tuyệt vọng, nỗi thương nhớ nuối tiếc mùa Thu và tình yêu bằng những ca từ thiết tha day dứt: “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo/Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi/Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo/Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em/Vẫn chờ em, vẫn chờ em, vẫn chờ…Vẫn chờ... đợi em”. 

Bởi vì mùa Thu luôn là mùa của chia ly, xa cách, dở dang và buồn thương “Mùa thu lá bay anh đã đi rồi/Vỡ tan ôi bao giấc mộng lứa đôi/Giờ đành lìa xa thế nhân sầu đau/Hẹn anh kiếp sau ta nhìn thấy nhau” (Mùa Thu lá bay - nhạc Hoa lời Việt). Nên những giọt mưa Thu cũng là những giọt nước mắt buồn của nhân thế: “Ngoài hiên giọt mưa Thu thánh thót rơi/Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi/Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa Thu/Ai khóc ai than hờ!” (Giọt mưa Thu- Đặng Thế Phong). 

Và những nuối tiếc, những hoài niệm về những điều đã qua, những mối tình xưa cũ đã làm nên những giai điệu sâu lắng tuyệt vời nhất trong những nhạc phẩm mùa Thu: “Em ru gì lời ru bao tiếc nuối tiếc nuối một đời ước vọng tàn phai/Em ru gì lời ru cho ngày mai, thời gian có bao giờ trở lại/Em ru gì lời ru cho anh, một đời đam mê, một đời giông tố/Em ru gì cho ta, khi bao ngày phôi pha/Câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng/Thôi đừng hát ru, thôi đừng day dứt/Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa Thu” (Đâu phải bởi mùa Thu - Phú Quang). 

Dù mùa Thu và các nhạc phẩm về mùa Thu có chất chứa bao nỗi sầu chia ly,  dang dở nhưng vẻ đẹp quyến rũ của mùa Thu cũng hấp dẫn như những tình khúc Thu ngọt ngào vẫn luôn khiến cho bao thế hệ người yêu nhạc Việt Nam đắm chìm vào không gian lãng mạn, ngất ngây của nó. Để rồi, mỗi độ đầu Thu, người ta lại thổn thức với câu hát của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn-Từ Linh: “Anh mong chờ mùa thu/Dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai/Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay/Mùa Thu quyến rũ anh rồi” (Thu quyến rũ).

AN AN

;
.