TẢN VĂN

Tơ nhện

Thứ Sáu, 27/09/2019, 09:16 [GMT+7]
In bài này
.

Lâu lâu bà tôi lại bảo: Hôm nào chủ nhật thì tranh thủ khua mạng nhện trong nhà, cháu nhé! Người đời vốn không ưa tơ nhện vì nhiều nhẽ, nhưng có lẽ chủ yếu là do nó thường gợi về cảnh hoang tàn, bần hàn và quẩn quanh. Thực lòng mà nói, chả thích thú gì khi trong nhà có nhện giăng tơ, tơ nhện ở đâu lại bám vào đầu vào vai mỗi lần ra vào hoặc tìm đồ đạc. Vì thế hình thù của những con nhện cũng trở nên gớm ghiếc, nhất là những con nhện to đùng cứ ôm khư khư cái bọc trứng tròn trắng đục dưới bụng. Hồi nhỏ, xem bộ phim truyền hình Tây du kí, tập 21 “Vào nhầm động bàn tơ”, tôi lại càng thấy loài nhện thật kinh sợ. Nhưng rồi chẳng mấy chốc thời gian đã làm cậu bé năm xưa trong tôi dạn dày hơn, tôi bắt cả nhện nghịch, chúng tôi còn đem cả nhện đi nướng hoặc bỏ vào cặp sách trêu bọn con gái. Nhưng nhện vẫn cứ là nhện với chức năng sinh tồn vốn có, và người đời vẫn cứ ghét chúng sinh sôi trong nhà như một lẽ thường tình. Đôi khi, tôi cũng thấy buồn cho loài nhện vì điều đó! Một kiếp bé mọn giữa muôn vàn vạn vật.

Cho đến tận một ngày, khi ngồi một mình ở công viên Hòa Bình, vô tình bắt gặp con nhện lặng lẽ giăng tơ trong bóng chiều, bỗng nhiên tôi lại thấy chạnh lòng, thấy bâng khuâng vương vấn quá. Những sợi tơ từ gan ruột vắt vào không gian, những sợi tơ mắc tròn vào vòng quay của thời gian. Miệt mài như thể quên đi tất cả những đau đớn, khinh bạc để sống, để chờ đợi và hi vọng. Những lúc như thế bảo sao người ta thường hay nghĩ đến tơ duyên trong tình cảnh cô đơn lẻ bóng, bảo sao người ta thấy đồng cảm với những thứ vốn cứ hiện hữu xung quanh mình. Thế rồi như một lẽ tự nhiên, lòng tôi vang vọng âm hưởng da diết của bài dân ca “Con nhện giăng mùng”. Tôi lững thững bước qua những cung đường mặc sương chiều dần buông, hình ảnh con nhện giăng tơ cứ vương theo lời thơ của bài hát “Người về để nhện giăng mùng… Nhớ thương xếp để dạ này bao quên. Người về đến hẹn lại lên”. Hoá ra, cái tình ở đời đôi khi cũng chỉ là sợi tơ mong manh.

Mong manh thế thôi nhưng tơ nhện lại rất dẻo dai trước gió sương. Mạng nhện có thể đùa vui dai dẳng với gió thường, tròng trành với mưa bão, nấn ná với những loài côn trùng, đàn hồi với khói bụi. Nếu muốn biết được những hạt ngọc của vũ trụ, hãy dậy sớm nhìn mạng nhện ở các cành cây, ngọn cỏ, đây đó của đồng lúa xanh. Qua một đêm trời đất giao hòa chan chứa, những hạt ngọc ấy được xâu chuỗi dày đặc trên từng sợi tơ của mạng nhện tạo nên độ “trong ngọc trắng ngà” hài hòa đăng đối. Có lần nhìn những gốc rạ trên cánh đồng đang chờ phơi ải, tôi cứ ngỡ mỗi mạng nhện đang dệt thành những đường kinh vĩ độ của một tiểu hành tinh trong dải thiên hà vô cùng vô tận kia.

Hình như, chính cái mạng nhện ấy cũng đã gợi cảm hứng để Sir Tim Berners - Lee tạo lập các công nghệ cho Mạng lưới toàn cầu, viết tắt là WWW (World Wide Web) vào năm 1989. Và đến hôm nay nó vẫn là một trình duyệt tập hợp các trang web được tìm thấy trên mạng máy tính kết nối Internet cực kì hiệu quả. Chúng ta chỉ cần nhập nội dung cần tìm, Google sẽ cho ra vô vàn các kết quả liên quan ở các trang khác nhau. Cuộc sống quả là phong phú đa dạng và luôn đựng chứa mọi sự bất ngờ. Tôi nghĩ, nếu Isaac Newton không dành thời gian nghỉ ngơi dưới bóng mát của vườn táo thì có thể rất lâu sau mới có Định luật vạn vật hấp dẫn phổ quát đến bây giờ. Thiên nhiên thật kì thú, đôi khi sự vĩ đại của loài người lại bắt đầu từ những điều bé nhỏ mà rất đỗi quen thuộc và bình dị như tơ nhện giăng mắc giữa mênh mông…

VŨ VĂN CƯƠNG

 
;
.