TẢN VĂN

Tuổi tám mươi của mẹ

Thứ Sáu, 01/11/2019, 07:05 [GMT+7]
In bài này
.

Năm nay mẹ đã bước sang tuổi tám mươi. Mẹ già, già thật rồi! Chỉ mới nghĩ vậy thôi mà lòng chợt thảng thốt. Tháng ngày mẹ ở lại với tôi còn được bao lâu?!

Tuổi tám mươi, mẹ lúc nhớ lúc quên. Có khi phải mất một lúc lâu mẹ mới có thể gọi đúng tên đứa con, đứa cháu của mẹ. Có khi mẹ không nhớ được mình vừa mới để chiếc lược chải đầu ngay đầu giường để rồi cứ đi tìm mãi ngoài bàn uống nước, miệng thì thầm: “Rõ ràng, vừa để ngay đây”. Ấy vậy nhưng những chuyện từ ngày mẹ sinh tôi khó nhọc, lúc tôi lẫm chẫm tập đi đến những tháng ngày tôi dần khôn lớn mẹ lại nhớ rất rõ. Có những chuyện đã xa lắc xa lơ mà mẹ cứ ngồi tỉ tê kể lại cho con cháu nghe cứ như mẹ đang đọc từ cuốn nhật kí cuộc đời của mình vậy. Mẹ cũng chưa bao giờ quên chuẩn bị sẵn ít bánh kẹo mỗi cuối tuần để chia cho mấy đứa cháu nhỏ về chơi. Mẹ quên hết những khó khăn, vất vả sương gió một đời của mình nhưng lại nhớ rất rõ cả những điều tủn mủn của cháu con.

Tuổi tám mươi, tóc mẹ bạc hết cả rồi. Mái tóc đen mượt của mẹ xưa kia giờ đã trắng như mây trời. Mẹ vẫn để dài và vẫn giữ thói quen gội đầu bằng nước lá hương nhu, bồ kết. Khi con dâu hòa xong chậu nước lá cho mẹ, mẹ ngồi xuống, thả tóc xuống chậu, nhẹ đưa chiếc lược chải gỡ tóc. Rồi mẹ múc ca nước thơm mùi bồ kết, hương nhu một tay dội chầm chậm trên đầu, một tay vỗ nhè nhẹ để cho nước thấm đều khắp da đầu, chân tóc. Tôi nhìn mái tóc bạc trắng của mẹ như nhìn thấy cả thời gian trôi. Nhiều lúc thấy tóc mẹ dài, gội đầu khó nhọc, tôi đề nghị mẹ cắt ngắn đi, mẹ lại gạt đi rồi dịu dàng nói: “Cứ để vậy cho mẹ. Mẹ già rồi, cắt ngắn đi coi sao được!”

Tuổi tám mươi, đôi mắt của mẹ không còn được tinh tường như xưa nữa. Nhìn gì mẹ cũng nheo mắt lại khiến cho các nếp nhăn xô lại với nhau, chụm cả về phía hai bên đuôi mắt. Đôi mắt lúc nào cũng đùng đục, nhìn gì cũng mờ nhòa. Mỗi khi mở ti vi lên, mẹ ngồi nghe tiếng, chứ hình có xem được đâu. Một lúc mỏi lưng, mẹ vào giường nằm, mở chiếc đài chạy pin nhỏ bằng bàn tay lên nghe. Mẹ để sát bên đầu, tiếng ca cổ vang lên nhè nhẹ, da diết. Có lúc mẹ cũng mấp máy môi hát theo một đôi câu gì đó. Lúc nào buồn ngủ, mẹ sẽ đưa tay lần nút tắt đi.

Tuổi tám mươi, mẹ ngủ không ngon giấc. Giấc ngủ của mẹ cứ chập chờn, trằn trọc bởi cái lưng đau, cái chân nhức mỏi. Mẹ đi nằm từ sớm, nhưng nằm để đó chứ có ngủ được đâu. Buổi sáng tôi thức dậy đã thấy mẹ dậy từ khi nào rồi. Mẹ ngồi bên hiên cửa chậm rãi quấn tóc vào chiếc khăn vải hình chữ nhật màu nâu sậm rồi vấn khéo léo lên quanh đầu. Xong rồi, mẹ lôi hộp thuốc ra têm trầu. Lá trầu mẹ chẻ làm hai, quết chút vôi tôi vào rồi cuốn lại nhỏ như ngón tay út. Mẹ mân mê quả cau bổ ra làm tư. Mẹ bỏ trầu, cau, thêm một miếng vỏ chay nhỏ, vài sợi thuốc lào vào chiếc cối đồng nhỏ bằng ngón chân cái rồi nghiền. Mẹ cần mẫn, chăm chú như đang làm một việc gì rất quan trọng đến nỗi tôi đến bên ngồi mẹ cũng không hề hay biết. Tôi đỡ lấy chiếc cối nghiền trầu cho mẹ, mẹ nhìn tôi cười, điệu cười móm mém của người già với hàm răng cái mất nhiều hơn cái còn. Dù răng không còn nhiều, mẹ vẫn thích nhai trầu. Con cháu đến chơi cứ có vài quả cau, lá trầu biếu mẹ thì mẹ vui hơn là chúng mua biếu quà này bánh nọ.

Tuổi tám mươi, mẹ hay tủi thân, hay nghĩ ngợi vẩn vơ và lắm lúc cũng muốn được quan tâm vỗ về như con trẻ. Tám mươi tuổi rồi mà mẹ chẳng chịu nghỉ ngơi, cứ sáng ra là lại giành quét cái nhà, cái sân, tưới mấy chậu cây. Rồi có khi mẹ thở dài: già rồi, chẳng giúp được con cháu việc gì cả. Mẹ vui nhất khi mấy đứa cháu ngồi quây bên bà nghe kể chuyện. Mẹ sẽ kể cho chúng nghe rất nhiều câu chuyện cổ tích. Sau mỗi câu chuyện, mẹ lại chầm chậm giảng giải cho các cháu ý nghĩa của nó. Rồi mẹ dặn đi dặn lại các cháu phải biết yêu thương nhau, biết giúp đỡ những người gặp khó khăn, phải biết san sẻ, sống nhân hậu, vị tha,…

Chiều nay, tôi ngồi bên mẹ. Mẹ bảo mẹ thấy nhức mỏi khắp ống chân. Tôi nhẹ nhàng xoa bóp đôi bàn chân cho mẹ. Ôi, đôi bàn chân đã bước khắp làng trên xóm dưới suốt một thời xuân trẻ để gánh gồng nước mắm bán đổi gạo nuôi tôi. Đôi bàn chân khỏe khoắn bấm bùn cõng tôi đến trường trong những ngày mưa gió, khi tôi còn bé. Giờ đây, sao nó mỏng manh đến vậy! Tôi xoa đôi bàn chân mẹ thật nhẹ, chỉ sợ nhỡ mình xoa mạnh một chút sẽ làm vỡ vụn những khớp xương bên trong lớp da mỏng này. Một lúc mẹ đứng lên chầm chậm bước xuống sân. Tôi chợt nghe sống mũi mình cay cay khi nhìn dáng mẹ bước đi xiêu xiêu trong bóng chiều.

TRƯƠNG THÚY

;
.