Làm sao về được mùa đông

Thứ Bảy, 14/12/2019, 08:30 [GMT+7]
In bài này
.

Thiên nhiên có 4 mùa trong năm, mỗi mùa đều có những hương vị riêng biệt. Nhiều người vẫn nghĩ mùa thu là mùa gợi nên nhiều cảm hứng sáng tạo nhất đối với các thi nhân. Nhưng với sự nhạy cảm, tinh tế trong tâm hồn, khoảnh khắc nào trong năm cũng khiến người nghệ sĩ rung cảm, gửi gắm bao điều thú vị vào những ngôn từ tưởng như vô tri nhưng lại nên những áng thơ đầy mĩ cảm làm lay động lòng người.

MÙA ĐÔNG VÀ TUYẾT TRẮNG

Nói đến mùa đông châu Âu, nhiều người liên tưởng ngay đến tuyết trắng. Vì thế trong các bài thơ của các thi sĩ trời Âu, hình ảnh tuyết luôn hiện diện và mang tính biểu tượng văn hóa trong nhiều truyền thuyết như các nhân vật Bà chúa tuyết, nữ thần Băng giá, ông già Tuyết, cô bé Tuyết…

Một thời, bao thế hệ học sinh sinh viên Việt Nam học tập tại Liên Xô đã say đắm với những vần thơ của các thi sĩ Nga:“Trên con đường mùa đông vắng vẻ/Cỗ xe tam mã băng đi/Nhạc ngựa đều đều buồn tẻ/Đều đều khắc khoải lòng quê…/Không một mái lều, ánh lửa/Tuyết trắng và rừng bao la/Chỉ những cột dài cây số/Bên đường sừng sững chào ta”(Con đường mùa đông - Puskin, Thúy Toàn dịch). Cảm thức về tuyết hình như cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh và tâm trạng của thi nhân theo dòng lịch sử của nước Nga vĩ đại và hào hùng: “Bông tuyết nhẹ nhõm xoay tròn/Phố phường bốn bề trắng xoá/Những vũng nước nhỏ đóng băng/Trông như thuỷ tinh lấp loá” (Bông Tuyết - Nikolai Nekrasov, Nguyễn Quỳnh Hương dịch). Và như tâm hồn người Nga, tuyết cũng tượng trưng cho sự bất diệt, kiên cường dù thân xác có thể là hữu hạn: “Tuyết rơi, tuyết vùi chôn/Ừ, thì tôi sẽ chết/Không vì thế mà buồn/Tôi không chờ bất diệt/Không là lá, là sao/Tôi không tin phép lạ/Và sẽ chẳng lúc nào/Là sao hay là lá/Tôi chợt nghĩ: xưa nay/Mình là ai, quả thật/Mà sống ở đời này/Cái gì tôi yêu nhất?/Tôi yêu quí nước Nga/Yêu bằng xương, bằng thịt/Yêu dòng sông bao la/Cả khi chìm trong tuyết…” (Tuyết cứ rơi, cứ rơi - Evghenhi Evtushenko, Thái Bá Tân dịch).

Mùa đông Hà Nội.
Mùa đông Hà Nội.

