Ván bài lật ngửa - Đỉnh cao phim Việt

Thứ Sáu, 15/11/2019, 07:17 [GMT+7]
In bài này
.

Những khán giả ghiền phim Việt không ai là không biết tới “Ván bài lật ngửa” - Bộ phim điện ảnh kể về cuộc đời hoạt động tình báo của anh hùng lực lượng vũ trang đại tá Phạm Ngọc Thảo ở thập niên 80 thế kỷ 20. Trong một thời gian dài, bộ phim đã làm mưa làm gió ở các rạp, sân, bãi chiếu phim. Mãi đến bây giờ khi gần bốn mươi năm đã trôi qua thì đối với lịch sử nền điện ảnh Việt Nam, Ván bài lật ngửa vẫn là một đỉnh cao, một “tượng đài” chưa thể lật đổ cả về chất lượng nghệ thuật cũng như sức thu hút đối với người xem.

Thanh Lan và Chánh Tín trong phim Ván bài lật ngửa.
Thanh Lan và Chánh Tín trong phim Ván bài lật ngửa.

Ván bài lật ngửa là bộ phim đen trắng dài tập đầu tiên của Việt Nam kể từ sau giải phóng do Xí nghiệp Phim Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh (nay là Hãng phim Giải Phóng) sản xuất. Kịch bản bộ phim được đạo diễn Lê Hoàng Hoa (Khôi Nguyên) lấy ý tưởng từ bản thảo cuốn tiểu thuyết “Giữa biển giáo rừng gươm” của nhà văn - chính trị gia Trần Bạch Đằng (Nguyễn Trương Thiên Lý). Bộ phim được làm vô cùng công phu, kỹ lưỡng với rất nhiều cảnh quay hoành tráng ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam, Lào, Campuchia. Ra mắt tập đầu tiên vào năm 1982, bộ phim lập tức gây chấn động khán giả đương thời và càng các tập về sau, bộ phim càng gây bão. Nhiều vùng quê, mỗi khi một tập phim mới được công chiếu có hàng ngàn người xếp hàng từ sớm, chen chúc nhau để có được chỗ ngồi tốt nhất. Suốt mấy năm trời, khán giả mê phim Việt dường như chỉ tập trung ngóng đợi, bàn tán về các tập tiếp theo của bộ phim. Không chỉ chiếm được cảm tình của khán giả, phim cũng được các nhà chuyên môn đánh giá cao và đã giành giải đặc biệt tại Liên hoan phim lần thứ 6 (năm 1983), Bông sen bạc và nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim lần thứ 7 (năm 1985). Làm nên thành công cho Ván bài lật ngửa, ngoài tài năng của biên kịch và đạo diễn, thì phải kể đến công sức đóng góp của nhiều diễn viên tài năng như Chánh Tín, Thanh Lan, Lâm Bình Chi, Cai Văn Mỹ, Phan Hiền Khánh, Thúy An, Thương Tín… Trong đó công đầu đương nhiên thuộc về 2 nam nữ diễn viên chính, Chánh Tín và Thanh Lan.

NGUYỄN CHÁNH TÍN VÀ VAI DIỄN ĐỂ ĐỜI NGUYỄN THÀNH LUÂN

Không nhiều diễn viên nổi tiếng mà tên tuổi lại chỉ gắn với một vai diễn như Chánh Tín. Nhân vật Nguyễn Thành Luân đã để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm trong lòng khán giả nhiều thế hệ. Nói đến Chánh Tín, người ta nhớ ngay đến Nguyễn Thành Luân và ngược lại. Không một diễn viên nam nào sau này, kể cả các ngôi sao nổi tiếng thời hoàng kim của điện ảnh như Thương Tín, Lý Hùng, lại được ái mộ như Chánh Tín. Vai diễn Nguyễn Thành Luân tưởng như được “đo ni đóng giày” cho Chánh Tín nhưng thực ra ban đầu đoàn phim đã chọn một diễn viên khác, thậm chí đã quay xong cả tập. Tuy nhiên sau khi xem thử, biên kịch Trần Bạch Đằng cảm thấy chưa ưng ý và ông đã quyết định chọn Chánh Tín, lúc này chỉ là một ca sĩ và diễn viên “tay ngang” thay thế. Vai chính trong phim là một nhà tình báo hoạt động trong lòng địch, có ngoại hình đẹp, mưu trí, thông minh, lịch thiệp có tài bắn súng bách phát bách trúng, giỏi võ nghệ và có nhiều tài lẻ. Trải suốt 8 tập phim lại là những màn đấu trí, đấu võ, rượt đuổi vô cùng căng thẳng, phức tạp. Đây là một thử thách không nhỏ đối với bất kỳ diễn viên nào. Chính vì vậy khi mới đọc kịch bản, Chánh Tín đã từ chối vì sợ không hoàn thành được vai diễn nặng ký này. Thế nhưng sau khi nhận vai, Chánh Tín đã hóa thân trọn vẹn vào vai diễn chứng tỏ được tài năng và bản lĩnh của một nghệ sĩ bẩm sinh. Gương mặt đẹp lãng tử, mái tóc bồng bềnh, sống mũi cao, đôi mắt sâu và hàng ria mép đầy nam tính, cùng với chiếc áo măng tô, mũ phớt lịch lãm, phong thái điềm tĩnh, từ tốn trong từng cử chỉ, lời nói, từ ngoại hình cho đến tính cách, phong thái của Chánh Tín đều vô cùng phù hợp với nhân vật nhà tình báo tài hoa Nguyễn Thành Luân. Chánh Tín - Nguyễn Thành Luân trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của nam giới. Rất nhiều khán giả thời đó đã lấy tên Nguyễn Thành Luân đặt tên cho con, cháu họ. Với vai diễn Nguyễn Thành Luân, Chánh Tín đã góp phần lớn vào thành công của bộ phim và cũng chỉ với một vai diễn này mà tên tuổi Chánh Tín sống mãi trong lòng khán giả suốt nhiều thập niên sau.

