Màu đỏ đi cùng năm tháng

Thứ Bảy, 21/12/2019, 05:51 [GMT+7]
In bài này
.

Giữa bao thể loại âm nhạc phong phú trên thị trường hiện nay để người nghe có thể thoải mái lựa chọn, vẫn có một dòng chảy âm nhạc bền bỉ, vững chãi đi cùng năm tháng, được kế thừa và phát triển qua nhiều thế hệ, đó chính là dòng nhạc cách mạng hay gần đây được gọi là dòng nhạc đỏ. Nhạc đỏ trường tồn bởi thông điệp tích cực nó đem đến, đó là những chủ đề tư tưởng rộng lớn như: tình yêu đất nước, quê hương, lòng tự hào dân tộc, tinh thần lạc quan dù trong khoảnh khắc tưởng như tuyệt vọng nhất. Tinh thần ấy trong thời đại nào cũng luôn cần thiết: “Cuộc đời vẫn đẹp sao/Tình yêu vẫn đẹp sao/Dù đạn bom man rợ thét gào/Dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích/Dù xa cách hai ngả đường chiến dịch/Ta vẫn còn chung nhau một ánh trăng ngần” (Nhạc Phan Huỳnh Điểu, thơ Bùi Minh Quốc).

Ba ca sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn đang thành công với dòng nhạc đỏ.
Ba ca sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn đang thành công với dòng nhạc đỏ.

MÀU ĐỎ CỦA NHIỆT HUYẾT  TUỔI TRẺ

Cụm từ “nhạc đỏ” được phổ biến theo sự phân loại màu sắc âm nhạc của nhạc sĩ Trần Hoàn khi còn là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin với sự đề xuất của nhạc sĩ Phạm Tuyên trong thập niên 1990. Sở dĩ các nhạc sĩ chọn màu đỏ cho thể loại nhạc này bởi với hàm ý tượng trưng cho nhiệt huyết của tuổi trẻ đóng góp sức lực và tuổi thanh xuân để bảo vệ và xây dựng tổ quốc, quê hương.

Nhạc đỏ đem tình cảm mỗi cá nhân gửi gắm vào tình cảm chung của dân tộc, đem những chi tiết đời thường trở thành những biểu tượng cao đẹp, điều này đã tạo nên giá trị lớn lao của dòng nhạc này: “Em ở phương xa, nghe đài báo gió mùa đông bắc/em thương anh nơi chiến hào gặp rét/Mà em thương anh chiều nay đang đứng gác/lo canh giữ đất trời/áo ấm có lạnh không/hỡi anh yêu người chiến sĩ biên thùy” (Gửi em ở cuối sông Hồng - Thuận Yến).

PGS.TS Đỗ Xuân Tùng, nhạc sĩ, nhà giáo ưu tú, nguyên Trưởng Phòng đào tạo Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) chia sẻ: “Nhạc đỏ không phải cứ như một số người hiểu là phải ca ngợi chế độ, lãnh tụ mới là nhạc đỏ. Mà nhạc đỏ còn có phạm trù rộng lớn hơn rất nhiều, tức là cảm xúc chung, ý thức chung, phản ánh những tình cảm của cả một cộng đồng, một dân tộc: “Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc/Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc/Quần nhau với giặc, áo con rách thêm/Nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo/Tấm áo ấy bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo/Người mẹ nghèo trong áo rách, áo rách nên thương/Các con ra đi đã mấy chiến trường/Mang theo cả tình thương của mẹ”(Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa - Nguyễn Văn Tý).

Đề tài của nhạc đỏ có thể là cũ: về chiến tranh, người lính, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương… có người thích hoặc không thích nghe nhưng nhạc đỏ vẫn tồn tại bởi chính giá trị âm nhạc, nghệ thuật chứ không đơn thuần là nội dung đề tài. Các bài hát nhạc đỏ phần lớn thuộc dòng thính phòng và âm hưởng dân ca, được hát bởi các giọng tenor và soprano, dàn hợp xướng, giai điệu phong phú nhưng lời hát bình dị đi vào lòng người. Phần lớn các bài nhạc đỏ hát bằng giọng trưởng quãng âm cao và rộng, sáng, đôi khi kèm hợp xướng nên đòi hỏi kỹ thuật cao, chất giọng tốt: “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u/Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu/Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang/Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa/Trên dòng sông trở về đoàn người reo mừng vui” (Trường ca Sông Lô - Văn Cao) hay như: “Hồng Hà mênh mông trôi cát tới chân làng quê/Cuối sông nhiều bến ai về có thấy/Làn gió xanh rì bát ngát đồng lúa ven bờ đê/Hồng Hà trôi xuôi đưa nước trên ngàn về khơi/Sông Thao ngoài bến Việt Trì/Có những chàng áo nâu về say mê giòng nước/… vui tràn trề” (Du kích sông Thao - Đỗ Nhuận).

Có rất nhiều ca sĩ nổi tiếng được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước, đa phần là các ca sĩ dòng nhạc thính phòng, opera tên tuổi gắn liền với các bài hát nhạc đỏ như: Quốc Hương, Trung Kiên, Quý Dương, Thu Hiền, Thương Huyền, Lê Dung, Quang Thọ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Tạ Minh Tâm, Thanh Thúy, Anh Thơ, Tân Nhàn...

NHỮNG BÀI CA ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Từ năm 2014 đến nay, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trên VTV1 vào mỗi tối thứ Bảy cuối tháng chương trình Giai điệu tự hào giới thiệu những ca khúc truyền thống cách mạng quen thuộc của nhiều thế hệ được làm sống lại qua phần thể hiện của ca sĩ trẻ hôm nay. Không ít ca khúc tại Giai điệu tự hào đã khiến khán giả rơi lệ vì âm nhạc đã chạm vào trái tim người nghe vì phần hòa âm mới, cách bài trí sân khấu... tái hiện bối cảnh, không gian lịch sử một thời đầy chân thực và bi hùng. Liveshow đêm nhạc Đường chúng ta đi của 3 ca sĩ nhạc đỏ nổi tiếng: Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô kỷ niệm 20 năm thành lập tam ca (1998-2018) đã cháy vé ngay sau 2 tuần mở bán, nhiều khán giả đã thể hiện sự nuối tiếc khi không có vé để tham dự đêm nhạc đình đám này.

Đạo diễn Cao Trung Hiếu (đạo diễn các chương trình lớn Câu chuyện hòa bình, Giai điệu tự hào, Khát vọng trẻ...) cho biết: “Nhạc đỏ như một dòng chảy vừa thầm lặng vừa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa nghệ thuật. Các dòng nhạc khác có lúc nổi lên rồi thoái trào, nhưng nhạc đỏ vẫn có vị trí quan trọng không thể thay thế”.

Nhạc đỏ luôn trường tồn bởi giá trị kế thừa và phát triển. Những nhạc sĩ sáng tác nhạc đỏ đã khai thác được sự tinh túy của nhạc dân gian, của tâm hồn người Việt và cộng hưởng với dòng nhạc bác học. Âm hưởng các ca khúc nhạc đỏ luôn hào hùng, lạc quan, phấn khích hướng đến thái độ tích cực mang tính lan tỏa cao vì thế dù ở thời đại nào cũng luôn được công chúng đón nhận và trân trọng.

VŨ THANH HOA

;
.