MÙA ĐÔNG TRONG THƠ VIỆT

Hình như mỗi thi sĩ Việt có một mùa đông của riêng mình. Nơi ấy là tuổi thơ bên gia đình, với những đặc trưng xứ sở. Người ở thôn quê, người ở thị thành, người ở miền Bắc, miền Nam, miền Trung. Cũng vì thế trong thơ họ, bức tranh mùa đông cũng vô cùng phong phú, sinh động và gợi nhớ. Nhà thơ Huy Cận nhìn mùa đông, hồi tưởng đến tuổi thơ của mình, nỗi “buồn xa” đẹp đến nao lòng: “Gió lạnh chiều đông nhớ tuổi thơ/Bầy chim chèo bẻo nấp bên bờ/Mênh mông nước bạc đồng sau gặt/Một nỗi buồn xa như sóng xô…/Tuổi nhỏ hắt hiu giữa cánh đồng/Nửa tràn sương núi, nửa hơi sông/Có gì ẩm ướt trong hồi tưởng/Như áo ngày mưa bặn bếp hong” (Gió lạnh chiều đông - Huy Cận). Dưới góc nhìn của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, khi trời trở rét, nàng nghĩ ngay đến người mình yêu thương nhất: “Sao không cài khuy áo lại anh/Trời lạnh đấy, hôm nay trời trở rét/Gió nhiều quá/phòng trở nên chật hẹp/Bụi mù ngoài đường phố ít người qua” (Trời trở rét - Xuân Quỳnh). Nhà thơ Hữu Thỉnh tả cái rét khắc nghiệt của vùng Mèo Vạc vừa độc đáo, vừa thi vị: “Thư viết cho em nhòe nét mực/Phên thưa sương muối cứ bay vào/Núi rét đêm qua chừng mất ngủ/Sáng ra thêm bạc một nhành lau/Ở đây tuyết trắng bên chăn mỏng/Bếp đỏ cơm trưa núi vẫn mờ/Mực đóng thành băng trong ruột bút/Hơ hoài than đỏ chảy thành thư/Chắn gió cây run trong rễ tím/Hạt ngô gieo xuống cũng co mầm” (Thư mùa đông - Hữu Thỉnh) và không thể không nhắc đến mùa đông Hà Nội đã khắc họa vào tâm khảm người đi xa: “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa/Cái rét đầu đông giật mình bật khóc/Hoa sữa thôi rơi những chiều tan học/Cổ Ngư xưa lặng lẽ dấu chân buồn” (Chia tay người Hà Nội – Bùi Thanh Tuấn).

Nhiều bài thơ viết cho mùa đông dùng những thi ảnh gợi mở, những nét chấm phá ảo diệu mà không cần phải nhắc quá nhiều đến “lạnh, rét, gió bấc, mưa phùn”: “Em ơi! Hà Nội - phố/Ta còn em một gốc cây/Một cột đèn/Ai đó chờ ai?/Tóc cắt ngang/Xoã xõa bờ vai/Khung trời gió/Con đường như bỏ ngỏ/Ta còn em khăn choàng màu tím đỏ…”. Hay như: “Dường như ai đi ngang cửa/Hay là ngọn gió mải chơi?/Chút nắng vàng thu se nhẹ/Chiều nay/Cũng bỏ ta rồi/Làm sao về được mùa đông?/Chiều thu - cây cầu đã gãy” (Không đề gửi mùa đông - Thảo Phương).

Có khi nhắc đến mùa đông, để nhớ về một mùa hạ. Có khi đi trong giá rét, lại nhớ về bao ngày ấm nồng: “Đường phố hôm nay mùa đông/Sao áo em mùa hạ?/Những sọc áo xanh cuộn sóng/Em mang trên ngực biển đầy/Biển những ngày hè đẹp lắm/Ngày nào tìm biển ta say/Nhưng mùa hạ đã ra đi/Chân trời xa không ngấn nắng/Sao em còn mang áo mỏng/Có còn mùa hạ nữa đâu… Đường phố hôm nay mùa đông/Hãy để mùa hè yên nghỉ” (Hãy để mùa hè yên nghỉ - Hoàng Hưng). Và giữa mùa lạnh giá mờ sương, bỗng gặp một chấm màu đỏ rực khiến lòng thi nhân bùng cháy ngọn lửa khát khao: “Mái nhà nâu nhấp nhô/Trong khói mờ ẩn hiện/Cây bàng cao lá tím/Ướt nhoà sương ngã ba/Nhìn nhau không thể xa/Đèn mùa đông vụt tắt/Màu áo em đỏ rực/Cháy sau vòm cửa đêm” (Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên - Lưu Quang Vũ).

Có lẽ với mỗi độc giả sẽ cảm nhận được một mùa đông của riêng mình qua từng thông điệp của thi nhân gửi vào câu chữ. Mùa đông không chỉ làm cho bốn mùa thêm phong phú về cảnh sắc, phong vị mà còn chở bao hoài niệm về tuổi thơ, tình yêu và khát vọng của đời người. Mùa đông là mùa cuối cùng trong năm, cũng là thời điểm tiễn đưa năm cũ, đón đợi một năm mới với bao hi vọng tốt lành trong một mùa xuân mới trong lành, rực rỡ.

VŨ THANH HOA

;
.