Hát giấc mơ nào xa lắm

Thứ Bảy, 04/04/2020, 08:54 [GMT+7]
In bài này
.

Thời điểm cả thế giới ngày đêm âu lo vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, bóc tờ lịch nhỏ, bỗng giật mình nhận ra tháng Tư đã ùa về… Tháng Tư là thời điểm giao thoa giữa mùa xuân và mùa hạ để những cơn gió nhẹ đưa làn mây trắng đánh thức giấc mơ nồng nàn có thể từ mùa đông năm cũ mà cũng có thể của mùa xuân mới qua: “Tháng Tư về, gió hát mùa hè/Có những chân trời xanh thế/Mây xa vời, nắng xa vời/Con sông xa lững lờ trôi/Nắng nhẹ nhàng, mây trắng nhẹ nhàng/Hát giấc mơ nào xa lắm” (Tháng Tư về - Dương Thụ).

Bộ tứ sông Hồng (từ trái sang): Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương.
Bộ tứ sông Hồng (từ trái sang): Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương.

Nếu Mưa tháng Giêng (NS Việt Hùng), Khúc tháng Hai (NS Trần Duy Đức) hay Tháng Sáu trời mưa (NS Ngô Thụy Miên) từ lâu đã đi vào lòng người thì Tháng Tư về là ca khúc cũng khiến trái tim người nghe xao xuyến vào những ngày đầu tháng Tư, một trong những ca khúc có thể là hay nhất của nhạc sĩ Dương Thụ. Bài hát như món quà quý tặng những mùa hoa tiếp nối những mùa hoa, khi đất trời vừa nắng lại vừa mưa, những bông loa kèn mong manh vừa ngơ ngác vừa kiêu sa như vẻ đẹp thiếu nữ Hà thành.

TÔI THƯỜNG HÁT LÊN GIẤC MƠ CỦA MÌNH

Nhạc sĩ Dương Thụ sinh năm 1943 tại thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, thuộc gia tộc họ Dương danh giá có hai cụ cố đỗ tiến sĩ triều Nguyễn và làm quan nhà Nguyễn là Dương Khuê và Dương Lâm tức “cụ Thiếu Vân Đình”. Dương Thụ là cháu họ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và Giáo sư Tiến sĩ Dương Thiệu Tống. Những năm trung học, Dương Thụ học piano với gia đình nghệ sĩ Thái Thị Sâm tại trường âm nhạc tư thục của cụ Lưu Quang Duyệt ở Hà Nội. Sáng tác đầu tiên của ông được biết tới là Nhớ làng xưa, được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1962. Năm 1965, ông tốt nghiệp Khoa Văn – ĐH Sư phạm Hà Nội, sau đó đi dạy học cấp 3 ở Tuyên Quang. Năm 1972, Dương Thụ thi đỗ vào Khoa Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội (cùng đợt với Nguyễn Cường và Trần Tiến). Năm 1978, ông chuyển vào miền Nam, làm Giảng viên khoa lý luận ĐH Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Năm 1982, Dương Thụ chuyển sang hoạt động âm nhạc chính thức, vừa sáng tác vừa chỉ đạo nghệ thuật cho nhiều đoàn biểu diễn, rồi làm biên tập cho NXB Âm nhạc và Ðĩa hát Việt Nam, Tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Nhạc sĩ Dương Thụ
Nhạc sĩ Dương Thụ

Vào thập niên 1990, hàng loạt ca khúc của nhạc sĩ Dương Thụ được phát trên sóng phát thanh truyền hình, trong nhiều chương trình sân khấu lớn như: Mặt trời êm dịu, Bài hát ru cho anh, Tiếng sóng, Tháng Tư về, Vẫn hát lời tình yêu, Cho em một ngày, Hơi thở mùa xuân, Họa mi hót trong mưa... được nhiều giọng ca nổi tiếng thể hiện như Lệ Quyên, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Bằng Kiều… Trong một bài phỏng vấn, Dương Thụ lý giải về sự yêu mến của công chúng dành cho âm nhạc của mình rằng: “Tôi thường hát lên giấc mơ của mình. Âm nhạc của tôi có bóng dáng của nhạc dân gian, nhạc trẻ và cả nhạc thính phòng. Nhưng cuối cùng không là dòng nào trong số đó. Mỗi người yêu âm nhạc của tôi vì tìm thấy một thể loại người ta thích. Nông dân thích nhạc của Dương Thụ vì chất dân gian, người trẻ thích nhạc của Dương Thụ vì nó trẻ trung, có tiết tấu và trí thức thích nhạc của Dương Thụ vì có chất thính phòng”.

