Nỗi lòng… đám cưới

Thứ Bảy, 28/12/2019, 10:42 [GMT+7]
In bài này
.

“Điểm hẹn” của lứa đôi đang thề non hẹn biển, ăn đời ở kiếp, cuối cùng vẫn là đám cưới. Họ nôn nóng, mong ngóng từng ngày, từng giờ được ăn bánh cưới, được chung sống một nhà. Ngày trọng đại ấy, dứt khoát phải diễn ra, không lớn thì nhỏ, dù giàu hay nghèo cũng phải có lễ cáo tổ tiên ông bà, mời họ hàng, bè bạn xa gần đến chứng kiến, chung vui. Vì ý nghĩa quan trọng nhất của đời người nên nghi thức tổ chức luôn được bàn bạc chu đáo.

Minh họa của  MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN

Ngày trọng đại ấy, đâu chỉ riêng cô dâu, chú rể mà ngay cả các bậc phụ huynh hai họ cũng tự cảm thấy phải có trách nhiệm. Thế là họ cùng “xắn tay áo” hăm hở “vào cuộc” rất đỗi nhiệt tình. Mà hỡi ôi, không phải ai cũng có quan niệm rõ ràng, cưới là chúng nó cưới nhau, khổ sướng thì chúng nó chịu. Nhiều bậc phụ huynh khả kính vì quá thương con, thương đến độ cứ ngỡ “nhân vật chính” là... mình! Do đó, việc can thiệp “líp ba ga” nên không khéo đôi trẻ phải chia tay một cách lãng xẹt!

Có việc “xưa như trái đất” tưởng chừng đã lạc hậu nhưng nay vẫn còn có người tin theo, ấy là tuổi tác “hai đứa” có hạp nhau không? Nếu không hạp, biện pháp “khắc phục” có thể ngày đó cô dâu, chú rể phải chọn màu áo gì? Chọn ngày nào tổ chức cho “hanh thông”? Xuất hành lúc mấy giờ? Chọn ai là người chủ hôn, tuyên bố lý do cho “mát tay”? Nếu cô dâu đứng cao hơn chú rể về sau dễ “ăn hiếp” chồng, vậy phải giải quyết ra làm sao? Ối dào, hàng trăm chuyện hằm bà lằng rối rắm chẳng có một cơ sở khoa học nào cả.

Có trường hợp, ông bố chồng vốn là nhà giáo nên muốn chọn loại thiệp hình thức trang nhã, sắc màu không quá lòe loẹt; ngược lại, ông bố vợ là giám đốc một công ty lớn, đang ăn nên làm ra nên muốn sự “hoành tráng” phải ngay từ thiệp mời. Nó phải sang trọng từ chất liệu giấy đến cả cách trình bày cầu kỳ. Ngoài ra, ông còn đặt riêng chừng vài chục thiệp làm theo lối thủ công tỉ mỉ. Ông gọi hai con lại, bảo: “Thiệp in đại trà, mời ai thì tùy, còn loại đặc biệt, “ưu tiên” cho bố mời các đối tác”. Sự khôn ngoan, từng trải của ông bố vợ khiến chàng rể sau này phục sát đất bởi khi tổng kết tiền mừng cưới, rõ ràng… hiệu quả lắm!

Mời dự đám cưới, thường ai cũng nghĩ chỉ nên mời bạn bè thân thiết; hoặc những ai đang có mối quan hệ làm ăn chung… Có như thế tiệc cưới càng chan hòa, ấm cúng và cũng là dịp mọi người cùng gặp gỡ chuyện trò thân mật. Rõ ràng danh sách có chọn lọc hẳn hòi nhưng khi “gút lại” chỉ thấy toàn khách khứa… của bố mẹ vợ/chồng! Cô dâu, chú rể đi đứng mỏi cả chân đến từng bàn mời quan khách “nâng ly”, chụp hình lưu niệm nhưng chẳng biết ai vào ai để xưng hô cho phải phép!

Bằng kinh nghiệm bản thân và thăm dò từ bạn bè, tôi thấy rằng trước lúc cưới, chuyện dễ gây tranh cãi nhất vẫn là chọn nhà hàng nào? Sắp đến ngày cưới nhưng cô em lại sụt sùi than thở với vợ tôi. Chuyện rằng: Cô chọn nhà hàng- nơi “chàng” lần đầu tiên gặp “nàng” như một cách nhắc lại kỷ niệm của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, hơn nữa ở đó có khuyến mãi 1 phòng tân hôn miễn phí. Ngược lại, chú rể lại muốn tổ chức tại nhà hàng của người bạn chí cốt, đơn giản vì bạn không chỉ khuyến mãi đến hơn 20% mà còn hứa hẹn cho góp cổ đông sau này. Do “bất đồng quan điểm” nên cãi nhau như mổ bò!

Mà đãi tiệc tại nhà hàng nào, trước hết cần cân nhắc túi tiền, chứ đừng nghĩ đến sĩ diện hão. Anh bạn tôi từ quê vào Sài Gòn ăn học, sau khi ra trường tìm được việc làm ổn định và quyết định chấm dứt ngày tháng độc thân. Với thu nhập khiêm tốn, lẽ ra phải “liệu cơm gắp mắm” nhưng anh lại nghĩ khác: “Ối dào! Đời người chỉ một lần cưới, việc gì phải so đo từng đồng?”.

Thế là, anh chọn nhà hàng sang nhất, móc tiền túi “tài trợ” vé cho anh em, họ hàng ruột thịt ngoài quê ùn ùn vào dự. Do thiếu tiền nên anh đi vay thêm. Dù không thổ lộ tâm sự thầm kín ấy với vợ sắp cưới nhưng anh hào hứng suốt mấy ngày liền vì hy vọng sau đó, có thể lấy tiền mừng cưới trang trải. Hỡi ôi, sau đó, cả hai è lưng ra “cày” để mong có tiền trả nợ!

Dù có được “cảnh báo” bằng câu chuyện hài hước này, dù có hơn gấp trăm lần đi nữa, họ cũng bỏ ngoài tai. Chuyện rằng: “Một chuyên gia về dinh dưỡng đang trình bày trước đám đông ở Chicago: “Các thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày thật tệ hại. Từ thịt đến rau, củ, quả, thậm chí cả nước uống cũng đều có chất tăng trọng, hóa chất ẩn chứa mầm bệnh có hại cho sức khỏe. Nhưng có một thứ nguy hiểm hơn, gây ra đau khổ nhiều hơn mà tất cả chúng ta đều đã, đang và sẽ ăn nó. Ai có thể biết?”. Ngay lập tức, một ông 80 tuổi ngồi ở hàng ghế đầu lập tức đứng dậy, dõng dạc: “Thưa ngài, đó chính là… bánh cưới!”.

Dù đùa là thế, nhưng cũng chẳng sao. Văn hào Maxim Gorky cho rằng: “Từ vú mẹ đến vú người yêu là một chặng đường dài”. Chặng đường dài ấy, chẳng khác gì từ lúc yêu nhau đến rình rang đám cưới. Và đôi khi nếu có những “sự cố” xảy ra cũng là lẽ thường tình. Dù cách giải quyết thế nào đi nữa, tùy theo quan niệm, suy nghĩ của mỗi cá nhân nhưng có lẽ lúc ấy, vấn đề căn bản vẫn là giữ thăng bằng cán cân “tình” và “lý”…

LÊ MINH QUỐC

 
;
.