Đường về nhà

Thứ Bảy, 28/03/2020, 06:32 [GMT+7]
In bài này
.

Anh là lái xe đường dài. Chạy mãi chạy mãi. Anh thích những bài nhạc phát thật lớn, thật lớn. Những bài nhạc sôi động. Anh thường được gọi là Râu vì mặt mũi râu ria tùm lum, bặm trợn. Nhà là xe mà xe cũng là nhà. Anh thích những lần di chuyển như thế, vừa có tiền, lại chẳng phải đối diện với bao nhiếc móc, phàn nàn, nhắc nhở. Anh thường dành hết thời gian để chở người ta đi đây đi đó, không phải là xe du lịch, mà là xe chuyên chở những người con xa quê. Họ về nhà với gương mặt háo hức và họ ra đi với một trạng thái buồn không thể tả, đôi khi là thinh lặng, đôi khi là chịu đựng mà cũng có những người tràn đầy hy vọng, biết đâu đợt này sẽ làm ăn khá hơn.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Râu rời gia đình đã lâu. Từ khi anh bắt đầu biết làm ăn và cũng từ khi anh tự lập cuộc sống của mình. Cũng chẳng phải mạnh mẽ gì, nhưng Râu thích như thế. Chưa kể mới bước vào đời, anh đã thích bay nhảy. Những lần bạn bè tụ họp, những lần chơi chung, đi này đi kia làm tính Râu quen dần với cuộc sống ấy. Là thế, nên Râu cũng chẳng ngại ngần sống xa gia đình. Anh nay đây mai đó, thuê trọ sống qua ngày. Đến khi tuổi trẻ cũng vừa chớm gót, anh mới bắt đầu nghĩ đến chuyện lập gia đình. Người Râu quen là một cô gái trong nhóm bạn, cũng thường lui tới những chốn chơi bời, tính tình hai người đều nóng nảy như nhau, chẳng biết sao lại có thể trở thành vợ chồng. 

Đấy là lần đầu tiên sau nhiều năm tuổi trẻ sống nay đây mai đó, Râu về và nói với cha mình, con muốn lấy vợ. Cha anh cũng biết tính khí con, nghĩ trong đời người có bao nhiêu ngày vui, thôi thì chuyện con lớn mà chưa có khôn, từ từ dạy sau cũng được, chuyện vợ chồng cho nó, cũng đã đến lúc, biết đâu có gia đình nó lại đổi tính đổi nết. Râu lấy Ly thật nhanh gọn. Ly là con gái xưa giờ cũng thích ăn chơi, nhưng được cái nấu ăn ngon nên mở tiệm buôn bán, không biết mở quán bán được ngày một ngày hai hay không, dù sao có cái nghề cũng hơn bao người thất nghiệp, chơi không. 

Từ khi có vợ, Râu đổi tính thật sự. Râu nghĩ, ít gì cũng có mái ấm, cũng có vợ, có con, rồi trang trải làm ăn cho bằng người ta, bằng bạn bằng bè. Thế là Râu bớt ăn chơi lại, mấy chiến hữu trước giờ tan tầm là hú nhau họp mặt bên bàn nhậu, bây giờ trách Râu có vợ bỏ bạn. Thôi kệ, làm ăn trước cái đã rồi tính tiếp, Râu vuốt gọn mấy tờ tiền ngay ngắn, bỏ vào bóp, tối về đưa vợ. 

Cha mẹ Râu thương nhớ con bấy lâu nay, lúc nó bắt đầu lớn lên thì đi học lái xe, theo xe hết nơi này đến nơi khác, lúc xe rảnh rỗi không chạy thì nó theo công trình đi phụ hồ, bốc vác, cộng với cái tính thích phiêu bạt nên hầu như 10 năm trời chẳng bao giờ gặp được mặt con, thỉnh thoảng gọi điện còn nghe tiếng nói. Biết tính nó như vậy thì thôi, con trai, dù sao cũng đã lập gia đình, coi như là xong một việc trọng đại trong đời. Vậy mà từ khi Râu lấy Ly, con trai chuyển về ở chung, biết nói làm sao cho xuể niềm vui ấy. Ông bà trồng rau sạch bán ở chợ gần nhà, cặm cụi quanh năm suốt tháng, nay có con cái, có dâu về thì đầm ấm hơn, hạnh phúc hơn. 

Tính Ly nóng, dù mở một quán nhỏ bán đồ ăn trước nhà nhưng cự cãi với khách suốt. Mọi người không ưa cách buôn bán của Ly, quán vắng khách dần. Ly thấy vậy thì bỏ đi chơi miết. Đôi khi khách đến mà không thấy người bán đâu, mẹ Râu phải bỏ luống rau đang tưới, tất tả chạy vào bán dùm. Góp ý thì sợ sinh chuyện, rồi mang tiếng mẹ chồng nàng dâu, Ly xưa giờ cũng không biết nhường nhịn, đúng là ngày một ngày hai thì cũng gây ra chuyện. Hôm đó Râu về tới nhà, đang bực chuyện bạn bè tới tận chỗ làm ép nhậu một bữa, lúc nhậu lại chén chú chén anh, say lên xỉn xuống, đi đường về lạng quạng đâm phải trụ điện, may mà chỉ trầy xước nhẹ. Lúc ấy thấy Ly giãy nảy lên, vừa lớn tiếng, vừa chỉ tay vào mặt mẹ chồng, Râu nổi máu, chạy vào nói gà nói vịt, cuối cùng, chuyện đã tệ càng tệ hơn. Bữa sau, Ly kiên quyết không sống chung, muốn dọn ra thuê nhà. 