CHẤT NGƯỜI HÀ NỘI GỐC

Bộ tứ sông Hồng gồm các nhạc sĩ lừng danh thế hệ 4X của nhạc Việt: Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Dương Thụ cùng lớn lên ở Hà Nội, là bạn nhạc thân thiết từ thuở hàn vi, nhưng mỗi người một lối đi riêng. Nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ: “Nhạc cũng là người. Phương có biệt danh “Phương gàn”. Nhưng là cái gàn đáng yêu của kẻ sĩ biết giữ gìn phát huy những giá trị cổ xưa. Vì lẽ đó ta cứ thấy thấp thoáng đâu đó cái “ngày xưa” lộng lẫy trong Một thoáng Tây Hồ, Trên đỉnh phù vân, Những cô gái quan họ... và cái xót xa hồi cổ trong Về quê… Trần Tiến biệt danh “Tiến bụi”, vì khi còn là gã trai mới lớn Tiến đã thích vỉa hè, thích quấy tếu vì thế mới có Con chim sẻ tóc xù, Mặt trời bé con, Lambada quê ta, Phố nghèo, Hà Nội năm 2000... Nguyễn Cường với biệt danh “Cường cuồng nhiệt”, vì lúc viết chỉ thích tempo (nhịp) nhanh và lúc nào cũng “bốc lửa”. Tôi thì không dính được một đặc điểm nào hay như thế của ba ông bạn. Vì bản tính rụt rè và đời sống riêng của tôi lại quá nặng nề nên tôi thích sự nhẹ nhàng, dịu dàng, thích tempo vừa phải, thích cái nhỏ, cái ít, sợ hãi những gì “hoành tráng, ăn to nói lớn” nên cũng không có biệt danh nào”.

Đó là những lời tâm sự khiêm nhường của nhạc sĩ Dương Thụ. Với cá nhân tôi, trong 4 nhạc sĩ thì Dương Thụ mang đậm “chất Hà Nội” trong nhạc của mình bởi sự giản dị mà sang trọng, thong thả mà sâu lắng, hồn nhiên mà tinh tế. Hãy nghe: “Tiếng mưa rơi ngoài hiên gió mưa như lạnh thêm/Có con chim họa mi hát trong mưa buồn lắm/Nỗi nhớ anh ngày mưa nỗi nhớ anh thật sâu, nặng” (Họa mi hót trong mưa) Hay: “Em đi qua tôi qua tôi/Tháng năm vụt mất ngày xanh đâu rồi/Em đi qua tôi qua tôi/Lá hoa thuở ấy nằm khô bên trời/Nỗi buồn ơi/Hãy nói với em dùm tôi” (Em đi qua tôi).

Đạo diễn Lê Hoàng nhận xét về nhạc Dương Thụ: “Dương Thụ là nhạc sĩ có cảm xúc trước, có nhạc lý sau. Hình như một ngày nào đó, anh phát hiện ra có thể dùng âm nhạc làm công cụ. Chỉ đơn thuần công cụ thôi, anh không tha thiết với việc lau chùi và đánh bóng nó”.

Quả vậy, Tháng Tư đã về trước cửa. Hãy gột bỏ những buồn lo của ngày cũ để đắm mình vào những giai điệu trong veo của bản tình ca tháng Tư thanh tao, diệu vợi: “Mơ, em mơ về con đường nhỏ/Quanh co lối mòn hoa dại nở/Chỉ mình em bên anh, bên anh…”.

VŨ THANH HOA

;
.