Người cha nuôi

Thứ Sáu, 01/11/2019, 07:11 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là một buổi chiều cuối tuần oi bức. Tôi đứng tại ga Sóng Thần nhìn những chuyến xe đầy khách vun vút lao qua, thầm trách mình chủ quan khi không chịu đi sớm hơn để bây giờ chờ cả tiếng vẫn không vẫy được xe nào dừng lại. Tiếng còi xe sát bên tai khiến tôi quay lại: Một chiếc xe Kia Morning nhỏ nhắn vừa dừng ngay cạnh. Người lái xe thò đầu ra:

- Chị không bắt được xe đúng không? Chị về đâu? Nếu chị về Vũng Tàu, tôi cho chị quá giang.

Trời ơi! Đúng là chết đuối vớ được cọc. Tôi vơ vội cái balo, mở cửa bước lên xe.

- Thật may mắn cho tôi quá! Không có anh, tôi không biết mình phải làm thế nào.

- Dạ, cũng là tình cờ thôi. Tôi dừng lại mua ít đồ. Thấy chị đứng ngồi ở đó, đoán chị không bắt được xe.

- Dạ! Tại tôi chủ quan quá không ngược lên bến, cứ liều  đứng vẫy, thành ra…

- Rất nhiều người bị thế chị à. Thật ra xe có thể thêm vài người nữa nhưng cũng trễ rồi nên có lẽ chúng ta đi luôn. Chị về đến đâu ạ?

- Tôi cũng về Vũng Tàu vì đã hẹn với một vài người bạn. Điện thoại của tôi tự nhiên bị hỏng, mất hết số, không liên lạc với họ để hoãn được. Thế còn anh? Anh về Vũng Tàu du lịch hay thăm nhà?

- Thực ra tôi về Vũng Tàu có việc đặc biệt chị ạ. Không phải là du lịch, cũng không phải là thăm nhà.

- Anh đi công tác hay thăm bạn bè?

- Tôi… tôi đi về thắp nhang cho ba tôi. Hôm nay là ngày giỗ của ba.

Tôi sững người:

- Dạ, xin lỗi anh, tôi vô ý quá. Cụ nhà mất đã lâu chưa hả anh?

- Ba tôi, chính xác là ba nuôi của tôi, mất đã  ba mươi năm rồi chị ạ!

...

Đoạn đường dài, trên xe lại có hai người, hết những câu xã giao, An Bình, tên người thanh niên đã kể cho tôi nghe câu chuyện về người cha nuôi, người đã thay đổi cả cuộc đời anh.

***

Khuya ngày 3/9 năm 82 tại Sài Gòn. Đường vắng. Trời đột ngột đổ mưa. Một người công an dừng lại bên đường. Dưới mái hiên nhà là một cụ già, một phụ nữ và một cháu bé đang ngồi co ro. Cả ba người đều gầy gò. Trên người họ chỉ bám dính một chiếc áo mỏng ướt lướt thướt. Cái lạnh khiến họ run lập cập, nỗi lo sợ bị đuổi bắt làm người phụ nữ càng run hơn khi thấy người công an tiến đến hỏi chuyện. Lau dòng nước mắt, người phụ nữ khẩn khoản: “Chúng tôi là người lương thiện, hàng ngày đi bán vé số, tối về quanh đây tá túc qua đêm. Mong anh thương tình, đừng đuổi chúng tôi đi”. Giọng nói run run của người phụ nữ khiến người chiến sĩ công an chạnh lòng. Anh nhẹ nhàng: “Chị đừng sợ, tôi là Chiến, là công an phường này. Sao chị không nghỉ sớm, tìm chỗ nào kín đáo hơn trước khi trời mưa để bị ướt hết như vậy? ”. “Dạ! Tại mấy ngày lễ, khách đi chơi, đi ăn khuya nhiều nên cả nhà chúng tôi tranh thủ…”  Cậu bé tròn mắt nhìn mẹ và chú công an nói chuyện. Cơn mưa nhẹ hạt, Chiến dặn dò người phụ nữ, rồi chậm chạp đạp xe về, mặt đầy vẻ ưu tư.