Thật khó để sống hòa thuận. Râu nghĩ rồi cùng vợ ra thuê nhà ở riêng mặc cho cha mẹ Râu buồn trong lòng. Thôi, Râu tặc lưỡi, dù sao bao nhiêu năm tuổi trẻ cũng đã sống quen cảnh mây gió đường xá, bây giờ sống tiếp cũng chẳng sao. Lâu lâu về thăm nhà là được rồi. Từ ngày ấy, Râu càng thấy cuộc sống khó thở hơn, Ly có thai rồi sinh con. Cuộc sống vợ chồng có thêm một đứa con rối rắm trăm bề, Ly lại nóng nảy, ít quan tâm tới con thành ra bao nhiêu việc đều đến tay Râu. Chịu không xuể, anh đành nhờ mẹ qua chăm cháu ít bữa. Mẹ anh qua, lại không vừa ý với Ly, chẳng hiểu thế nào tiền chợ búa cơm nước lại bị Ly làm lớn chuyện, nói bà ăn bớt ăn xén, không thương con cháu, để cho đứa này đứa khác. Mẹ Râu không ở được nữa, khóc một trận rồi bỏ về. Cũng kể từ đấy, Râu ít về nhà hẳn. Về nhà mình thì vợ cằn nhằn, lôi chuyện cũ ra bới móc, còn nếu bữa nào rảnh rỗi ở nhà thì vợ nặng nhẹ chuyện tiền bạc con cái, bao nhiêu thứ cứ xoay vòng vòng trong đầu Râu. Có gia đình khổ đến thế… Râu chỉ còn nước đăng ký chạy xe bất kể giờ nào, trên xe, nghe nhạc xập xình, vừa có tiền, vừa thoải mái. Hết đi xe thì gặp bạn bè, chén này chén khác, ly này ly kia, vậy là ngày qua ngày thôi…

Một lần chạy xe về trạm, xe trống trơn, chỉ còn tiếng nhạc với mình, thật thoải mái làm sao. Râu thấy một ông cụ vẫy xe, tay cầm bịch đồ. Râu dừng xe và cho ông cụ quá giang. Ông cụ này ngồi ghế trước gần Râu, hai người cùng nhau nói chuyện. Râu hỏi, cụ đi đâu đây, ông nói, chở tôi đến trung tâm mua sắm, chỗ đó đông người qua lại, mới dễ bán hàng được. Ông bán gì đó? Thì củ lang nướng, bắp nướng. Đến đêm nhiều người đi chơi về, ghé mua ăn, thơm lắm nhé chú. Râu nghĩ tới cha mẹ mình, chắc giờ này cũng đang cặm cụi bên luống rau, bón phân, tưới nước, rồi đôi khi lại tẩn mẩn nhớ con nhớ cháu. Cũng đã lâu rồi Râu chưa về nhà, những cuộc gọi như ngày trước, mà cũng chẳng có gì mới mẻ, cũng vài ba câu như cha ăn cơm chưa, hôm nay rau bán thế nào. Mẹ có bớt đau chân không. Chỉ thế thôi. Râu tắt nhạc. Râu muốn lắng nghe nhiều hơn từ ông cụ này. Ông nói, ngày trước tôi ham chơi, đi đây đi đó, chẳng nghĩ chuyện lập gia đình, chẳng tiết kiệm, tích lũy nên giờ tới già mà vẫn trắng tay, chạy ăn từng bữa. Vậy đó chú, người ta nói, con cái là của để dành, tôi cũng chẳng có một đứa con để mà già nó phụng dưỡng cho. Ba mẹ của tôi cũng qua đời lâu rồi. Ngày xưa mỗi lần mỏi gối chùng chân thì về nhà, ăn bữa cơm, uống miếng nước, bây giờ lớn rồi, già rồi, chẳng muốn về, có về cũng chẳng còn ai, chú ạ… Lòng Râu chùng chình. Cũng không thể thoái thác, cũng không thể chối bỏ, lại càng không thể bất hiếu, Râu đã trốn tránh trách nhiệm của mình quá lâu với gia đình, Râu đã không thể khuyên bảo được Ly, mong vợ mình nhẹ nhàng hơn để gia đình sum họp. Đấy cũng là niềm vui lúc tuổi già của ông bà vậy. 

Đến trung tâm mua sắm, Râu để ông cụ xuống, Râu từ chối nhận tiền, coi như chở dùm ông một quãng đường. Cảnh già luôn là một nỗi lòng, nếu có con cháu mà không được gần gũi thì sẽ trống trải và buồn tủi đến thế nào. Râu gọi điện về nhà nhắn Ly, hôm nay đưa con về nhà thăm cha mẹ. Và tự Râu cũng dời công chuyện chạy xe đến cả tuần. Râu mong, khoảng thời gian ngắn ngủi này, mình có thể gầy dựng lại được mối quan hệ xưa nay đổ vỡ, mong cho Ly và con có thể thân thiết với cha mẹ mình hơn. Râu nóng tính, anh biết. Râu cũng ưa phiêu bạt, anh biết. Tính vợ con anh cũng biết. Nhưng xét cho cùng, ai mà chẳng già đi, chẳng trông mong một tình cảm gia đình. Râu đã quyết và Râu sẽ về nhà ngay bây giờ, dù thế nào, cũng vẫn là chưa muộn…

NGUYỄN ĐẶNG THÙY TRANG

 
;
.