TẠP BÚT

Hãy lựa lời mà nói!

Thứ Sáu, 27/09/2019, 07:50 [GMT+7]
In bài này
.

Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng từng chứng kiến cảnh người tham gia giao thông chửi bới, chì chiết người khác một cách vô tội vạ. Chỉ vì lý do là họ cho rằng chính người ấy vừa có hành động suýt gây ra tai nạn cho họ.

Một lần vào buổi chiều, trên đường đi làm về, phía trước tôi có một em học sinh tiểu học đang đạp xe đạp. Em ấy nhìn xung quanh, thấy đường trống xe, nên nhanh chóng giơ tay báo hiệu để xin qua đường. Lúc em vừa chạy xe đến giữa lộ, một thanh niên đang điều khiển xe gắn máy chạy với tốc độ rất nhanh lao tới. Thấy chiếc xe máy chạy tới, trông em học sinh hoảng hốt. Có lẽ vì sợ xe máy đụng phải nên em liền nhảy xuống xe. Khi ấy, những người trông thấy (trong đó có tôi) đều thấp thỏm “kêu trời”. Cũng may là người thanh niên đó lách xe kịp thời. Lúc vừa lách xe tránh em học sinh, người thanh niên đã nổi giận và buông lời chửi mắng:

- Mày! Mày! Bộ mày muốn chết hả? Mày coi chừng tao đó nghe.

Chửi xong, người thanh niên điều khiển chạy xe đi. Còn em học sinh thì ngồi trên đường, ôm mặt khóc hu hu. Thấy vậy, mọi người đến an ủi và đưa em vào bên lề đường.

Lần khác là vào buổi sáng Chủ nhật. Do hôm ấy là ngày nghỉ nên ở chợ đông người qua lại, mua sắm. Đang mua đồ, bỗng tôi nghe có tiếng ai đó chửi bới om sòm:

- Bà già điên, bộ bà bị điếc hả sao mà không nghe tiếng tôi bóp kèn, bộ bà chán sống rồi hả ?

Tôi quay ra nhìn thì thấy một thanh niên trạc 20 tuổi đang mắng chửi một bà lão lụm khụm chống gậy. Tôi hỏi thăm những người có mặt ở gần đó thì được biết: Chỉ vì bà lão không nghe được tiếng kèn xe nên không tránh đường cho xe chạy. Vì thế mà cậu thanh niên đã buông lời chửi bà…

Từ xưa, ông cha ta đã khuyên dạy rằng “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Dù trong hoàn cảnh như thế nào, dù ai đi chăng nữa, khi giao tiếp chúng ta cần phải “Lựa lời mà nói” cho lịch sự, thể hiện văn hóa trong giao tiếp.

Ngôn ngữ tiếng Việt của chúng ta rất phong phú. Có biết bao nhiêu từ hay, đẹp để chúng ta chọn lựa mà sử dụng. Mặc dù, khả năng sử dụng ngôn ngữ của mỗi người khác nhau, nhưng ít ra chúng ta cũng phải biết phép lịch sự trong giao tiếp, nhất là đối với những người lớn tuổi và trẻ nhỏ. Đó là đạo lý làm người mà bất cứ ai cũng cần phải có.

NGUYỄN VĂN DÔ

;
.