CA SĨ THANH LAN VAI NỮ ĐIỆP BÁO THÙY DUNG

Nếu như hầu hết khán giả nữ bị chinh phục bởi vẻ đẹp lãng tử của Chánh Tín thì hầu hết khán giả nam cũng bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp, sự mạnh mẽ và duyên dáng của Thanh Lan, vai nữ chính Thùy Dung, vợ nhà tình báo Nguyễn Thành Luân, một nữ điệp viên tình báo thông minh, bản lĩnh, luôn sát cánh hỗ trợ người chồng, người đồng chí tài giỏi của mình trong những tình huống khó khăn.

Vai diễn Thùy Dung đến với Thanh Lan cũng như một định mệnh, khi năm 1984 diễn viên Thúy An, người đóng vai Thùy Dung ở tập 2 Quân cờ di động và tập 3 Phát súng trên cao nguyên, mang thai, không thể đóng tiếp vai diễn trên vì phim có nhiều cảnh hành động, căng thẳng và nguy hiểm. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã nhớ tới Thanh Lan. Nếu như hầu hết các vai chính lúc ấy đều là những diễn viên tay ngang mới nổi thì Thanh Lan từ lâu đã là một diễn viên, ca sĩ danh tiếng. Ngay từ thập niên 70, nhờ giọng hát trong trẻo, ngọt ngào, ngoại hình đẹp, duyên dáng với cặp mắt đen sinh động, nốt ruồi duyên và nụ cười tươi sáng cùng khả năng diễn xuất tự nhiên, Thanh Lan đã thành công trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Cô được trao danh hiệu “Nữ tài tử đẹp nhất Sài Gòn” ngay từ năm 1974 và được tôn vinh là nữ hoàng âm nhạc, điện ảnh và cả sân khấu của Sài Gòn. Nhờ diễn tròn vai Thùy Dung, nên sau tập 4 Cơn hồng thủy và Bản tango số 3, đạo diễn đã quyết định Thanh Lan sẽ tiếp tục là Thùy Dung của Ván bài lật ngửa trong các tập về sau, bao gồm: Trời xanh qua kẽ lá, Lời cảnh cáo cuối cùng, Cao áp và nước lũ, Vòng hoa trước mộ… Các tập phim này đều tạo những cơn địa chấn lớn, trở thành những phim ăn khách nhất trong năm của điện ảnh Việt. Nhờ đóng Ván bài lật ngửa mà nhiều diễn viên tay ngang trở thành diễn viên chuyên nghiệp, thậm chí ngôi sao điện ảnh sau này, còn Thanh Lan cũng được mời tham gia vào rất nhiều bộ phim nổi tiếng khác như “Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc”, “Đằng sau một số phận”, “Tình không biên giới”… Năm 1993, Thanh Lan sang Mỹ định cư. Năm 2019, khi Thanh Lan trở về Việt Nam thăm quê và tham gia chương trình “Ký ức vui vẻ”, rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Hồng Vân, Lại Văn Sâm đã xúc động bày tỏ lòng ngưỡng mộ với thần tượng của mình.

Gần 4 thập niên đã trôi qua. Mọi sự đều đã đổi thay. Ê kíp làm phim xưa nay đã kẻ còn người mất. Các diễn viên trẻ đẹp ngày xưa giờ cũng đã già. Những Thành Luân, Thùy Dung do bố mẹ họ mến mộ các nhân vật trong phim mà đặt tên, giờ cũng đã trưởng thành. Điện ảnh Việt Nam cũng đã đi được những bước rất dài, thế nhưng với khán giả Việt, Ván bài lật ngửa vẫn là một bộ phim vĩ đại, một đỉnh cao khó vượt của điện ảnh Việt Nam.

AN AN

;
.