Minh họa của: MINH SƠN
Minh họa của: MINH SƠN

Sáng hôm sau, Chiến tìm đến gia đình trú mưa hôm trước. Người phụ nữ nước mắt vắn dài, kể: Chị tên Cẩm, vốn là giáo viên Anh ngữ, chồng chị là sĩ quan chế độ cũ, mất tích từ đầu năm 75. Thằng bé là con chị, sinh ra sau ngày giải phóng Sài Gòn đúng một ngày: ngày 1/5. Gia đình lúc ấy chỉ có một mong ước được an bình nên nó mang cái tên An Bình. Rồi sau đó, cả nhà rời Sài Gòn, đi kinh tế mới ở Tân Thành. Cuộc sống với hai bà mẹ già, một đứa con dại, cùng với sức lực yếu ớt  của người phụ nữ trẻ không quen lao động nặng nhọc thật là khó khăn. Tiền bạc dành dụm đã xài hết. Đồ nữ trang cuối cùng đã bán. Phát cây làm rẫy, cấy thuê, gặt mướn, một tay chị làm không đủ nuôi ba miệng ăn. Mẹ chồng suốt ngày than thở, trách móc. Mẹ ruột liên tục ốm đau. Thằng Bình suy dinh dưỡng. Gánh nặng cuộc đời đã mài mòn nhan sắc của người phụ nữ xinh đẹp. Đó lại là những năm tám mươi đói khổ. Đồng tiền cuối cùng, cất kỹ trong túi mẹ chị cũng hết. Họa vô đơn chí. Mẹ chồng chị lại bị rắn cắn chết. Sau khi chôn cất cho bà, cả nhà đành trở về thành phố lang thang kiếm sống bằng nghề bán vé số, báo dạo để có miếng ăn và chút tiền thuốc thang cho hai bà cháu.

Khi nghe xong câu chuyện của người phụ nữ, lòng người công an vốn khô khan mềm xuống. Anh móc túi cho gia đình chị một ít tiền, dặn họ giữ liên lạc với mình. Anh ra về mà lòng nặng trĩu. Thân hình còi cọc của thằng bé và ánh mắt rụt rè, sợ hãi của nó khiến anh nhớ đến tuổi thơ của mình. Bố mẹ anh đều chết vì bom Mỹ. Anh hiểu và căm thù những tội ác mà bọn giặc Mỹ đã gây ra.

Chiến xin ý kiến và nhờ UBND phường trợ cấp khó khăn, đồng thời vận động bà con trong khu tập thể công an anh đang ở, của ít lòng nhiều giúp đỡ che tạm cho gia đình chị Cẩm căn chòi. Thời điểm ấy, Sài Gòn còn ít nhà cửa, nhiều chỗ cỏ hoang mọc dày nên cũng chẳng mấy ai quan tâm đến căn chòi ba người đang ở. Hàng ngày, chị Cẩm và thằng An Bình đi bán vé số. Thỉnh thoảng Chiến ghé qua thăm hỏi động viên. Tình cảm giữa họ ngày càng gắn bó.

Với An Bình thì chú Chiến là thần tượng. Nó có quần áo lành lặn cũng nhờ chú. Nó có nhà ở cũng nhờ chú, có bạn chơi cũng nhờ Chú. Những hôm bán vé số bị ế chú Chiến mua giúp hoặc vận động anh em đồng đội của chú mua giúp. Chú Chiến dẫn nó đi chơi. chú Chiến làm cho nó đồ dùng học tập. chú Chiến là bộ mặt, là niềm kiêu hãnh của nó. Khi chú Chiến với bộ quân phục cảnh sát xuất hiện, nó quấn lấy chú với nụ cười sáng rỡ, ánh mắt trong veo, thỉnh thoảng lại nhìn ra ngoài mong có người nhìn thấy. Đã hơn một lần nó nói dối khi phải trả lời câu hỏi: Bố mày làm gì? Bố tao là công an! Những đứa trẻ tròn mắt lên nhìn nó ngưỡng mộ. Hồi đó ước mơ lớn nhất và duy nhất của nó là một ngày nào đó sẽ đường hoàng nói câu: Bố tao là công an, mà không phải run run vì biết mình nói dối. Nó vui mừng lỉnh đi khi bắt gặp cảnh chú Chiến hôn mẹ. Nó khấp khởi mong chờ. Cho đến một đêm trăng, nó tình cờ nghe được câu chuyện giữa bà và mẹ.

- Thằng Chiến sao mấy bữa nay ít ghé? Chuyện tụi bây đến đâu rồi?

Bình nhỏm đầu ra nghe ngóng. Đã thành thói quen, hễ cứ nhắc tới tên chú Chiến là nó dỏng tai lên. Tiếng mẹ nó nhỏ quá khiến nó chỉ nghe lõm bõm câu được câu mất.

