Từ hạt phù sa đến những hạt buồn

Thứ Sáu, 08/11/2019, 07:30 [GMT+7]
In bài này
.

(Đọc tập thơ Tôi với mùa đông của Lê Huy Mậu - NXB Nghệ An 2019)

Giữa tháng 9 vừa qua, nhà thơ Lê Huy Mậu đã ra mắt tập thơ Tôi với mùa đông, vẫn là những nét rất riêng với âm điệu buồn buồn nhưng sâu lắng.

Hẳn nhiều người còn nhớ trong trường ca Thời gian khắc khoải của nhà thơ Lê Huy Mậu, có đoạn đã được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc thành bài hát Khúc hát sông quê nổi tiếng. Cái âm điệu buồn buồn mênh mang như sóng sông Lam, và người thơ “Xin bắt đầu từ hạt phù sa/Ta cúi nhặt tình cờ bên bờ sông tháng Chạp”. Cho đến tập thơ này, Tôi với mùa đông, vẫn là sự tiếp nối của nỗi buồn đằm thắm ấy. Nỗi buồn phảng phất trong từng câu chữ. Khi là ngày mưa nhớ mẹ, khi là tháng 11 “hạ sơn xuống miền tục lụy” tìm người con gái đâu đó thấp thoáng trong ký ức, khi là cô đơn giữa phố thênh thang hay chật chội, trong quán cà phê mà tiền được trả cho sự im lặng, khi lại là phút sám hối vì phung phí những giờ phút xuân xanh… Có khi, nỗi buồn chẳng nguyên do, thậm chí nhà thơ cũng không ý thức về nó. Chỉ là nó cứ hiển hiện tự thân trong từng câu chữ. Cái nỗi buồn của “chén rượu thì cay”, “chén trà thì chát”, hoặc chỉ là nỗi buồn của thơ. Một niềm u mặc miên man khó diễn tả thành lời. 

Lê Huy Mậu viết nhiều về mẹ, về em - bóng dáng người phụ nữ nào đó, có thể rất gần gũi với nhà thơ nhưng có thể chẳng là ai, hoặc là một người đã trở nên xa vời vợi. Cuộc gặp diễn ra êm ả, hạnh phúc, nhưng rồi nhà thơ kết thúc bằng một giấc mộng: “Thực thì tôi chẳng gặp người nào cả/Thực thì tôi đang nhớ tới một người…”

Người phụ nữ trong thơ Lê Huy Mậu thường mang tính khái quát cao. Ông viết về họ, về nỗi nhớ họ, tình yêu dành cho họ, nhưng cũng chính là viết về những người phụ nữ trong cuộc đời. Họ đều là những người đã đi qua cuộc đời ông và để lại nỗi nhớ nhung khôn nguôi. Họ đều là những người có bàn tay “giống một búp hoa”: “Khi anh cầm lên đôi bàn tay em/Chợt nhói lòng nhớ bàn tay mẹ”.

Yêu, đồng nghĩa với khao khát được yêu. Tháng 3 về, “mùa yêu” nở bung căng tràn khắp trời đất, nhà thơ giục giã người đàn bà của mình hãy đồng hành trong tình yêu. Tháng 11, đêm khuya, gió bấc nhà thơ xuống núi đi tìm một người con gái không biết đang ở nơi đâu… Trong nỗi yêu và nỗi khao khát được yêu đó, ta vẫn thấy hiện hữu một nỗi buồn không sửa sang, một nỗi buồn không hình dạng. Có gì đó vẫn thiếu vắng, vẫn chơi vơi: “Có lẽ nào ta hờ hững với mùa yêu/Đi cạn một đời chưa qua khỏi bụi tre gai”.

Trong Tôi với mùa đông có nhiều bài thơ viết về nhân tình thế thái. Lê Huy Mậu đôi khi kể những chuyện xa xôi như “Nghĩ vụn từ Rô-ma”, “Sơ sài về nước Ý”, đôi khi viết về nhân vật nào đó như Nguyễn Công Trứ, rồi về Tổng thống Mỹ Obama, về đứa cháu nội, về người bác sĩ mới về hưu…, nhưng rốt cuộc lại để nói về chính mình. Thơ ông giàu tính triết lý, nhiều bài bày ra những cảnh tượng, kể những câu chuyện này nọ, nhưng rồi, mặc dù có hay không triết luận cụ thể về vấn đề gì, vẫn nói lên được bao điều ý nghĩa. Và đáng đọc nhất vẫn là những bài thơ viết về chính ông, những bài như lời tự sự: Xin đừng gọi tôi là nhà thơ, Sám hối, Đoản khúc chiều…

Chỉ riêng bài thơ viết về những con chim bị nhà thơ giam cầm đang cất tiếng hót vô tư ngay cả khi bị nhốt, nhà thơ đã nghiệm ra rằng có những tự do không bao giờ bị tước đoạt, dù mất tự do thì chim vẫn thánh thót và bình thản “Cất tiếng hót vô tư làm quà tặng đất trời-Về những con chim không có tự do.

Trong trường ca Thời gian khắc khoải, Lê Huy Mậu có bùi ngùi hỏi như hỏi hư không: “Chẳng biết ta đã ăn ở thế nào với đất/mà đất lở sông ơi!”, và rồi, đi mãi cả cuộc đời sóng gió, quay trở lại vẫn thấy “một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng”. Giờ đây, nhà thơ lại nhận ra giữa một “Đoản khúc chiều”, rằng:“Tôi đi hoài cho tới hôm nay/Đi cạn một đời chưa qua khỏi bụi tre gai!”.

Vẫn là nỗi buồn man mác trong thơ Lê Huy Mậu, vẫn là một “tôi” đang đi tìm chính nó để rồi giật mình nhận ra quá nửa đời vẫn chưa đi hết một dòng sông, vẫn chưa đi qua khỏi bụi tre gai. Cái thảng thốt vu vơ đó đã làm nên một Lê Huy Mậu “khuyết hao” và “đắp bồi rờ rỡ”, một Lê Huy Mậu “vương chút thi nhân”, một Lê Huy Mậu “tôi đang đúng là tôi”, một Lê Huy Mậu “Tôi với mùa đông”. 

PHẠM QUỲNH AN

;
.