- … Dù gì thì ảnh cũng là công an, còn con. Ảnh chưa có vợ con gì…con khổ lắm… Má biết mà, người như ảnh ai mà không thương… má không hiểu đâu, với những người như ảnh thì cơ quan là gia đình, tổ chức là bố mẹ… mà  nghe nói mấy bữa rày cơ quan người ta nói… cái gì như là lập trường tư tưởng không ổn định ấy… có thể ảnh phải thuyên chuyển công tác... con cũng không biết là về đâu.

- Trời ơi ! Vậy rồi….rồi sao ..thế nó có nói bao giờ nó đi không?

- Ảnh cũng  có biết đâu mà nói?

Bình còn nhỏ và cũng không nghe rõ những điều bà và má nói nhưng có một điều nó hiểu: Như thế là nó sẽ không được gọi chú Chiến bằng ba. Không được đường hoàng khoe với lũ bạn về người cha công an của mình. Nước mắt nó tuôn ướt gối. Chú ơi! Ba Chiến ơi!

***

Bình lặng thinh một lát như chìm trong hồi ức về tuổi thơ của mình, một lát sau anh chậm rãi nói tiếp:

- Sau đó chú Chiến được điều xuống Vũng Tàu. Thời kỳ đó các tổ chức phản động tuyên truyền về cuộc sống giàu sang bên Mỹ dữ lắm. Tất cả những gia đình có dính dáng tới chế độ cũ đều có suy nghĩ phải ra đi. Đi bằng đường hợp pháp khó thì họ vượt biên. Chú Chiến thường viết thư cho tôi kể chuyện vây bắt tàu vượt biên, nói về những hiểm nguy khi hàng trăm người chen chúc trên những con tàu nhỏ mỏng manh, lênh đênh trên biển hàng tháng trời, không có nước uống đồ ăn, đối mặt với gió, bão, cướp biển. Chú viết rằng chỉ có ngu dốt và lười biếng người ta mới nghèo khổ mãi còn chịu khó làm, chịu khó học chẳng trước thì sau người ta cũng thoát nghèo. Tự ta phải tìm lấy thiên đường cho ta thay vì mơ tới việc có người đã tạo dựng sẵn cái thiên đường đó và vẫy gọi ta tới. Những suy nghĩ của chú thật là mới mẻ và rất nhân văn phải không chị?

- Dạ, quả thực không mấy ai có được những suy nghĩ như vậy… rồi sau đó thì sao. Má anh có lấy được ba nuôi anh không ạ?

- Không, hay nói đúng hơn là chưa kịp chị à.

- Bác mất trong trường hợp nào hả anh?

- Ba tôi mất khi truy cản người vượt biên. Gia đình tôi rất lâu sau mới được một người bạn của ba báo tin. Người đó đã mang nhật ký và lá thư ba viết dở về cho tôi. Không ai công nhận chúng tôi là người thân của ba. Ba chỉ là ba trong ước mơ tuổi thơ của tôi. Gia đình tôi cũng không dám qua lại gia đình bác Vi người thờ cúng cuối cùng của ba nhiều vì ba tôi được truy tặng danh hiệu liệt sĩ, còn chúng tôi ngoài lý lịch có vết đen như thế, hồi đó cũng vẫn còn rất nghèo khó. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhờ vào những lời dạy của ba để mà vượt qua những khó khăn, vươn lên phía trước. May thay, thời nay cuộc sống đã đổi khác nhiều. Tôi thi đậu đại học và sau đó còn được sang Mỹ học Master. Học xong cũng có nhiều công ty giữ tôi ở lại làm việc. Điều kiện sống ở Mỹ tốt hơn ở Việt Nam rất nhiều nhưng tôi vẫn nhớ lời ba tôi: Thiên đường phải do ta xây dựng lên chứ không ai mang tới tặng ta cả. Bao nhiêu năm nay, từ ngày về nước, mỗi năm một lần đúng vào ngày này, tôi lại tìm về thắp hương, thả hoa xuống biển mênh mông, nơi ba mãi mãi ra đi.

Tôi và Bình đứng nhìn những cuộn sóng trắng xô vào đẩy ra  những  chùm hoa. Ngoài xa kia ánh sáng nhạt nhòa từ những ngọn đèn lênh đênh trên các con tàu lớn vẫn giúp những chiếc thuyền câu nhỏ xác định được độ an toàn giữa biển và bờ.

BÙI ĐẾ YÊN

;
.